Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”


Tâm Bình

Gần đây, trên các tờ báo, các trang mạng xã hội, có nhiều báo, bài viết với nhiều thông tin và bình luận trái ngược nhau, liên quan đến trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Đáng chú ý, trên một số trang mạng nước ngoài có nhiều bài báo bình luận với ý đồ xấu, cố tình bôi nhọ, xuyên tạc về chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Mặc dù chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình cùng Phu nhân tới Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12/2023 đã thành công tốt đẹp, với các hoạt động phong phú, mang nhiều ý nghĩa, diễn ra sôi động và dày đặc…; tuy nhiên, vin cớ một số hoạt động diễn ra trong chuyến thăm, các phần tử có tư tưởng chống đối, thù địch và phản động, đã cố tình soi xét, “bới lông, tìm vết”, nhằm “bắt lỗi” những sơ xuất hoặc sai sót (nếu có) trong các hoạt động của chuyến thăm. Từ hoạt động ngoại giao “tiệc trà” diễn ra trong khung cảnh, bố cục trang trí hai cây tre chung một gốc, uốn lượn cân bằng, đối xứng hai bên, họ xuyên tạc đủ điều, thậm chí suy diễn theo lối phi lô gic, quy chụp vô căn cứ về chủ trương, đường lối và hình tượng của trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”.




Trên các nền tảng trang mạng xã hội, nhất là ở ngoài nước, như Thoibao.de, BBC News Tiếng Việt, VOA… đã lớn tiếng, vu cáo, xuyên tạc xiên xẹo về trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Thoibao.de trích dẫn từ BBC News Tiếng Việt, rằng “Từ Hoa Kỳ, Giáo sư Alexander L.Vuving cho rằng: Trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trở nên ghê gớm, thì cây tre không phải là giải pháp hữu hiệu. Gió to, gió lớn thế này thì tre sẽ bật gốc. Nói một cách hình tượng là cây tre Việt Nam hoàn toàn có thể bị con gấu Trúc của Trung Quốc gặm nhấm dần dần. Bởi vì, chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam chỉ có thể phát huy sức mạnh trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Chúng ta đang bước vào thời kỳ mới hậu hậu chiến tranh lạnh, mà tạm gọi là tranh chấp Đông Tây mới, với Mỹ và phương Tây ở một bên, và Nga, Trung Quốc ở bên kia” (?!).

Hoặc chúng cố tình bác bỏ sự thật, xuyên tạc bản chất mối quan hệ song phương “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam với một số nước như Trung Quốc, Mỹ, Nhật… , rằng “Trong khi Việt Nam ra sức cân bằng mối quan hệ với các cường quốc, thì đã bị Trung Quốc chớp thời cơ. Lý do khiến Việt Nam quyết định chấp nhận bài thuốc Bắc này, do Việt Nam muốn cân bằng trong đường lối đối ngoại với các nước lớn, sau khi họ nâng cấp hai bậc quan hệ với Mỹ, với Nhật, đã ngả sang phía Mỹ, Nhật rồi, thì nên ngả ra một tý cho Trung Quốc cân bằng. Do đó Trung Quốc đã chớp được thời cơ này và ép Việt Nam nâng cấp quan hệ từ “Đối tác chiến lược toàn diện” lên “Cộng đồng chia sẻ tương lai” chung vận mệnh này. Nhượng bộ nằm ở chỗ Việt Nam không được gì ở cộng đồng này, cái lợi thì rất nhỏ, mà rủi ro thì rất lớn…” (?!). Và “rõ ràng Bắc Kinh đã không hài lòng trước việc Việt Nam có những bước nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ, Nhật và Úc…”(?!).

Như chúng ta đã biết, cây tre có ở nhiều nơi trên thế giới, hình tượng cây tre cũng xuất hiện trong văn hóa của nhiều quốc gia khác. Có điều, mỗi quốc gia, dân tộc đều có bản sắc, bản chất riêng, gắn bó với cây tre. Cây tre ở Việt Nam, chịu nắng, uống sương của đất trời Việt Nam, do đó, tre mang trong mình cốt cách, khí chất riêng của người Việt Nam. Trong lịch sử, văn hóa Việt Nam, hoa sen và cây tre là hai hình tượng đặc trưng. Nếu hoa sen là sự kết tinh giá trị nhân văn của dân tộc, thì cây tre là biểu trưng của bản lĩnh quật cường, ý chí bất khuất của con người Việt Nam. Từ xa xưa, những ý niệm về quốc gia – dân tộc của Việt Nam được hình thành từ sự cố kết cộng đồng trải qua hàng nghìn năm trường kỳ phòng, chống thiên tai và địch họa. Cây tre Việt tạo nên những lũy, thành, giúp cha ông ta bảo vệ làng quê trước thiên tai, địch họa, thoát khỏi ách ngoại xâm. Hình tượng Thánh Gióng cùng cây tre hóa thân thành một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” sống mãi trong tâm thức người dân Việt Nam. Cây tre đã trở thành vũ khí đánh giặc, là biểu tượng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần quật cường đồng sức, đồng lòng cứu nước. “Sức mạnh cứng” có thể có hạn, nhưng “sức mạnh mềm”, sức dân là vô tận.

Mặc dù bản chất, ý nghĩa sâu xa của hình tượng, trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam hầu như ai cũng biết, nhưng BBC News Tiếng Việt, cũng như Thoibao.de… vẫn cố tình suy diễn, xuyên tạc rằng “hòa bình ngày nay mong manh, luôn có thể bùng phát thành xung đột, như ở Trung Đông và Đông Âu hiện nay… Trong bối cảnh đó, nền “Ngoại giao cây tre” bị hiểu thiên về ứng phó bị động, thay vì hành động có tính chất chủ động, nhất là thể hiện vai trò lãnh đạo trong các thể chế khu vực”(?!). VOA lại bình luận, suy diễn với giọng lưỡi uốn éo, dạng tung hỏa mù, cố tình che đậy bản chất thực, rằng “Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khung cảnh cây trúc uốn éo, gây nhiều tranh cãi… “không hiểu” Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đưa ra thông điệp gì từ những cây tre “cong queo”, “ngoằn ngoèo”, “dị dạng”, “lươn lẹo” như vậy(?!). Trong khi, quan niệm lâu nay trong dân gian Việt Nam là những cây thuộc họ tre, trúc, tượng trưng cho người quân tử ngay thẳng(?!). VOA lý giải, điều hiển nhiên mà Việt Nam ai cũng biết “tre đằng ngà và tầm vông thường được nhắc đến trong sách vở Việt Nam, như là những loại vũ khí hay ý chí chống giặc ngoại xâm trong quá khứ”. Mặc dù chúng cố ý bình luận theo kiểu “hỏi xiên, đáp xẹo” như vậy, nhưng VOA cũng phải thừa nhận rằng, “có rất nhiều người và các trang mạng ủng hộ chính quyền Việt Nam” và lập luận “cây tre tại tiệc trà của hai ông Trọng – Tập, chung một gốc và uốn lượn sang hai bên ngụ ý rằng, hai quốc gia tương đồng về gốc rễ, văn hóa và hiện tại là hai nước độc lập, cân bằng!”.

Với những bình luận, hoặc nhận xét như trên, có thể họ chỉ thấy ảnh, mà không hề động não, hoặc đã biết, nhưng lại cố tình phủ nhận bản chất và ý nghĩa đích thực của hình tượng cây tre và bản sắc ngoại giao Việt Nam! Xin nhắc lại về trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Về bản sắc ngoại giao: Vững ở gốc là truyền thống tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia – dân tộc, là tinh thần đoàn kết, nhân ái, thủy chung. Chắc ở thân là bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách và khó khăn, trước vất vả và gian lao. Uyển chuyển ở cành là sự mềm mại, khôn khéo, sáng tạo. Về đường lối, chiến lược và chính sách ngoại giao: Vững ở gốc là đường lối đối ngoại độc lập – tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế trong thời kỳ đổi mới. Về phong cách ngoại giao: Vững ở gốc là bản lĩnh can trường, lập trường chính trị và văn hóa, cốt cách dân tộc thấm đượm trong mỗi người làm đối ngoại. Chắc ở thân là kiến thức sâu rộng, tư duy nhạy bén, phương pháp ngoại giao khoa học. Uyển chuyển ở cành là kỹ năng đối ngoại đa văn hóa, nghệ thuật “kiến tạo tương đồng và hóa giải tương khắc”, để từ đó hài hòa được lợi ích riêng của Việt Nam với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình và phát triển của nhân loại. Cội nguồn sâu xa của bản sắc ngoại giao Việt Nam xuất phát từ những triết lý và truyền thống ngoại giao của cha ông ta. Đó là tinh thần độc lập, tự cường, hòa mục bên trong, hòa hiếu bên ngoài. Đó là kiên quyết, kiên trì, biết thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng. Đó là nghệ thuật dùng ngòi bút thay giáp binh, lấy lẽ phải, chính nghĩa để thuyết phục lòng người. Nền tảng cốt lõi của bản sắc ngoại giao Việt Nam hiện đại là tư tưởng, phương pháp, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Bản sắc đó được nâng lên tầm cao mới bởi tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, với những bài học “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “ngũ tri”, biết nhu, biết cương, giúp bạn là tự giúp mình, vì hòa bình, hợp tác và sự tiến bộ của nhân loại. Đặc trưng quan trọng của bản sắc ngoại giao Việt Nam là không ngừng kế thừa và phát triển, sàng lọc qua thực tiễn và chắt lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại. Từ những hình ảnh dung dị, quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, hình tượng cây tre đã gắn với bản sắc ngoại giao Việt Nam một cách nhuần nhị, thấm đượm triết lý dựng nước và giữ nước, đối nhân xử thế và quan hệ bang giao của dân tộc. Tre Việt Nam cứng cỏi mà linh hoạt. Do đó, thể hiện đặc điểm đáng quý của truyền thống ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là thủy chung, chính nghĩa, “kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược”. Nguyên tắc là độc lập, tự chủ, là lợi ích quốc gia – dân tộc. Sách lược là những biện pháp khéo léo, linh hoạt nhằm giữ vững nguyên tắc đó. Vì cội gốc và mục đích vững chắc đó nên ngoại giao Việt Nam luôn vững vàng, thích ứng trước những khắc nghiệt và chuyển biến của thời cuộc. Tre Việt Nam phát triển tốt ở cả những nơi đất cằn, không kén chọn. Tre phục vụ đất nước, phục vụ người dân. Cả đời tre cống hiến cho cuộc sống của người dân Việt Nam: là thức ăn, là nguyên liệu tạo nên công cụ lao động, để làm nhà, làm rào chắn, làm vũ khí… Tre tiên phong giữ đất, giữ làng, góp phần giữ gìn cuộc sống yên bình và no ấm, trở thành một thành lũy kiên cố tự nhiên ngoài cùng bao bọc cộng đồng cư dân. Tre Việt Nam không đứng một mình, mà sống quần thể, thành khóm, thành bụi, nhờ đó mà vững vàng và làm nên thành lũy. Ngoại giao Việt Nam cũng không làm một mình, mà luôn đồng lòng sát cánh cùng các lực lượng khác, từ đó phát huy vai trò chủ chốt trong tổng thể chung của mặt trận đối ngoại. Tre già, măng mọc – đó là lẽ tự nhiên, là bản chất, quy luật truyền thống. Ngoại giao luôn cầu thị, tự hoàn thiện mình, cũng là tự tu thân, để phấn đấu và phấn đấu hơn nữa trở thành đội ngũ “vừa hồng, vừa chuyên”, hết lòng, hết sức vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân; “biết gắn bó và san sẻ”, “phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở; làm nên đất nước muôn đời”.

Ngoại giao là sự giao thoa của chính trị – an ninh, kinh tế – xã hội và văn hóa, là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, lịch sử và tương lai, đất nước với thế giới. Hình tượng, cốt cách ấy của cây tre rất gần gũi với nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là nền ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế, kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, thủy chung, chính nghĩa, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại. Thời gian qua, thế giới trải qua những biến động lớn, rất phức tạp, Việt Nam đã xử lý đúng đắn các vấn đề đối ngoại, quan hệ với các đối tác trên cơ sở kiên định độc lập, tự chủ, hòa hiếu, đồng thời linh hoạt trong sách lược, ứng xử. Chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay. Cho dù các thế lực thù địch, phản động ra sức công kích, xuyên tạc, phá hoại chủ trương, đường lối và chính đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam thì biểu tượng trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” không ngừng củng cố và phát triển mạnh mẽ, thể hiện gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét