Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

Nguyễn Đình Cống lý giải nguyên nhân tham nhũng - Một thủ đoạn mới cần cảnh giác

 Ngày 04/12/2023, Nguyễn Đình Cống có bài: “Tại sao Đảng che giấu nguyên nhân cơ bản của tham nhũng”, đăng trên trang Bauxite Việt Nam. Xoay quanh việc lý giải về nguyên nhân cơ bản của tham nhũng và trả lời câu hỏi: Tại sao Đảng che giấu nguyên nhân cơ bản của tham nhũng ? 

Nguyễn Đình Cống đã ngang nhiên công khai đưa ra những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phản động, chống đối Đảng, Nhà nước, cố tình xuyên tạc sự thật, phủ nhận kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nguyễn Đình Cống không đồng ý với một số người đưa ra kết luận rằng “Nguyên nhân cơ bản của nạn tham nhũng là sự tự diễn biến, tự chuyển hóa làm suy thoái tư tưởng chính trị dẫn đến thoái hóa đạo đức, lối sống của một số cán bộ các cấp các ngành”. Phân tích kết luận trên, với nhận thức lệch lạc và giọng điệu của một kẻ “trở cờ” có học, Ông cho rằng “ từ tự diễn biến về tư tưởng chính trị sẽ chuyển thành thoái hóa đạo đức là một sự vu cáo. Đại diện cho những người tự diễn biến như Trần Độ, Đặng Kim Giang, Nguyễn Trọng Vĩnh, Trần Xuân Bách, Chu Hảo, Hà Sĩ Phu, Nguyên Ngọc, … đã bị Đảng lên án hoặc trừng phạt. Họ là người có đạo đức trong sáng, là những người yêu nước chân chính. Trộn tên của họ cùng với tên những ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên BCH Trung ương mà tham nhũng, đòi hối lộ là một thủ đoạn, là ngụy biện kiểu “vàng thau lẫn lộn”, nếu không phải đê hèn thì cũng chứng tỏ có trí tuệ quá thấp kém”. Từ phân tích như vậy, Nguyễn Đình Cống cho rằng “phải bỏ “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị ra khỏi định nghĩa và chỉ giữ lại: Nguyên nhân của nạn tham nhũng là sự thoái hóa đạo đức, lối sống của một số cán bộ các cấp các ngành”. Nguyễn Đình Cống còn đưa ra quan điểm sai trái, ngụy biện: “Suy thoái về tư tưởng chính trị chỉ là sự nhận thức lại về Chủ nghĩa Mác – Lênin (CNML) và lý tưởng cộng sản (LTCS) của một số người. Thực tế chứng tỏ rằng, sự nhận thức lại bất kỳ việc gì, thường là đúng”. Và coi việc Đảng chống suy thoái về tư tưởng chính trị là “Đảng đang ra sức chống người có nhận thức lại, kết tội họ “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Việc đó là trái lẽ tự nhiên”. Hơn nữa, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng còn xem “chống suy thoái về tư tưởng chính trị” là trọng tâm vì Đảng cho rằng đó là tiêu cực lớn nhất và rất lo sợ điều này”.

Theo Nguyễn Đình Cống thì nguyên nhân cơ bản của tham nhũng là “lòng tham và thể chế chính trị. Lòng tham của con  người chỉ mới là một phần của nguyên nhân cơ bản tạo ra tham nhũng, tạm xem nó là nhân. Nó còn cần kết hợp với duyên là thể chế độc tài, không minh bạch. Bản chất độc tài chưa đủ để tạo ra tham nhũng mà phải là độc tài của những người kém trí tuệ và tham lam”. Điều này chỉ đúng một phần, còn thể chế chính trị là nguyên nhân của tham nhũng thì hoàn toàn không đúng. Đã có rất nhiều ý kiến về vấn đề này. Từ lịch sử xã hội loài người, thế giới đã có nhận thức chung: Tham nhũng là con đẻ của quyền lực, ở đâu có quyền lực thì ở đó tất yếu tiềm ẩn và sẽ có tham nhũng. Tham nhũng là tệ nạn tồn tại ở mọi quốc gia và nó có trong mọi thời đại từ cổ chí kim, ở mọi chế độ xã hội. Dù là chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì nạn tham nhũng vẫn thường xảy ra. Các nước phát triển có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh, có trình độ quản lý kinh tế, xã hội cao (các nước Bắc Âu) thì tham nhũng ít; các nước nghèo, chậm phát triển, đang phát triển thì tham nhũng nhiều, nhiều nước tham nhũng nghiêm trọng. Còn ở Việt Nam nguồn gốc, nguyên nhân nảy sinh tham nhũng thì có nhiều, nhưng có thể kể ra các nguyên nhân: Việt Nam thuộc nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp; hệ thống pháp luật, cơ chế, quy chế, chế độ trên một số lĩnh vực chưa đủ, còn sơ hở, bất cập dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn yếu; sự kiểm tra, kiểm soát, điều tra chưa duy trì thường xuyên; hiệu quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và của quần chúng nhân dân còn hạn chế; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực hiệu quả chưa cao… Nhưng nguyên nhân chính, nguyên nhân trực tiếp là do một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Nguyễn Đình Cống công khai gọi thể chế chính trị ở Việt Nam là độc tài. Và ông định nghĩa “Độc tài ở Việt Nam hiện nay là chuyên chính vô sản, một thể chế độc tài toàn trị của đảng cộng sản, chưa từng có trong lịch sử trước khi có Liên Xô, là độc tài của những người vừa kém trí tuệ, vừa tham lam, bắt toàn dân phải phục tùng. Nó được dựng lên từ cách mạng và chiến tranh do Đảng lãnh đạo, được duy trì và củng cố bằng một số thủ đoạn”. Sau khi phân tích, dẫn luận vòng vo (có vẻ logic), Nguyễn Đình Cống kết luận “Nguyên nhân cơ bản của mọi tai họa mà nhân dân Việt Nam phải chịu hiện nay (trong đó có nạn tham nhũng) là sự kết hợp và cộng hưởng, một bên là những yếu kém của truyền thống dân tộc, một bên là chất độc hại trong chủ nghĩa Mác – Lê”. Cuối cùng cũng dẫn đến cái điều ông muốn là chê bai, thóa mạ truyền thống dân tộc và quay về cái đích của ông là phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, và kêu gọi “Đảng phải trừ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin”. Cái đích này không phải chỉ Nguyễn Đình Cống nhắm tới mà là cái đích chung của bọn phản động, thù địch, bọn cơ hội, “trở cờ” nhắm tới từ lâu và thực hiện bằng nhiều âm mưu thâm độc, thủ đoạn lừa bịp, gian trá. Và không phải bây giờ Nguyễn Đình Cống mới công khai tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, mới thể hiện thái độ chống đối chế độ, kêu gọi đa đảng mà ít nhất là kể từ khi ông tuyên bố bỏ Đảng (02/2016). Trả lời BBC Tiếng Việt về quyết định của mình, ông đã nói: “Tôi có nêu chủ nghĩa Marx – Lênin là không thích hợp nữa nên bỏ đi, chứ đừng có kiên trì Marx – Lênin, bỏ cái đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà phải xây dựng một thể chế dân chủ, tam quyền phân lập, bỏ cái việc toàn trị của Đảng, bỏ quốc hữu hóa ruộng đấtNghĩa là phải thay đổi thể chế chính trị, chứ không phải để nguyên thế này”. Trong bài: “Xin trao đổi với ông Âu Dương Thệ, đăng trên Tiếng Dân, Nguyễn Đình Cống còn tuyên bố trắng trợn: “Chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể bị đánh đổ chứ không thể cải tạo. Đây là một quy luật xã hội”. Ông còn viết: “Tôi đồng ý với Nguyên Ngọc rằng Đảng Cộng sản cơ bản là phản nước hại dân” …Nguyễn Đình Cống còn ngạo mạn tự coi mình là giáo sư, tiến sĩ tài năng và trong sạch còn lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, những người “dựng lên chế độ độc tài từ cách mạng và chiến tranh là những người vừa kém trí tuệ, vừa tham lam”. Thâm độc và cực kỳ phản động của Nguyễn Đình Cống còn thể hiện ở bình luận: “Sự kết hợp hoặc cộng hưởng một bên là những yếu kém của truyền thống dân tộc, một bên là chất độc hại trong chủ nghĩa Mác – Lê là tự nhiên, tự động, không có ai vạch kế hoạch và lãnh đạo, nó diễn ra theo kiểu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.

Toàn bộ bài viết của Nguyễn Đình Cống sặc mùi chống đối Đảng, chế độ. Thủ đoạn của Nguyễn Đình Cống là phủ nhận từng phần, từng vấn đề để đi đến phủ nhận thành quả cách mạng, truyền thống dân tộc, thành tựu của đất nước; phủ nhận chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cuối cùng là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, không thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội và kêu gọi xóa bỏ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là thủ đoạn thâm độc, hèn hạ mà Nguyễn Đình Cống và các thế lực thù địch sử dụng lâu nay.

Nguyễn Đình Cống là một trong những kỹ sư đầu tiên ở Việt Nam có trình độ về khoa học vật liệu xây dựng bê tông cốt thép, từng được đào tạo ở Liên Xô và làm chuyên gia giáo dục ở Algeria. Ông đã có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực xây dựng. Trước khi nghỉ hưu ông là Chủ nhiệm khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, được phong Nhà giáo nhân dân, luôn được các thế hệ sinh viên kính trọng, ngưỡng mộ. Hình ảnh của một đảng viên, một nhà khoa học, một Giáo sư đáng kính Nguyễn Đình Cống trước đây đã nhạt mờ. Nay là hình ảnh của một Nguyễn Đình Cống bất mãn chính trị, hận Đảng, hận chế độ, một kẻ vong ân, bội nghĩa; từ một kẻ tiếp tay cho các thế lực thù địch chống Đảng, Nhà nước, chống chế độ xã hội chủ nghĩa đã chuyển hóa thành một kẻ phản động, công khai chủ trương lật đổ chế độ, đòi xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Đình Cống cuối đời đã trượt dài vào hố sâu tội lỗi mà chẳng thể chui lên.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét