Thứ Năm, 11 tháng 1, 2024

Không thể đánh lận: Lợi dụng tôn giáo - Tự do tôn giáo!

 


Một trong những vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng để chống phá Việt Nam là tự do tôn giáo. Gần đây, mượn cớ một số trường hợp công dân Việt Nam theo các tôn giáo vi phạm pháp luật bị các cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng các biện pháp xử lý, họ xuyên tạc cho rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo”; “không có tự do tôn giáo”… Chưa dừng ở đó, họ còn trắng trợn vu cáo rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam “bóp nghẹt” tự do tôn giáo…

Những luận điệu ấy là rất nguy hiểm, bởi các thế lực thù địch, phản động mưu toan thông qua luận điệu đó để chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và kêu gọi bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, thực tiễn sinh động đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai trái đó.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế.

Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) và các bản Hiến pháp sau này đều luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định: “(1). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; (2). Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; (3). Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cùng với việc khẳng định trong Hiến pháp, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các luật, pháp lệnh, nghị định, đặc biệt là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo khuôn khổ pháp luật.

Ở Việt Nam có hầu hết các tôn giáo lớn với đông đảo tín đồ, chức sắc, nhà tu hành. Đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 6,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Việt Nam cũng có hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Cùng với việc công nhận tư cách pháp nhân, mở mang cơ sở thờ tự, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều xây dựng đường hướng hoạt động tiến bộ: gắn bó, đồng hành với dân tộc, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật, ủng hộ và tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các tổ chức tôn giáo được tham gia vào đời sống chính trị xã hội. Quốc hội khóa XV có 5 vị chức sắc trúng cử đại biểu. Ở cấp tỉnh, có 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân; cấp huyện là gần 500 người và cấp xã là hơn 5.600 người. Quan hệ quốc tế trong các tôn giáo cũng ngày càng được mở mang, cải thiện. Nhiều giáo hội không chỉ gửi người trẻ tuổi đi đào tạo ở nước ngoài mà còn tham dự hàng loạt các hội nghị tôn giáo quốc tế, tiếp nhận các chương trình đầu tư hoạt động từ thiện của các tổ chức tôn giáo quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, v.v…

Chỉ cần điểm qua những nét chính như vậy đã đủ thấy bức tranh tôn giáo ở Việt Nam là rất sáng sủa. Mọi tôn giáo ở Việt Nam đều được tạo điều kiện để phát triển, hoạt động theo quy định của luật pháp. Mọi giáo dân chân chính đều phấn đấu sống “tốt đời, đẹp đạo”, gắn “đạo” với “đời”, các tôn giáo đồng hành với dân tộc.

Mượn cớ một số trường hợp công dân Việt Nam theo các tôn giáo vi phạm pháp luật bị các cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng các biện pháp xử lý, để nói rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, “không có tự do tôn giáo”… là một sự xuyên tạc, vu cáo trắng trợn. Cần phải nhắc lại rằng, không chỉ ở Việt Nam mà với mọi quốc gia trên thế giới, tôn giáo không thể đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật. Giáo dân trước hết là công dân, mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật. Khi phạm vào các tội được quy định trong pháp luật, thì dù công dân đó có đạo hay không có đạo đều chịu sự trừng phạt của pháp luật một cách bình đẳng. Tự do tôn giáo không thể bị đánh lận với những đối tượng lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi phạm pháp. Ở Việt Nam không bao giờ có chuyện đàn áp tôn giáo, mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam bị xử lý mà thôi.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét