Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua. Đây là văn bản luật lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; tác động sâu, rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trước khi xem xét quyết định, Dự án luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trách nhiệm, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được thảo luận, cho ý kiến tại bốn kỳ họp Quốc hội, hai Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáu phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân. Tuy nhiên, ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua, mượn cớ “quan tâm”, “phản biện” những kẻ cơ hội chính trị và bọn phản động, thù địch đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân ta. Chúng xuyên tạc rằng: “Chính sách đất đai hiện nay đang vừa là cái bẫy vừa là lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu kiện và tham nhũng nhất…”, “Để mặc sức cho các bộ ngành đem bán”, v.v.
Cần khẳng định rõ: đây là những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ hòng gây ra nhận thức lệch lạc trong xã hội, kích động những người kém hiểu biết, những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị hùa theo chống phá Đảng và Nhà nước, gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước.
Chúng ta đều biết Hiến pháp 2013, tại Điều 53 xác định: đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tại Điều 54 xác định: Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất… Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ. Nhà nước thu hồi đất… vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Việc thu hồi đất được thực hiện công khai, minh bạch, được bồi thường theo quy định của pháp luật. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Tuy nhiên, khi thực thi trong thực tiễn vẫn còn một số hạn chế, bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với sự phát triển của tình hình. Vì vậy, việc Quốc hội khóa XV ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 và được thực thi sẽ khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện nay, đáp ứng kịp thời với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, cụ thể: Một là, mở rộng hạn mức nhận, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất và các quy định về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả. Hai là, quy định cụ thể 32 trường hợp Nhà nước thu hồi đất đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ giám sát. Ba là, bỏ khung giá đất. Bảng giá đất được xây dựng hằng năm, giúp cho bảng giá đất tiệm cận giá đất thị trường. Bốn là, bổ sung quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất. Yêu cầu phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật. Năm là, trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu. Sáu là, quy định thông thoáng việc sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội. Bảy là, cho phép người sử dụng đất lựa chọn trả tiền thuê đất hằng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần. Tám là, Quốc hội cho phép áp dụng ngay một số quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 để tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn, cho phép áp dụng ngay các quy định về định giá đất, tạo điều kiện cho Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị định quy định về giá đất thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024.
Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 được triển khai thực hiện hiệu quả trong thực tiễn sẽ đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của đất nước, kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân Việt Nam cần tích cực nghiên cứu, nắm vững và thực hiện đúng các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024. Đồng thời, nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét