Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

Đối ngoại vì hòa bình, “cái tình” và “cái lý”



1. Hóa giải những mâu thuẫn, bất đồng, quy tụ nhân tâm, kết hợp chặt chẽ các yếu tố thời đại với các nhân tố dân tộc, lý và tình, sống có trước có sau, nhân nghĩa vẹn toàn; tạo nên sức mạnh nội thân vô địch, nhờ đó mà góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy, là một trong những thành công đặc sắc nhất, độc đáo nhất của tư duy lý luận về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; là kết quả của tư duy mới về ngoại giao cây tre Việt Nam. Nó không tự nhiên đến, chẳng tự nhiên đi; không phải mong muốn là có ngay được mà phải trải qua quá trình kiến tạo, kết tinh, hội tụ, cô đọng lại những giá trị tinh túy nhất từ kinh nghiệm hàng nghìn năm đánh giặc giữ nước của dân tộc ta; được hun đúc, trao truyền cho thế hệ con cháu ngày nay. Cho nên, nó sống động, sâu sắc, đã, đang bện chặt, quấn quýt vào nhau, phát huy tốt tác dụng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Không phải ngẫu nhiên Đảng, Nhà nước ta có được tư duy mới về đối ngoại, về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy. Nó được chắt lọc từ chính thực tiễn hơn 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; sự trả giá của những thăng trầm lịch sử; là kết quả của quá trình vận động, phát triển chín muồi của các yếu tố khách quan – nhân tố chủ quan, của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, của sự nhìn nhận ra đúng bản chất và mưu đồ thôn tính, chống phá, cướp đi thành quả cách mạng mà Nhân dân ta bằng máu xương xây đắp nên.

Nó đã và đang hối thúc, đòi hỏi Đảng ta phải làm những gì, làm như thế nào để đất nước bình an, không có xung đột, không phải đổ máu, hy sinh; nhân dân có môi trường hòa bình, ổn định để an tâm sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội. Bây giờ và sau này đều phải làm như vậy, bằng mọi cách phải giữ được thành quả cách mạng; giữ vững giá trị của công cuộc đổi mới; tuyệt đối phải chủ động ngăn ngừa âm mưu, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để xảy ra bất đồng, mâu thuẫn, xung đột, chiến tranh. Vì vậy, sự ra đời của đường lối ngoại giao cây tre Việt Nam gắn liền với mạch nguồn, sức sống, sự đòi hỏi bức thiết của công cuộc đổi mới đất nước, sự cần thiết phải bảo vệ trong dựng xây; được thể hiện sinh động qua thực tiễn kiến tạo và phát triển đối ngoại vì hòa bình với những dấu ấn nổi bật.

Qua thực tiễn 10 năm đầu của công cuộc đổi mới 1986 – 1995, chúng ta đã phải đối mặt với sự chống phá quyết liệt của thù trong, giặc ngoài, nhất là bọn FULRO, với những thành bại trong thực hiện chính sách đối ngoại, Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc về an dân, phòng thủ; từng bước định hình tư duy về đường lối đổi mới và từng bước khai mở, thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, với các nước lớn để đất nước ta có hòa bình; xóa bỏ bao vây, cấm vận, bị phong tỏa, kìm hãm sự phát triển.

2. Dấu mốc quan trọng nhất khẳng định quyết tâm chính trị to lớn của Đảng ta là năm 1986, Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó xác định đổi mới tư duy về đối ngoại có ý nghĩa rất quan trọng. Sự khởi phát của tư duy mới về đối ngoại, quốc phòng, an ninh được thể hiện ở chủ trương của Đảng ta: chuyển từ “đối đầu” sang “đối thoại”, “thêm bạn, bớt thù”, giải quyết những vấn đề tồn tại bằng biện pháp hòa bình, đặc biệt chú ý đối với các nước láng giềng như Trung Quốc, ASEAN; từng bước nhận ra đối tác, đối tượng và bản chất của từng loại; vững tin phá thế bao vây, cấm vận, phong tỏa; cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các tổ chức quốc tế; đẩy các thế lực chống phá, thù địch ra xa Tổ quốc.

Đại hội VI (12-1986) của Đảng ta nhấn mạnh chủ trương: “thêm bạn, bớt thù”, thực hiện “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phấn đấu giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển”. Đến Đại hội VII (6-1991), Đảng ta đề ra chính sách “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”, đưa phương châm “thêm bạn, bớt thù” lên mức độ cao hơn, bởi vì: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Với phương châm này, Đảng ta chủ trương “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”. Tình thế buộc chúng ta phải làm như vậy, nhưng chúng ta không “đóng lại quá khứ”, chỉ tạm gác lại nó để đi tiếp vì cuộc sống mưu sinh của hàng chục triệu người dân, vì hòa bình.

Việc định hình và phát triển tư duy này thể hiện rõ ở Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (6-1992), Đảng ta đề ra 4 phương châm xử lý các hoạt động đối ngoại mang đầy tính nhân văn: (1) Bảo đảm lợi ích dân tộc chân chính, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân; (2) Giữ vững độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đẩy mạnh đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; (3) Nắm vững hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế; (4) Tham gia hợp tác khu vực, đồng thời mở rộng quan hệ với tất cả các nước. Chúng ta cần phát triển, chúng ta nhất thiết phải có hòa bình, hợp tác, chúng ta phải đổi mới; phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh.

Từ năm 1996 đến 2005, Đảng ta xác định đối ngoại là phương thức rất quan trọng để hội nhập khu vực và thế giới. Từ định hướng coi Liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại, Đảng ta từng bước chuyển sang đa dạng hóa, đa phương hóa. Từ phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” đề ra từ Đại hội VII đã được Đại hội IX, Đảng ta đã nâng lên một mức độ cao hơn: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”. Đây là bước đổi mới rất quan trọng về tư duy đối ngoại của Đảng; là cơ sở khoa học để tháng 11-1996, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về việc mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại 5 năm 1996-2000.

Đến Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII (12-1997), Đảng ta chủ trương: “nâng cao ý chí tự lực, tự cường, giữ vững bản sắc dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế”. Ngày 27-11-2001, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07 về Hội nhập kinh tế quốc tế, xác định hội nhập kinh tế quốc tế vừa là mục tiêu, vừa là một nhiệm vụ thường xuyên của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới.

Từ năm 2006 đến 2016, Đảng ta đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Đại hội X đặt ra rất cao nhiệm vụ: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác…, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”. Như vậy, đến Đại hội X, tư duy về hội nhập quốc tế không còn giới hạn trên lĩnh vực kinh tế mà mở rộng sang các lĩnh vực khác: Chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội…; ở mọi cấp độ: song phương, khu vực và đa phương.

Đến Đại hội XI (1-2011), Đảng ta lần đầu tiên đưa ra mục tiêu đối ngoại “Vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Sau đó, Đảng đã bổ sung nội hàm mới và hoàn chỉnh phương châm; “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (Văn kiện Đại hội XI, tr. 83-84). Trong Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Đảng ta đã đưa tiến trình hội nhập quốc tế sang giai đoạn mới, toàn diện và bao trùm: Kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo… Đối ngoại đa phương được xác định từ “tham gia” sang “chủ động đóng góp, dẫn dắt, định hình”, tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể. Như vậy, từ Đại hội XI của Đảng, đường lối đối ngoại đã phát triển lên đỉnh cao mới, đưa ra chủ trương hội nhập toàn diện vào tất cả các lĩnh vực của cộng đồng quốc tế.

Từ năm 2016 đến nay, Đảng ta đã bổ sung, phát triển tư duy mới trên hai khía cạnh: (1) Sâu sắc hơn về mục tiêu, phương châm, vị trí, vai trò của đối ngoại; (2) Định hướng triển khai một số lĩnh vực cụ thể. Về mục tiêu, tại Đại hội XIII, Đảng ta chuyển nhận thức từ “Vì lợi ích quốc gia, dân tộc” sang thành mục tiêu: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi” (Văn kiện Đại hội XIII, Tập I, tr. 161-162).

Như vậy, thống nhất với Đại hội XII, Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định: đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trước hết và trên hết. Đây là sự tổng kết sâu sắc, thể hiện sự phát triển tư duy, nhận thức lý luận rất mới của Đảng ta. Về phương châm thực hiện nhiệm vụ: Đảng ta chỉ rõ “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Về vị trí, vai trò của đối ngoại, Đảng ta chỉ rõ “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước” (Văn kiện Đại hội XIII, Tập I, tr. 162).

3. Trên một số lĩnh vực cụ thể, Đảng ta xác định “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”, hội nhập quốc tế trên tất cả các kênh: Đảng, Nhà nước và nhân dân; song phương và đa phương, ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện hiệu quả các cam kết sâu rộng của các FTA thế hệ mới.

Về ngoại giao đa phương, Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8-8-2021 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đảng ta xác định kết hợp chặt chẽ 3 trụ cột: đối ngoại đảng – ngoại giao nhà nước – đối ngoại nhân dân. Ba trụ cột này đặt trong một chỉnh thể thống nhất, vừa có tính độc lập tương đối, vừa hỗ trợ lẫn nhau, vì mục tiêu chung là lợi ích quốc gia – dân tộc.

Nhờ đó, đối ngoại Việt Nam với biểu tượng cây tre được hình thành; từng bước bện chặt với quốc phòng, an ninh, góp phần tạo lập và duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN; phá vỡ thế cô lập, bao vây, cấm vận, đẩy lùi các thế lực thù địch, chống cộng nhờ “tuyệt chiêu”: không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thêm bạn, bớt thù.

Trong đó, đối ngoại quốc phòng, an ninh đã và đang góp phần rất quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống; xử lý thỏa đáng vấn đề dân chủ, nhân quyền, buôn lậu qua biên giới và an ninh mạng. Chúng ta đã và đang tranh thủ được môi trường bên ngoài thuận lợi để phát triển đất nước; đã và đang đẩy ra xa ngoài biên giới Tổ quốc các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Qua đó, không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; giữ cho trong ấm, ngoài êm; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vì lẽ đó, cần hiểu cho đúng và sâu sắc quan điểm: Muốn chống cái sai phải cần hai cái đúng: Đó là thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, nắm vững chắc bản chất tư duy mới về đối ngoại của Đảng ta, nhất là đường lối ngoại giao cây tre Việt Nam, chính sách quốc phòng “bốn không” và “bốn tránh”. Đây là cơ sở lý luận, thực tiễn vững chắc nhất để chúng ta đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; tính đúng đắn của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; góp phần đưa đất nước vững tin bước vào năm 2024 với niềm tin tất thắng, lập thành tích cao nhất chào mừng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, chào Xuân Giáp Thìn hạnh phúc./.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét