Thời gian gần đây lợi dụng tình hình có sự biến động trong lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, trang facebook – Việt Tân viết: “Các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam đang bất ổn chính trị đâu có sai”. Theo tác giả bài viết, việc nhận định, đánh giá về tình hình chính trị của Việt Nam hay bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào trên thế giới là quyền của mọi tổ chức, cá nhân. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận tại Việt Nam đó là, mặc dù thời gian gần đây có sự thay đổi ở lãnh đạo cấp cao nhưng tình hình chính trị vẫn luôn ổn định, kinh tế phát triển, mọi hoạt động của người dân được diễn ra bình thường.
Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng việc giữ vững ổn định chính trị, và quyết tâm chính trị trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; khi công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành mạnh mẽ và sâu rộng, trở thành một nếp nghĩ, một văn hoá trong toàn dân; mọi sai phạm đều được xử lý, những ý kiến dư luận bức xúc đều được Đảng quan tâm xem xét; từ trong Đảng đến Nhân dân đều cho việc xử lý một số lãnh đạo cao cấp sai phạm là chuyện bình thường, đó là thể hiện ý Đảng lòng dân, không phải do đấu đá hạ bệ nhau, không phải do phe phái vùng miền tiêu diệt nhau. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã từng bày tỏ ấn tượng trước nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta và người đứng đầu Đảng – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của ngài trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”.
Nhìn lại lịch sử dân tộc cho thấy, trước những khó khăn, chính nhờ có sự đồng thuận của nhân dân “triệu người như một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã làm nên những kỳ tích có ý nghĩa thời đại. Truyền thống dân tộc, lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng là sức mạnh vô địch để dân tộc Việt Nam tiến lên phía trước. Điều này càng được khẳng định thông qua đánh giá về tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, trong khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, Khu vực châu Á chứng kiến sự sụt giảm vốn FDI trong 2023 lên tới 12% so với năm 2022 (trong đó FDI vào các quốc gia lớn như Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và khu vực ASEAN giảm 16%). Tuy nhiên, Việt Nam lại là một ngoại lệ với mức tăng 32% với tổng vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD trong đó trên 3.100 dự án FDI mới. Dự báo của các tổ chức quốc tế như Bloomberg, Fitch Rating, Standard & Chartered đều đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 từ 6-6,7%, tương đồng với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra từ 6-6,5%. Vậy yếu tố nào để kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn mà cả thế giới đang tìm mọi biện pháp khắc phục? Đó là kết quả của quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế, điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Nhưng nền tảng vững chắc nhất để Chính phủ thực hiện tốt việc đổi mới cơ cấu kinh tế, điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ… đó chính là sự ổn định chính trị. Đây là đánh giá của nhiều tổ chức chính trị, kinh tế có uy tín trên thế giới khi nghiên cứu về Việt Nam. Nhận định về việc này, Sputnik dẫn ý kiến của GS-TSKH Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học tổng hợp Quốc gia Saint-Petersburg “Đối với việc từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, điều này là bằng chứng về sự lành mạnh và nội lực của chế độ, Đảng và đất nước”.
Ổn định chính trị là nền tảng để phát triển đất nước, chính là điều mà mỗi người trong chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ để có hành động đúng đắn, sáng suốt. Sự ổn định chính trị chỉ được xây dựng vững chắc trên nền tảng lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao đã từng đánh giá cao sự ổn định chính trị và ổn định về kinh tế vĩ mô ở Việt Nam; Ông cho rằng đó là điều kiện, là cơ sở vững chắc để Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tăng trưởng đồng đều. Cũng đề cập đến vai trò, vị trí của sự ổn định chính trị đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Tiến sĩ kinh tế người Pháp Philippe Delalande khẳng định: Sự ổn định chính trị là một trong những yếu tố không thể thiếu, góp phần giúp Việt Nam có thể kiên trì chính sách phát triển kinh tế; nền chính trị ổn định tạo cho Việt Nam có được một nền hòa bình và thịnh vượng. Nếu nhìn sang một số quốc gia trong khu vực, dễ thấy rằng, trừ Xin-ga-po, thì từ năm 1990 trở lại đây, hầu hết các nước trong khu vực đều trải qua các cuộc đảo chính hay khủng hoảng chính trị. Trong khi đó, nền chính trị của Việt Nam luôn ổn định, đây là một đảm bảo cho sự gắn kết để thực hiện chính sách kinh tế nhất quán. Tiến sĩ Philippe Delalande cho rằng: Thành công của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam cũng là dựa trên sự ổn định chính trị.
Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh địa chính trị thế giới có những biến động sâu sắc, mau lẹ, với nhiều yếu tố khó lường như hiện nay, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời dựa trên thế và lực của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, xuất phát từ nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn chiến lược hiện nay và các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2025, năm 2030 và năm 2045; để thích ứng với tình hình mới, Việt Nam luôn phát huy tối đa nội lực và tranh thủ ngoại lực, đảm bảo mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia – dân tộc và lợi ích quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc diễn ra ngày càng quyết liệt, các quốc gia vừa và nhỏ đều nhận thấy lợi ích quốc gia – dân tộc chỉ có thể được bảo đảm khi lợi ích chung của cộng đồng quốc tế được bảo đảm dựa trên luật lệ quốc tế; vì vậy ổn định chính trị ở Việt Nam là tất yếu khách quan, là nền tảng để phát triển đất nước và là “phương thuốc” hữu hiệu tiêu diệt tận gốc những “vi-rút” xấu độc mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị gieo rắc kiểu như nhận định sai trái của Việt Tân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét