Ngày 16/10, VOA Tiếng Việt, đăng bài: “Các tổ chức quốc tế đệ trình vi phạm của Việt Nam lên Liên hợp quốc cho kỳ kiểm điểm nhân quyền sắp tới”. Trong bài viết, VOA lu loa rằng: theo sau tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế - Human Rights Watch (HRW), các tổ chức quốc tế khác, như: Ủy hội Luật gia Quốc tế (ICJ) Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Ủy ban Quyền làm người Việt Nam (VCHR) cũng đệ trình những điều mà họ cho là vi phạm về nhân quyền của Hà Nội lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) trước phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR của Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ, vào năm tới. Họ cùng tấu rằng: “tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã xấu đi nghiêm trọng kể từ đợt UPR lần cuối vào tháng 01/2019”(!). Thực chất của các luận điệu này chỉ là chiêu trò đã cũ rích của các tổ chức mượn danh “nhân quyền” để xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo đảm nhân quyền. Nhưng thực tiễn đã minh chứng, dù họ có giở luận điệu, chiêu trò gì đi chăng nữa thì cũng không thể xuyên tạc được những thành thành tựu bảo đảm nhân quyền của Việt Nam.
Cần khẳng định rằng: tôn trọng, bảo đảm quyền con người là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; điều đó, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ. Để thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và cơ chế, coi đây là yếu tố then chốt trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm đầy đủ các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa phù hợp với thực tế đất nước và tương thích với các chuẩn mực quốc tế được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.
Ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về dân sự, chính trị được bảo đảm, bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật; được thực hiện minh bạch trong thực tiễn. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; mọi công dân không phân biệt giới tính, tôn giáo, dân tộc, nếu đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Các quyền con người, quyền công dân về kinh tế, xã hội, văn hóa cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Thu nhập (GDP) bình quân đầu người trong năm 2022 đã đạt 4.110 USD; nhờ đó, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Tiến bộ và công bằng xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng. Các vấn đề an sinh xã hội luôn được quan tâm chăm lo, ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, hay của đại dịch Covid-19 và Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng, được quốc tế ghi nhận.
Cùng với các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa nói trên, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện quyền con người, quyền công dân về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với 26,7 triệu tín đồ, 55.000 chức sắc, 135.000 chức việc, trên 29.000 cơ sở thờ tự, v.v. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Số người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí là hơn 41.000 người, với 19.356 người đã được cấp thẻ nhà báo. Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam. Số người dùng internet ở Việt Nam lên đến 72,1 triệu người, chiếm khoảng 73,2% dân số cả nước; đứng thứ 12 trên thế giới và thứ 6 trong 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận còn có những hạn chế nhất định, nhưng việc Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và tiếp tục được tín nhiệm giữ vai trò này trong nhiệm kỳ 2023 – 2025, v.v. Những thành tựu cơ bản trong bảo đảm và phát triển quyền con người ở Việt Nam nêu trên là thực tiễn sinh động nhất, bác bỏ hoàn toàn các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chống phá thành tựu bảo đảm nhân quyền của Việt Nam. Đồng thời là minh chứng xác đáng phản bác thói “lu loa” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam của VOA Tiếng Việt./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét