Ngày 04/01, kênh tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng bài: “HRW: Liên Âu nên thu hồi các lợi ích của Việt Nam hưởng lợi từ EVFTA vì vi phạm nhân quyền”, trong đó trích dẫn ý kiến của ông Phil Roberson, Phó Giám đốc phân ban châu Á của HRW cùng một số phần tử sống lưu vong đã lu loa, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền và kêu gọi liên minh châu Âu thu hồi các lợi ích của Việt Nam.
Trước hết phải thấy rằng, để thống nhất, đi đến ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA thì Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) phải trải qua nhiều vòng đàm phán, hai bên phải đáp ứng được các tiêu chí đưa ra. Đây là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam và cũng là hiệp định FTA thế hệ mới đầu tiên EU ký với một nước đang phát triển trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nên được cả hai bên quan tâm trong quá trình thực thi.
Về phía Việt Nam luôn kiên trì theo định hướng phát triển bền vững, xây dựng và đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Việt Nam luôn nỗ lực tham gia ký kết và thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền, về lao động, về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, về môi trường,... và thực hiện đầy đủ các cam kết theo quy định của Hiệp định EVFTA. Đơn cử như: năm 2021, Bộ Công Thương Việt Nam đã thành lập Nhóm Tư vấn trong nước (DAG Việt Nam) để tư vấn về việc thực hiện các chương trình thương mại và phát triển bền vững, đưa ra quan điểm, khuyến nghị cho các bên tham gia. Đến nay, DAG Việt Nam đã có 07 thành viên là: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Công nhân và Công đoàn, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, Hiệp hội tháng máy Việt Nam và tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã, đang triển khai quyết liệt các giải pháp để chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm sớm gỡ “thẻ vàng” đối với ngành Thủy sản theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), v.v.
Trên thực tế, việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA đã mang lại lợi ích cho cả hai bên. Theo số liệu của EU, sau 03 năm thực thi Hiệp định EVFTA (2020 - 2023), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu trong các nước ASEAN. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng hơn 40%. Đây là một trong những minh chứng cho thấy Việt Nam và EU cùng tận dụng tốt Hiệp định EVFTA để phát triển.
Trong khi đó, ông Phil Roberson, Phó Giám đốc phân ban châu Á của HRW chỉ dựa vào tuyên bố của nhóm Tư vấn trong khối Liên Âu (EU DAG) cho rằng Việt Nam bỏ tù lãnh đạo một số tổ chức xã hội dân sự, như: Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, rồi lu loa, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền là hoàn toàn phiến diện, suy diễn, quy chụp vô căn cứ. Bởi vì, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã đưa ra đầy đủ bằng chứng khẳng định hành vi trốn thuế đối với Mai Phan Lợi. Thậm chí, Mai Phan Lợi chính là người chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo cho nhân viên dưới quyền Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng - MEC không thực hiện kê khai nộp thuế. Đối với Đặng Đình Bách, cơ quan điều tra đã làm rõ, từ năm 2016 đến năm 2020, Trung tâm LPSD do Bách đứng đầu đã nhiều lần không nộp hồ sơ khai thuế, trốn thuế, bỏ ngoài sổ sách các khoản tiền nhận từ nước ngoài. Tại phiên tòa, Đặng Đình Bách đã thừa nhận có hành vi trốn thuế xảy ra tại Trung tâm LPSD và xin Hội đồng xét xử cho phép nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Vì thế, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách thực chất là những tội phạm núp bóng “môi trường” mà thôi.
Thử hỏi: cái tội trốn thuế ở các nước EU mà bị pháp luật xử lý thì thế nào nhỉ? Liệu có phải “họ” vi phạm nhân quyền không? Và không biết HRW có dám giở thói “trõ mõm” mà kêu vi phạm “nhân quyền” không? Xin đừng “diễn trò” lố./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét