Theo Tờ trình
của Chính phủ, Luật Công an nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018,
có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 (trừ các quy định về cấp bậc hàm cao nhất
là cấp Tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp Tướng; bổ nhiệm, miễn
nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng
có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2019).
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, Luật đã tạo
cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện để lực lượng Công an nhân dân thực hiện
quản lý Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu
tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh trật
tự của đất nước. Tổ chức bộ máy các cấp Công an đã được đổi mới căn bản, toàn
diện và sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; vị trí, việc làm của sĩ
quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an đã được xác định rõ ràng, cụ thể, góp phần
quan trọng xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính
quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật đã bộc lộ
một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải sửa đổi Luật. Đồng thời, ngày 16/3/2022,
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an
nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng
yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó chỉ đạo "Xây dựng, hoàn
thiện pháp luật về an ninh trật tự, xây dựng lực lượng hậu cần, kỹ thuật Công
an nhân dân và pháp luật có liên quan, nhất là Luật Công an nhân dân (sửa đổi)".
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019,
tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường đã được
điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ
60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Bộ luật Lao động được coi là “luật gốc” về tuổi
nghỉ hưu của người lao động nói chung. Vì vậy, trên cơ sở quy định mới của Bộ
luật Lao động năm 2019 và tính chất đặc thù của lực lượng công an nhân dân, cần
thiết phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan,
hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật Công an nhân dân và Nghị định số
49/2019/NĐ-CP ngày 6/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi
hành một số điều của Luật Công an nhân dân cho phù hợp.
Ngoài việc thực hiện theo quy định chung của
Luật Công an nhân dân, trong một số trường hợp đặc biệt, hạn tuổi phục vụ cao
nhất của sĩ quan công an nhân dân còn thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước
như tuổi nghỉ hưu của sĩ quan công an nhân dân là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên
Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội… Tuy nhiên, Luật Công an nhân dân năm 2018
chưa quy định cụ thể về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp này, nên chưa bảo
đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn.
Vì vậy, việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc
biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp.
Cùng với đó, việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng
trước thời hạn đối với sĩ quan công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc
đạt được trong chiến đấu và công tác đã được quy định trong Luật hiện hành
nhưng chưa cụ thể nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập. Quy định về cấp bậc
hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân cũng còn một
số vướng mắc...
Do đó, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Công an nhân dân để thể chế hoá đường lối, chính sách
của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ
thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an
toàn xã hội là cần thiết.
Dự thảo Luật gồm 2 Điều, sửa đổi, bổ sung 9
khoản thuộc 5 Điều của Luật Công an nhân dân năm 2018, tập trung vào 3 chính
sách, gồm: Hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công
an; thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân
có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; cấp bậc
hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân.
Qua thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của
Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
Luật Công an nhân dân nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, thể chế hóa các
quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, về xây dựng
lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ,
hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Công an nhân dân còn tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Công an nhân dân, thực hiện
chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an nhân dân; bảo đảm tính thống nhất,
đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động,
khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến
đấu của lực lượng Công an nhân dân…
Dự án Luật có quá trình chuẩn bị kỹ
lưỡng. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và hồ sơ dự án Luật bảo đảm các yêu cầu của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ
Quốc hội xem xét để quyết định và đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý
kiến.
Bên cạnh đó, các nội dung điều chỉnh của dự thảo Luật cơ bản bảo đảm phù hợp với mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật, thể chế đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét