Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

VIỆT NAM - CỐT CÁCH VÀ KHÍ CHẤT



            Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã bị Mỹ và nhiều nước phương Tây tẩy chay tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong 2 ngày 7-8/7 tại Indonesia.

Ông Lavrov đã rời Indonesia trước khi hội nghị kết thúc. Trước đó, ông cũng nhiều lần rời phòng họp khi ngoại trưởng Mỹ, Đức, Ucraina… phát biểu công kích Nga về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đang diễn ra tại Ucraina. Ngoại trưởng các nước thành viên G7 đã không có mặt trong bữa tiệc tối ngày 7/7 để phản đối sự có mặt của Nga. Trước khi hội nghị bắt đầu, một số nước cũng kêu gọi loại Nga ra khỏi Nhóm G20, nhưng không thành.

Diễn ra trong bối cảnh mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ và các nước đồng minh liên qaun đến cuộc chiến vẫn đang diễn ra quyết liệt tại Ucraina và phương Tây vẫn đang gia tăng các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Nga, việc ông Lavrov bị tẩy chay và cô lập tại Hội nghị G20 là điều có thể hoàn toàn nhìn thấy trước.

Việt Nam tất nhiên cũng hiểu rõ điều này, nhưng ngay trước khi Hội nghị G20 khai mạc Việt Nam vẫn chủ động và trân trọng đón tiếp ông Lavrov sang thăm trong hai ngày 5-6/7. Tại Việt Nam, ông Lavrov được Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đặc biệt được đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp. Chuyến thăm của ông Lavrov tới Hà Nội được thông tin đầy đủ trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Việt Nam.

Trên MXH, có rất nhiều những bình luận trái chiều về chuyến thăm Việt Nam của ông Lavrov, đại loại như: “Gặp Nga lúc này là hỏng rồi”, “Ông Lavrov đến Việt Nam nước tôi vào lúc này làm gì? Đất nước tôi đang bình yên, còn Nga đang bị cả thế giới quay lưng. Ông cần gì ở chúng tôi lúc này?”, “Tiếp thế này là đồng lõa với tội phạm”, “Lạ nhỉ, Ngoại trưởng của một nước đang đi xâm lược lại được lãnh đạo Việt Nam đón tiếp trọng thị?”…

Có thể nói, việc ông Lavrov sang thăm Việt Nam và được lãnh đạo Việt Nam đón tiếp chân tình cũng như việc Việt Nam bỏ phiếu trắng và phiếu chống đối với một số nghị quyết của LHQ lên án Nga cách đây vài tháng đã gây nên sự chú ý đặc biệt, thậm chí khó hiểu trong dư luận. Một số đối tượng chống đối, cơ hội lợi dụng những việc này để xuyên tạc đường lối, quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chúng cho rằng, chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại cân bằng quan hệ với các nước lớn của Việt Nam là “đường lối trung dung”, là “di dây nguy hiểm”.

Quan điểm, thái độ của mình đối với vấn đề Nga đưa quân vào Ucraina và những vấn đề liên quan đã được Bộ Ngoại giao và lãnh đạo Việt Nam nói rõ nhiều lần tại các diễn đàn quốc tế và cuộc gặp cấp cao. Việt Nam lên án chính trị cường quyền, phản đối các nước lớn sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế; trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược quyết liệt, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ. Ngay tại buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, đồng thời nói rõ quan điểm của Việt Nam về sự cần thiết giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng đối thoại và các biện pháp hòa bình.

Trên MXH, rất nhiều người bày tỏ thái độ đồng tình đối với việc Việt Nam tiếp đón ông Lavrov tại thời điểm nhạy cảm này, ủng hộ đường lối đối ngoại nhất quán, rõ ràng của Việt Nam, đánh giá cao bản lĩnh của lãnh đạo Việt Nam. “Việc này là bình thường trong quan hệ ngoại giao thôi”, “Thích tiếp ai là quyền của Việt Nam”, “Nga là người bạn tốt của Việt Nam. Việt Nam đã từng đón tiếp các cựu thù như Mỹ, Pháp, tại sao lại không đón tiếp một người bạn tốt như Nga”, “Chơi với ai là quyền của Việt Nam. Đảng và Nhà nước Việt Nam rất sáng suốt.”, “Cứ lợi ích quốc gia là trên hết, sợ gì bố con thằng nào”… 

Trong suốt những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh các chuyển dịch địa chính trị, địa kinh tế và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong cục diện thế giới với nhiều nhân tố khó dự báo, Việt Nam vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn “giương cao ngọn cờ hòa bình, kiểm soát bất đồng, tìm kiếm các giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia”.

Bản lĩnh vững vàng, cách xử lí khôn khéo, linh hoạt những vấn đề và các mối quan hệ chiến lược phức tạp trên cơ sở đường lối đối ngoại nhất quán đã mang lại cho Việt Nam một vai trò và vị thế quốc tế ngày càng vững mạnh như hiện nay./. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét