Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Chọn phe - chọn bên, còn Việt Nam luôn chọn cái đúng!

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ngày 12/5/2024

          Lâu nay, hễ có một sự kiện nào liên quan tới quan hệ Việt-Trung là lại có nhiều bình luận suy diễn, đoán non đoán già về tương lai chỗ đứng của Việt Nam trên con tàu hòa bình ở châu Á-Thái bình dương. Nhìn lại chuyến thăm của ông Chủ tịch Quốc hội Việt Nam qua Trung Quốc gần đây, điểm mặt đặt tên cho thấy có mấy “góc sân” mạng xã hội u ám nương náu xứ người rất xăng xái tuyên truyền bốc mùi chính trị, nhắm vào kích động mối quan hệ Việt - Trung, xoáy vào việc ứng xử của Việt Nam trên biển Đông. Trong đó, nổi lên là RFI, VOA, BBC New tiếng Việt, THOIBAO, LSTV…

          Với nhiều tiết mục, dưới các góc độ khác nhau, những trang mạng này vừa đặt ra những vấn đề liên quan tới công tác nhân sự của tứ trụ Việt Nam và cá nhân ông Vương Đình Huệ, lại vừa châm chỉa vào mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ để đối trọng bàn cờ chính trị có tính chiến lược ở châu Á-Thái bình dương. Đáng lưu ý là tiết mục của LSTV (ngày 10/4/2024) với tiêu đề Việt Nam “lỡ tàu” vì thân Tàu, hàm ý là vào lúc mà Mỹ cùng với Nhật và Philipin có cuộc họp tay ba để bàn cách đối phó với Trung Quốc tại biển Đông, thì Việt Nam lại tìm kiếm sự thân cận với Trung Quốc, thành ra bị đứng bên ngoài con tàu chiến lược tại châu Á-Thái bình dương, chơ vơ trên biển Đông.

          Tiết mục mà LSTV đưa lên trang mạng là quyền tự do bình luận của họ trước các sự kiện, vấn đề chính trị thế giới, nhưng có một vài điểm cần phản biện, đó là: Chuyến tàu mà LSTV ám chỉ là thời cơ giúp cho Việt Nam xích lại gần hơn với Mỹ và đồng minh ở châu Á-Thái bình dương. Đây có lẽ là chuyến tàu chọn phe chứ không phải chuyến tàu chọn lẽ phải, chuyến tàu của phương thức đối ngoại mang màu sắc “đi với người này để chống lại người kia”. Như thế đâu có phù hợp với xu thế ngoại giao trên thế giới, bởi xu thế đa phương hóa trong quan hệ quốc tế là không thể đảo ngược. Minh chứng là khối NATO, với hơn 30 thành viên do Mỹ đứng đầu dù là thế lực mạnh (đông về thành viên, giàu về kinh tế, mạnh về quân sự) có tính chất dùng sức mạnh quân sự để thao túng bàn cờ chính trị thế giới, song thực tế cho thấy nó chỉ mang lại sức mạnh và hiệu quả tức thời. Các cuộc chiến ở Cô-sô-vô, ở I-rắc, Ap ga-ni-xtan, Ukraine…đã cho thấy điều đó.

          Còn với Việt Nam, sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất kiên nhẫn tìm kiếm cơ hội 1/1000 cho sự vãn hồi hòa bình giữa Pháp và Việt Nam, nhưng vì chính phủ Pháp sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 vẫn không muốn từ bỏ quyền áp bức thống trị đối với Đông Dương, nên đã bỏ lỡ chuyến tàu hòa bình, theo đuổi cuộc chiến tranh 9 năm, cuối cùng chuốc lấy thất bại tại Điện Biên phủ. Sau 70 năm nếm trải cay đắng thảm bại, các thế hệ con cháu của người cùng thời với tướng Na va đã có dịp nhìn lại cuộc chiến một cách điềm tĩnh, họ đã rút ra được nhiều bài học về tôn trọng quyền tự quyết dân tộc. Còn với nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ, thể hiện rõ lập trường, quan điểm chính trị của chính phủ cách mạng Việt Nam dân chủ cộng hòa là buộc phía Mỹ phải rút quân, không xâm lược và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Nhưng với tư duy nước lớn cầm quyền bá chủ thế giới, giới cầm quyền Mỹ đã phưu lưu tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu nhất trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX, kéo dài 21 năm, cuối cùng đành cam chịu thất bại ê chề. Đến nay sau 51 năm nước Mỹ rút quân về nước, sau 49 năm chế độ ngụy quyền Sài Gòn sống dựa vào sự hà hơi tiếp sức của Mỹ bị sụp đổ, những người còn sót lại hoặc còn có những mối quan hệ với ông cha họ từng trải qua cuộc chiến tranh Việt Nam, đã rất thiện tâm có những việc làm hữu ích mang tính nhân văn, góp sửa sai lịch sử của người đi trước.

          Tuy nhiên, điều mà người ta những tưởng giữa Pháp với Việt Nam, giữa Mỹ với Việt Nam vẫn luôn luôn tồn tại một hố sâu hận thù dân tộc; thì thực tế lại hoàn toàn mang tính rất cởi mở trong quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước từng là cựu thù.

          Điển hình là vào ngày 12/ 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam, nâng cấp quan hệ lên tầm cao đối tác chiến lược, toàn diện, sau đó chính ông Biden đã có lời phát biểu trước diễn đàn Liên hợp quốc nói lên cảm xúc lịch sử về tấm gương mẫu mực thể hiện điều có thể đối với việc tưởng chừng không bao giờ có thể-sự vượt qua hận thù để cùng dựng xây tương lai tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam. Cuối năm 2023, Việt Nam lại có cuộc tiếp đón ông Tập Cận Bình, đưa quan hệ Việt – Trung lên tầm cao mới, mà không gây tổn hại tới quan hệ với Mỹ hay bất kỳ nước nào khác. Năm 2023, được đánh giá là năm thành công lớn của đối ngoại Việt Nam, mở ra triển vọng hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với phần còn lại trên thế giới. Năm 2024, có thông tin là ông Putin cũng sẽ qua thăm Việt Nam lần nữa, nếu điều đó thành hiện thực thì Việt Nam sẽ tiếp tục tự chủ nâng tầm quan hệ với các siêu cường thế giới; đó cũng là một gương sáng mà Việt Nam nêu cao cho thế giới về phương châm “chọn lẽ phải, không chọn phe”.

          Vấn đề biển Đông luôn phức tạp và không thể giải quyết dựa vào sự liên kết nhóm này với nhóm kia, mà phải dựa vào tinh thần cốt lõi của luật pháp quốc tế (UNCLOT 1982 và Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông do các nước ASEAN xây dựng đang trên đà hoàn thiện). Một nước Mỹ, một nước Nhật, một nước Philippin, một nước Trung Quốc dù có thế và lực như thế nào thì cũng không thể đơn phương tự quyết các tranh chấp trên biển Đông. Đối với những hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông nếu như vi phạm công ước quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam thì nhất quyết Việt Nam lên tiếng phản đối.

          Việt Nam có mối quan hệ tốt với Mỹ, với Nhật, với Philippin nhưng không nhất thiết phải cầu lụy các nước này phải cho Việt Nam được tham gia họp bàn tìm cách đối phó với Trung Quốc trên biển Đông, vì như thế vô hình dung là đứng về phía “lợi ích nhóm” để bỏ qua lợi ích song phương bình đẳng với Trung Quốc, với Mỹ, với Nhật, với Philippin. Trong trường hợp này, Việt Nam sẽ bị kẹt trong các luồng gió xoáy giữa các bên, càng thêm gieo neo trong thế trận cuộc cờ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, chưa kể là tiềm ẩn nguy cơ mất tính trung lập trong lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình trên biển Đông.

          Chuyến tàu mà LSTV nói không phải là chuyến tàu hòa bình mà chắc chắn đó là chuyến tàu “buôn gió dữ” giữa biển Đông, chỉ có dữ chứ làm gì có lành. Thôi thì Việt Nam vẫn cứ nên kiên định đường hướng ngoại giao cây tre, giữ vững gốc tự chủ, có tự chủ ắt sẽ có hòa bình. Việt Nam không nên buôn chính trị mà chỉ nên tham gia có hội có phường tìm kiếm lẽ phải, theo đuổi những giá trị phổ quát mà nhân loại đều mong muốn: độc lập, hòa bình, bình đẳng, tự do, hạnh phúc, văn minh./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét