Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Chống tham nhũng chứ không phải đấu đá tranh giành quyền lực


Nguyên Anh

Sự thật là ở Việt Nam, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, được triển khai quyết liệt để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị. Cho nên bài viết “Chống tham nhũng hay chống nhau” mang tính kích động của Việt Hoàng đăng trên nhóm Tập hợp dân chủ đa nguyên ngày 18/6/2022 không chỉ xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam mà còn gây hoang mang, chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một là, cần phải khẳng định rõ ràng rằng, tham nhũng là vấn nạn của  tất cả các quốc gia; có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Đúng là tham nhũng cũng được coi như một “kẻ địch nội xâm” và cũng như các quốc gia khác, Việt Nam nhận thức rất rõ sự nguy hại và những hệ lụy khôn lường của tham nhũng nên đặc biệt chú trọng phòng và chống tham nhũng. Vì tham nhũng là kẻ địch, làm hủy hoại niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền, nên đương nhiên nó sẽ không được “dung túng” và phải quyết liệt phòng và chống không ngừng, không nghỉ để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi.

Thực tế là, những năm gần đây, cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngày càng đạt được những kết quả khả quan. Số lượng các vụ án tham nhũng và đi liền cùng đó là các tổ chức, cá nhân tham ô, tham nhũng đã, đang và sẽ được xử lý nghiêm minh theo pháp luật; được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông là minh chứng rõ nhất trả lời câu hỏi “đảng cộng sản có thể chống được tham nhũng hay không?” của Việt Hoàng.

Dù bịa đặt hay bẻ cong thì Việt Hoàng cũng không thể phủ nhận được kết quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng và chủ trương, quyết tâm, biện pháp chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, công cuộc phòng và chống tham nhũng ở Việt Nam chắc chắn “làm được” và sẽ làm “làm tốt”, với những kết quả đã được ghi nhận.  

Chả có luận cứ nào để Việt Hoàng cho rằng “các nước dân chủ cũng có tham nhũng nhưng chỉ là một vài phần trăm, nó khác xa với Việt Nam với tỉ lệ tham nhũng là 99%”. Ở đâu ra cơ sở để quy chụp rằng ở Việt Nam tham nhũng chiếm 99% hay đó chỉ là sự thiểu năng não của Việt Hoàng. Đương nhiên là, ai cũng hiểu rõ tham nhũng gắn liền với quyền lực. Chỉ có những người có quyền lực mới có thể tham nhũng, vì ‘tham nhũng là một vi phạm đạo đức bằng cách sử dụng công quyền cho lợi ích cá nhân’. Song không phải tất cả những con người có quyền lực/không phải tất cả những cán bộ, đảng viên được giao trọng trách tại các cơ quan công quyền đều tham nhũng như sự “vơ đũa cả nắm” của Việt Hoàng!

Hai là, cuộc đấu tranh chống tham nhũng không chỉ được đẩy mạnh, được thực hiện quyết liệt mà còn được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Thực tế, những vụ án gần đây như Việt Á với việc nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, như nhiều cán bộ CDC các địa phương; như Thứ trưởng Tô Anh Dũng và các cán bộ của Cục lãnh sự Bộ Ngoại Giao… bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra và xử lý theo pháp luật là minh chứng bác bỏ sự xuyên tạc của Việt Hoàng rằng “tất cả họ đều là đồng chí của nhau và đều là đảng viên đảng cộng sản” và vì thế, “đã là đồng chí, cùng hội cùng thuyền và suốt ngày hội họp, ăn nhậu cùng nhau thì làm sao họ có thể xử nhau một cách nghiêm túc”. Vì pháp luật là nghiêm minh, nên ai vi phạm cũng đều bị xử lý!

Sự xuyên tạc của Việt Hoàng thật ngớ ngẩn, theo chủ kiến cá nhân và nguy hiểm hơn là Việt Hoàng còn quy kết phản động rằng “Việt Nam không có dân chủ nên các cơ quan thuộc về lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng chỉ là một, dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản”. Đúng là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hệ thống chính trị, song không thể bẻ cong như Việt Hoàng rằng “các cơ quan thuộc về lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng chỉ là một”. Thực chất đó là các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng theo khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 thì ở Việt Nam, “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Cho nên, Việt Hoàng đọc cho kỹ rồi hãy cào bàn phím nhé!

Một trong những “thang thuốc hữu hiệu nhất” để chữa bệnh cá nhân chủ nghĩa, để phòng và chống sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên chính là phương pháp tự phê bình và phê bình, là tăng cường công tác kiểm tra và giám sát. Thực tế, việc thực hiện các nguyên tắc này đã góp phần tăng cường việc kiểm soát quyền lực cũng như phòng và chống các biểu hiện tiêu cực, tham ô, tham nhũng, quan liêu trong hệ thống chính trị.

Các cán bộ, đảng viên được trao trọng trách tại các cơ quan công quyền đều phải là những con người được quy hoạch, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm. Không có ai tự nhiên được đặt vào vị trí nào đó vì là “có công đánh đuổi Pháp, Mỹ để giành độc lập nên họ có quyền lãnh đạo đất nước đến muôn năm, dù có sai sót gì thì từ từ họ sẽ sửa” như Việt Hoàng vu khống. Hơn nữa, luận điệu xuyên tạc cho rằng “khi người Việt vẫn còn xem đất nước Việt Nam là ‘chiến lợi phẩm’ mà đảng cộng sản đáng được hưởng thì việc trông chờ họ chống tham nhũng là chuyện viển vông” của Việt Hoàng không chỉ bôi đen, bịa đặt về “văn hóa Khổng giáo” mà còn xúc phạm cả sự biết ơn của mỗi con người dân đối với sự hy sinh của các thế hệ cha anh với nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ba là, cả Việt Hoàng và Nguyễn Gia Kiểng đều là những kẻ chống phá Đảng và chế độ bằng những luận điệu xuyên tạc, phản động; bằng sự phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và sự độc quyền lãnh đạo của Đảng đã được hiến định. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trở thành Đảng cầm quyền, độc quyền lãnh đạo là do Đảng đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống chính trị, trong lòng nhân dân chứ không phải Đảng tự muốn là được, nên đừng có bôi đen sự thật.

Lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận rõ vai trò của Đảng đối với sự phát triển của đất nước, nên sự xuyên tạc rằng “khi đất nước đã bị chiếm đoạt làm của riêng cho một nhóm người thì làm sao còn có thể nói đến lòng yêu nước, nền tảng của đạo đức quốc gia” và “một chính quyền tham nhũng không thể thay đổi mà chỉ có thể thay thế” cần phải được chỉ ra và bác bỏ. Vì thế, chắc chắn, ở Việt Nam không cần “một chính quyền mới” và “đó chỉ có thể là một kết hợp giữa một tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn và có viễn kiến với các lực lượng tiến bộ trong đảng cộng sản” như Việt Hoàng và Nguyễn Gia Kiểng gieo giắc, kích động.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo chắc chắn không phải là “việc đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm”. Đồng thời, kết quả đấu tranh chống tham nhũng không chỉ cho thấy tham nhũng đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe. Cho nên, điều mà Việt Hoàng kích động khi cho rằng: đấu tranh chống tham nhũng là “phe ông Trọng” đấu với “phe ông Dũng”; là “tham nhũng và cướp bóc sẽ gia tăng khi phe chiến thắng tranh thủ vơ vét và hưởng thụ ‘thành quả cách mạng’. Phe thắng cuộc lại tiếp tục xem đất nước như là chiến lợi phẩm để ban phát cho nhau và thậm chí là còn thô bạo hơn vì họ đang độc quyền và chiến thắng” chỉ là sự quy chụp, suy diễn cá nhân nhằm chống phá Đảng và chế độ.

Cũng vì thế, cũng không có việc “hình thành một tổ chức dân chủ hùng mạnh và có tầm vóc để làm giải pháp thay thế cho giải pháp cộng sản đang là một đòi hỏi khẩn trương và cấp bách cho Việt Nam” như Việt Hoàng kêu gọi. Và chắc chắn, điều đó sẽ không thể xảy ra ở Việt Nam. Nên mới nói, những thông tin xấu độc, những luận điệu phản động của Việt Hoàng được nhắc đi nhắc lại bao năm qua cũng chỉ là tiếng kêu rên lạc loài!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét