Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Quyền của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam được bảo đảm

 


Lợi dụng những khó khăn khách quan của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, như người DTTS chủ yếu sinh sống tại các khu vực có điều kiện tự nhiên và địa hình phức tạp, thiếu các kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội (KTXH) thiết yếu, kinh tế chậm phát triển, phần lớn hoạt động sản xuất mang nặng tính tự cung tự cấp, nên đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn.

Cùng với đó là một số phong tục, tập quán lạc hậu đang tồn tại đã cản trở các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật người DTTS trong việc chủ động bảo vệ các quyền của chính mình. Bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình vẫn tồn tại, nhất là ở những nơi trình độ dân trí còn thấp, không chỉ ảnh hưởng đến từng người dân trong việc thụ hưởng các quyền mà còn là thách thức đối với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và triển khai các chính sách nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, v.v.

Việt Nam lại là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, nên còn nhiều khó khăn về nguồn lực trong việc bảo đảm quyền của đồng bào DTTS, như thiếu hụt các nguồn lực dành cho việc triển khai các chính sách hỗ trợ và bảo đảm quyền của người DTTS, nhất là về bảo đảm nhu cầu lương thực, mặc và chỗ ở an toàn cho người DTTS ở các khu vực có môi trường tự nhiên không thuận lợi, v.v.

Điều đó làm cho giữa đồng bào miền núi và đồng bào miền xuôi còn có sự chênh lệch về sự phát triển, những người có thâm thù với chế độ ta lợi dụng thực trạng trên cho rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam kỳ thị đồng bào DTTS. Đồng bào DTTS không được đối xử bình đẳng với người Kinh. Đó là cái nhìn sai lệch, không khách quan.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó có 53 DTTS, với hơn 14 triệu người (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước. Các DTTS có số dân không đồng đều, có nhóm trên một triệu người như Tày, Thái, Mường, Khmer; có nhóm có dưới một nghìn người như: Si La, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm. Địa bàn cư trú của các DTTS phân bố trên ¾ diện tích cả nước tại 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã[1], chủ yếu ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải Miền Trung.

Với một nước đa dân tộc, Việt Nam luôn khẳng định các DTTS là bộ phận không thể tách rời quốc gia – dân tộc và luôn coi trọng việc bảo đảm quyền chính trị, kinh tế, văn hóa. Đồng thời bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” (Điều 5),  “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”(Điều 42).

Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh chính sách đại đoàn kết dân tộc (Điều 9), chính sách ưu tiên phát triển giáo dục cho đồng bào DTTS (Điều 61). Các hành vi kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo… bị nghiêm cấm và bị trừng trị theo quy định của pháp luật.

Cùng với Hiến pháp, việc lập đề nghị, soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách phát triển KTXH đều phải tham khảo ý kiến của đối tượng bị tác động. Đối với chính sách pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều đồng bào DTTS cư trú đều phải lấy ý kiến trực tiếp của họ hoặc thông qua ý kiến của tổ chức chính quyền địa phương.

Việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự cho tất cả các dân tộc chính là biểu hiện việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam. Phù hợp với Hiến pháp năm 2013 (các điều 16, 25, 28, 29, 31, 32, 34, 35, 41, 42), quyền bình đẳng đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 3 và 16); Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (Điều 3); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 9); Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Điều 8), Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Điều 17), v.v.

Chính sách theo dân tộc và nhóm dân tộc nhằm giải quyết những khó khăn về KTXH của các DTTS, nhất là nhóm DTTS rất ít người, như Đề án “Phát triển KTXH vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTS miền núi giai đoạn 2017-2020; Đề án hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025. Các chính sách này đã góp phần quan trọng giúp đồng bào tiếp cận, thụ hưởng tốt hơn các dịch vụ công (y tế, giáo dục, nước sạch vệ sinh môi trường, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa từng dân tộc).

Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH19, ngày 18/11/2019, phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng DTTS miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là quyết định quan trọng để định hướng phát triển vùng DTTS trong thời gian tới một cách toàn diện và hiệu quả nhằm nâng cao vị thế và đảm bảo quyền phát triển cho đồng bào DTTS.

Với những nỗ lực của mình, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc tạo được sự đại đoàn kết giữa các dân tộc. Thành tựu đó cũng đã bác bỏ luận điệu sai trái của những người thiếu thiện chí nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta./.

 Phù Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét