Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

Thất bại về “tiến trình dân chủ hóa đất nước từ hải ngoại”

 


Vừa qua, Tiếng Dân có đăng bài “Nhận xét tổng quan về tiến trình dân chủ hóa đất nước từ hải ngoại” của tác giả Đào Tăng Dực. Khái niệm “dân chủ hóa đất nước” mà Đào Tăng Dực đưa ra là việc chuyển đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sang chế độ dân chủ tư sản theo mô hình các nước phương Tây. Đào Tăng Dực tự cho mình là “người quan tâm đến vận mệnh đất nước, cũng đã tham gia tiến trình dân chủ hóa từ hải ngoại ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975”. Với “kinh nghiệm gần 50 năm tham gia tích cực” vào tiến trình lật đổ chế độ ở quê nhà, Đào Tăng Dực đã tự “nhận diện và phân tích khách quan” về “tình hình thực hiện dân chủ hóa đất nước từ hải ngoại” và “thất vọng, chán nản vì hiện tượng đình động và suy thoái phổ biến trong cộng đồng và các tổ chức cũng như đảng phái không cộng sản tại hải ngoại”.

Phải khẳng định rằng chỉ một bộ phận rất nhỏ trong số hơn 5,2 triệu người Việt Nam ở hải ngoại tham gia vào cái gọi là “tiến trình dân chủ hóa”. Bộ phận này chủ yếu là ngụy quân, ngụy quyền mang nặng hận thù với đất nước, những tên chống cộng khét tiếng, di tản ra nước ngoài sau tháng 4 năm 1975. Bọn chúng thành lập một số tổ chức như  đảng Việt Tân (được thành lập năm 1982, bởi một nhóm người Mỹ gốc Việt tại Califonia (Mỹ), Chủ tịch Đảng Việt Tân đầu tiên là Hoàng Cơ Minh). Mục đích của Đảng Việt Tân là “đấu tranh lật đổ chế độ cộng sản tại Việt Nam và canh tân đất nước”; Tổ chức tự xưng “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời”, hay còn gọi là “Đệ tam cộng hòa” (thành lập năm 1991, tại California do ông Đào Minh Quân tự xưng là Tổng thống). Mục tiêu của tổ chức này là “muốn giải thể chế độ cộng sản, lấy lại đất nước Việt Nam bằng đường lối ôn hòa là trưng cầu dân ý”… các tổ chức này hoạt động tại Mỹ như một hội đoàn, không có tư cách pháp nhân. Còn chúng ta, Bộ Công an Việt Nam đã khẳng định các tổ chức trên là các tổ chức khủng bố. Các tổ chức Việt Tân, “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” … được thành lập để thực hiện “tiến trình dân chủ hóa đất nước từ hải ngoại”. Nhưng theo “nhận diện và phân tích khách quan” của Đào Tăng Dực, các tổ chức này có 5 hiện tượng đình động và suy thoái và 10 nguyên nhân của đình động và suy thoái, tóm tắt là:“vắng bóng một cấu trúc tư tưởng đấu tranh nghiêm chỉnh, quy tụ được tổng lực đấu tranh và tạo ra niềm tin trong cộng đồng và các tổ chức; không phát triển được nhân sự; nhân sự lão hóa vì rất ít giới trẻ tham gia; không duy trì được hạ tầng cơ sở của Tổ chức vì suy thoái trong các đơn vị địa phương; đồng bào đóng góp tài chính cho các tổ chức đấu tranh giảm thiểu; niềm tin vào hiệu năng đấu tranh của các tổ chức giảm thiểu…”.Tổ chức thì như vậy, còn nguồn lực con người tham gia vào “tiến trình dân chủ hóa”, vẫn theo tự  đánh giá của Đào Tăng Dực thì “Thiếu lý tưởng; thiếu dấn thân; thiếu khả năng khống chế bản ngã cá nhân; không có thế hệ kế thừa; tính gian dối và lừa gạt trong hàng ngũ một số tổ chức quốc gia hủy hoại niềm tin; tình yêu Tổ quốc chưa đầy đủ…”. Vậy thì, các con người này, các tổ chức này làm được gì ? làm sao có thể thực hiện được mục đích:“ lật đổ chế độ cộng sản tại Việt Nam và canh tân đất nước”? Và thật hão huyền khi Đào Tăng Dực hy vọng, tin tưởng: “Chúng ta (người Việt ở hải ngoại) không thể chết trước họ (Cộng sản Việt Nam). Nếu chúng ta  tư duy đúng và hành động đúng, chúng ta chắc chắn sẽ ném họ vào thùng phân thối tha của lịch sử sớm hơn họ mong đợi”. Có “niềm tin vào lẽ tất thắng của tiến trình dân chủ hóa” là bởi Đào Tăng Dực nhận thức rằng “các lực lượng quốc gia yếu kém nhưng kỳ thực chúng ta đang đứng bên lề phải của lịch sử. Cộng sản Việt Nam tuy có vẻ mạnh và bất bại, nhưng họ đang đứng bên lề trái của lịch sử, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào như Liên bang Xô viết vậy”. “Lịch sử” mà Đào Tăng Dực dựa vào để phân biệt lề phải, lề trái là “lịc sử” nào ?của ai? thì mọi người chắc đều đã rõ. Còn Lịch sử Việt Nam thì bọn ôm chân giặc, bọn phản quốc thì chẳng có lề nào cả mà bọn chúng bị nhân dân sỉ nhục muôn đời.

Trong 10 nguyên nhân gây nên đình động và suy thoái phổ biến trong cộng đồng và các tổ chức cũng như đảng phái không cộng sản tại hải ngoại, nguyên nhân Đào Tăng Dực cho là quan trọng nhất là “sự vắng bóng của một lực lượng chính trị đối trọng với Đảng CSVN”. Đào Tăng Dực viết: “Đã nhiều thập niên qua, quần chúng trong lẫn ngoài nước mong mỏi sự xuất hiện của một lực lượng chính trị đại diện cho người Việt quốc gia trong nước lẫn hải ngoại, được quốc tế công nhận, hầu đối trọng với CSVN. Tuy nhiên đến ngày hôm nay, vẫn chưa thấy xuất hiện và điều này củng cố sự tuyệt vọng và mất niềm tin của một số người”. Về vấn đề này, đúng như Đào Tăng Dực đánh giá là “Quan trọng nhất”. Chính phủ Mỹ đã có âm mưu và thực hiện âm mưu này từ hơn 40 năm qua. Ngày 18 và 19/10 /1983, Chính phủ Mỹ mở hội nghị về “dân chủ hóa các nước xã hội chủ nghĩa” nhằm mục đích “xác định và tìm biện pháp thúc đẩy tự do hóa và dân chủ hóa trong chính quyền cộng sản, giúp đỡ họ tiến hành cuộc đấu tranh giành quyền tự do”(!). Trong Hội nghị, ngoại trưởng Mỹ Shultz tuyên bố : “Phải thông qua tuyên truyền nhân quyền, liên minh mọi lực lượng để ủng hộ sự xuất hiện của những thế lực đòi dân chủ ở các nước cộng sản, giúp đỡ cuộc đấu tranh giành tự do của họ”(!). Và Mỹ quyết định thành lập “quỹ giành dân chủ toàn quốc Mỹ, nhằm giúp đỡ phong trào dân chủ các nước xã hội chủ nghĩa”. Thực tiễn ở Liên Xô và Đông Âu năm 1990, hay cuộc khủng hoảng chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi từ cuối năm 2010, năm 2012 đã cho thấy: các thế lực bên ngoài đặc biệt chú trọng thúc đẩy, hình thành các tổ chức XHDS theo tiêu chí phương Tây, từng bước tạo ra tổ chức đối lập, hình thành xã hội đa đảng; áp đặt các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa theo kiểu của họ, thực hiện “Cách mạng màu”, “Mùa xuân Ả Rập” … coi đó là phương thức hoạt động chủ yếu nhằm lật đổ chế độ xã hội ở các quốc gia này.

Đối với Việt Nam, đã nhiều thập kỷ qua, các thế lực thù địch điển hình là tổ chức Việt Tân tìm mọi cách tạo “môi trường” cho sự xuất hiện ở nước ta các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua hoạt động dưới vỏ bọc XHDS để làm suy yếu, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Bọn chúng tìm mọi cách thúc đẩy hình thành thể chế “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mà tiền đề là hình thành các tổ chức XHDS chính trị. Về tổ chức, các tổ chức XHDS thường được tạo dựng bởi những nhân vật có quan điểm chính trị đối lập, những người “bất đồng chính kiến” được gọi là “ngọn cờ”. Về thủ đoạn chính trị , các tổ chức XHDS thường dựa vào cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế. Về khẩu hiệu, các tổ chức XHDS thường tuyên bố mục tiêu của họ là vì quyền lợi của người dân, vì sự tiến bộ của xã hội và chỉ hoạt động “ôn hòa”, “bất bạo động”. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động của họ luôn hướng vào mục tiêu làm xói mòn uy tín, công kích vào chế độ và đảng cầm quyền. Đồng thời họ tuyên truyền các quan điểm dân chủ, nhân quyền của phương Tây, bất chấp các đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, hoàn cảnh chính trị và pháp luật quốc gia.Về phương thức hoạt động, trước hết bọn chúng lợi dụng quy định của Hiến pháp, các công ước quốc tế về quyền con người thu hút người tham gia, đăng tải bài viết, cổ vũ, thành lập nhóm sáng lập hội, đoàn để thúc đẩy ở Việt Nam một mô hình XHDS độc lập về chính trị, nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chịu sự quản lý của Nhà nước. Bọn chúng kêu gọi thúc đẩy nhanh chóng các tổ chức phi chính phủ Việt Nam, kêu gọi móc nối giữa các tổ chức XHDS này với các NGOs quốc tế; kêu gọi phong trào dân sự cần được đẩy mạnh, không chỉ là diễn đàn trên mạng, mà phải hình thành các hội, nhóm công khai trong đời sống (như chúng đã thành lập những cái gọi là “Hội Anh em dân chủ”, “Hội Phụ nữ nhân quyền”, “Hội Cựu tù nhân lương tâm”, “Hiệp hội dân oan Việt Nam”… mà không thể hoạt động hoặc hoạt động không được như chúng kỳ vọng). Được các tổ chức quốc tế không thân thiện với Việt Nam hậu thuẫn, nhưng các tổ chức, các đảng phái không cộng sản tại hải ngoại, như đảng Việt Tân, hay “Đệ tam cộng hòa”, rất tích cực thực hiện điều quan trọng nhất này, nhưng cho đến nay vẫn “chưa thấy xuất hiện một tổ chức chính trị đối trọng với CSVN”.Và xin nói chắc chắn rằng không bao giờ, tại Việt Nam, các thế lực thù địch có thể thành lập được tổ chức chính trị đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì Việt Nam không cho thành lập các hội, các tổ chức không đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Tức là không cho thành lập và hoạt động các hội độc lập về chính trị, nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chịu sự quản lý của Nhà nước. Ở Việt Nam, thể chế quản lý tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội phải phù hợp và đáp ứng được cơ chế vận hành của thể chế chính trị: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Đại đa số người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động ở nước ngoài đang nỗ lực vươn lên để có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập vào xã hội sở tại. Nhà nước Việt Nam coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam và mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước. Đào Tăng Dực, ông là người “đã tham gia tiến trình dân chủ hóa từ hải ngoại ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975” và đến nay quan trọng nhất là ông cũng đã nhận ra sự thất bại của “tiến trình dân chủ hóa đất nước từ hải ngoại” và “thất vọng, chán nản vì hiện tượng đình động và suy thoái phổ biến trong cộng đồng và các tổ chức cũng như đảng phái không cộng sản tại hải ngoại”. Vì vậy, tôi có lời khuyên ông hãy nghĩ và làm theo cách nghĩ, cách làm của đa số người Việt Nam ở nước ngoài. Ít nhất là giảm và nhiều hơn là không có những hành động chống phá, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia – dân tộc.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét