Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

30/4 - Chiến tranh vs Hòa bình!

Chiến thắng lịch sử ngày 30-4 là thành quả vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Việt Nam có thể tự hào là một nước nhỏ nhưng đã đánh bại những đế quốc lớn trên thế giới. Bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, mục tiêu lớn nhất của Việt Nam là giữ gìn môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Người dân Việt Nam không muốn để xảy ra thêm bất cứ một cuộc chiến tranh nào nữa trên mảnh đất hình chữ S.


Bảo vệ đất nước từ xa, ngăn chặn mọi nguy cơ có thể dẫn đến chiến tranh, không để đất rơi vào vòng xoáy của cuộc tranh chấp giữa các nước lớn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa cường quyền trong quan hệ quốc tế đang tiếp tục gia tăng, đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trên thế giới và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, nhất là nước nhỏ đang phát triển.

Từ khi bước vào thời kỳ Đổi mới, Việt Nam luôn nhất quán đường lối  đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tốt với các nước trong cộng đồng quốc tế, không đi với nước này để chống lại nước khác. Đó là triết lý “ngoại giao cây tre” đã được Việt Nam đúc kết từ lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc và thực tiễn trên thế giới.

Hiện nay, nguy cơ chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Cuộc chiến đang diễn ra tại Ucraina cho thấy các nước lớn vẫn luôn sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đã phát biểu tại phiên họp khẩn cấp về vấn đề Ucraina ngày 1/3/2022: “Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi phải hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

Quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới vốn đã phức tạp, nay lại càng trở nên phức tạp và khó dự đoán hơn sau khi quả bom Ucraina phát nổ. Quan hệ với các nước lớn, nhất là Mỹ – Nga – Trung Quốc, đang là vấn đề rất quan trọng và nhạy cảm, được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi.

Liên tiếp trong những ngày vừa qua, Việt Nam có một loạt hoạt động đối ngoại đáng chú ý với ba nước lớn nói trên:

Ngày 21/4, trả lời câu hỏi của phóng viên ề thông tin Việt Nam và Nga sắp tập trận chung, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nói: “Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các hoạt động hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các nước, bao gồm giao lưu, luyện tập chung, phục vụ hội thao, hội thi là nhằm tăng cường hợp tác hữu nghị đoàn kết tin cậy và hiểu biết lẫn nhau vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới”. Trong bối cảnh Nga trực tiếp đem quân can thiệp vào Ucraina, quan hệ hợp tác với Nga, nhất là về mặt quân sự, được dư luận hết sức chú ý.

Ngày 23/4, chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 7 chính thức diễn ra tại hai tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Mục đích của hoạt động này là xây dựng biên giới Việt -Trung thực sự hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Một điều dễ hiểu là nhất cử, nhất động trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc đều được dư luận nhất là MXH, quan tâm, phân tích, mổ xẻ.

Ngày 25/4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Mỹ Marc Knapper. Ông Trọng khẳng định, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Từ một nước cựu thù, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển rất nhanh kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Mỹ đã nhiều lần bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ hai nước lên thành quan hệ đối tác chiến lược.

Những hoạt động nói trên cho thấy, Việt Nam đang kiên trì đường lối đối ngoại của mình và tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước lớn trên thế giới. Dư luận quốc tế đánh giá cao tính hiệu quả của các chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông Carl Thayer, một chuyên gia quốc tế có uy tín về Việt Nam, nhận xét rằng, một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới là đã định hướng chính xác đường lối đối ngoại của mình. Kỷ niệm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4 năm nay là dịp để ôn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc, đồng thời cũng là dịp để nhắc lại những bài học trong quá khứ cần luôn ghi nhớ để sẵn sàng bảo vệ vững chắc môi trường hòa bình, ngăn chặn mọi nguy cơ chiến tranh từ xa. Đó là nhiệm vụ không phải chỉ của riêng đội ngũ lãnh đạo đất nước, của hệ thống chính trị, mà còn của tất cả mọi người dân Việt Nam, trong đó có những người sử dụng MXH./.  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét