Thứ Ba, 12 tháng 7, 2022

Cách nhìn sai về bản chất cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam

                

            Bài viết “Chiến dịch chống tham nhũng của ‘người đốt lò’ ở Việt Nam tiếp tục thất bại” của David Brown, Song Phan, chuyển ngữ đăng trên Tiếng Dân News ngày 5/7/2022, Bauxite Việt Nam ngày 6/7/2022… cho thấy cách nhìn không đúng về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam nói chung, về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng.

1. Có thể khẳng định rằngđấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam không phải chỉ diễn ra trong 10 năm trở lại đây, nên cũng không thể gọi là “Mười năm ‘đốt lò’ ở Việt Nam” như tác giả nhận định. Bởi rằng, từ khi mới thành lập nền dân chủ cộng hòa, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã chủ trương phòng, chống các tệ nạn tham ô, tham nhũng, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác. Chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài.

 Ở vào từng thời điểm khác nhau, cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực được các phương tiện thông tin truyền thông đề cập đậm, nhạt khác nhau, song có thể khẳng định rằng, đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam được chú trọng, gắn liền với công tác công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng (từ khi Đảng thành lập 3/2/1930 đến nay) và tiếp tục gắn với việc xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng (từ 2/9/1945 đến nay).  

“Đốt lò” là cách gọi gắn với việc Đảng Cộng sản Việt Nam đẩy mạnh phòng và chống tham nhũng trong những nhiệm kỳ gần đây; gắn liền với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Kết quả của chống tham nhũng là khả quan, nên việc tác giả cho rằng “Mười năm ‘đốt lò’ ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy “các con số rất lớn”, “sự gia tăng ấn tượng về phạm vi và số vụ truy tố” và “tiếp tục thất bại” là không đúng sự thật.

2. Sự thật đúng là, những nhiệm kỳ gần đây, nhờ đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng trong Đảng và trong hệ thống chính trị kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập theo quyết định của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 2/2013) và nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021, công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và chiều hướng thuyên giảm là sự thật. Những kết quả khả quan đó đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, tạo động lực và khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tuy nhiên, những con số biết nói về số lượng các vụ án tham nhũng, lạm dụng chức vụ quyền hạn và những sai phạm liên quan đến kinh tế đã bị khởi tố; số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng hoặc có liên quan đến tham nhũng, trong đó có  hơn một trăm cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng quản lý cùng số tài sản tham nhũng trị giá nhiều tỷ đô đã được thu hồi… mặt khác cũng cho thấy sự phức tạp đi liền cùng những khó khăn, thách thức của cuộc chiến đầy cam go này.

Đảng, Nhà nước và các cơ quan, ban, ngành chức năng trong cả hệ thống chính trị Việt Nam đều vào cuộc; đều thực hiện nghiêm chủ trương đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, kiên quyết, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đã được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Kết qủa đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam cho thấy sự suy diễn chủ quan của David Brown: “(1) gần như tất cả những người nắm vị trí cao đều thỏa hiệp cách này hay cách khác, và (2) điều duy nhất mà đồng chí với nhau không làm là đi tố cáo lẫn nhau” là không khách quan.

3. Đúng làvụ án liên quan đến công ty Việt Á và Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đều có liên quan đến đại dịch Covid-19. Trong khi Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị dốc lòng, dốc sức tập trung phòng và chống dịch để bảo vệ cuộc sống bình an của người dân thì những cá nhân, tổ chức có liên quan nêu trên đã lạm dụng quyền lực để mưu lợi cho cá nhân và nhóm lợi ích.

Sau 6 tháng điều tra những sai phạm liên quan đến công ty Việt Á, hơn 60 cá nhân đã bị khởi tố; trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng hàng loạt giám đốc CDC, cán bộ Sở Y tế các địa phương. Về vụ án ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, theo đại diện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an: đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố 7 bị can về tội “Nhận hối lộ” và 3 bị can về tội “Đưa hối lộ”. Kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD…

Quyết tâm của Đảng; tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ của các cơ quan tư pháp trong đấu tranh chống tham nhũng cho thấy cách làm bài bản, kiên trì, nhân văn và thuyết phục trong công tác đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không ai muốn xử lý đồng chí của mình, song khi họ đã vi phạm pháp luật, Điều lệ Đảng và cả đạo lý làm người, thì nhất định phải xử lý “cành cây đã sâu mọt để cứu cả rừng cây”.

Tuy nhiên, quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ: từ xử lý về Đảng đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Quá trình xử lý được tiến hành cẩn trọng, cân nhắc một cách dân chủ, công bằng, công khai theo nguyên tắc của Đảng và các quy định của pháp luật, đảm bảo đúng người đúng tội; đảm bảo để những người vi phạm nhận ra sai phạm, tâm phục khẩu phục và sẽ khắc phục khuyết điểm; đồng thời coi đó là bài học răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng và không muốn tham nhũng.

 4.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là người liêm khiết, công tâm. Đối với Tổng Bí thư, công tác đấu tranh chống tham nhũng gắn liền với công tác công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức và có tài như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn không chỉ là lương tâm, trách nhiệm của người đứng đầu Đảng mà còn là sứ mệnh của đồng chí trước Tổ quốc và nhân dân.

Mong muốn, quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Đảng trong vấn đề kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực trong “lồng cơ chế” và nhất là đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt cũng không ngoài mục tiêu để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu và sự kính trọng của nhân dân. Vì thế, dù phải “đốt lò”, dù phải kỷ luật, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm để làm trọng sạch Đảng, hệ thống chính trị, để củng cố niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền nói riêng, vào Đảng và chế độ nói chung, thì đau lòng cũng vẫn phải làm.

Nhắc lại chủ trương và quyết tâm chống tham nhũng; cách làm nhân văn, có ý nghĩa răn đe và cảnh tỉnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thấy được nhận định sai, mang rõ hàm ý xúc phạm Tổng Bí thư của David Brown khi tác giả cho rằng “ông Trọng hiện đã gần 80 tuổi, sức khỏe không còn tốt nhưng vẫn có ý định dọn sạch quan chức tham nhũng cho Việt Nam. Ít nhất, ông sẽ được nhớ đến với tư cách là người lãnh đạo đã không ngần ngại đưa đồng liêu của mình vào tù”.

Cuối cùng, chắc chắn rằng, cùng với việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực; xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang chính trị, pháp lý để mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên đều tuân thủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước/để không thể tham nhũng, tiêu cực; và việc mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên phòng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân quyết liệt, thì tham nhũng sẽ từng bước được ngăn chặn chứ không phải “tham nhũng trong quan chức vẫn tràn lan và đôi khi trắng trợn, bất chấp Tổng Bí thư và các đồng chí của ông đã nỗ lực không ngừng để trấn áp nó cả thập niên qua” như David Brown nhận định./.

 Hoàng Sa Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét