Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Sự khác nhau của hai nền dân chủ

 


 Trong các âm mưu mà các thế lực thù địch tung ra gần đây, có âm mưu muốn phá hoại nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong nhận thức của họ, “đảng dân chủ (hoặc đảng xã hội, đảng xã hội dân chủ) mới thật sự là dân chủ, còn Đảng Cộng sản không thể có dân chủ”. Họ lờ đi giữa sự khác nhau giữa dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa và coi “nền dân chủ tư sản tiến bộ hơn nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”…

Nhận thức này là mù quáng, không đúng với hiện thực lịch sử khách quan, cần phải phê phán. Ở đây, tôi muốn làm rõ thực chất của nền dân chủ tư sản và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Về nền dân chủ tư sản: V.I.Lênin nhận định chủ nghĩa xã hội dân chủ (gắn liền với các đảng dân chủ, đảng xã hội, đảng xã hội dân chủ) thực chất là hệ thống của chủ nghĩa cải lương hiện đại. Những tư tưởng cải lương chủ nghĩa ấy đã được phản ánh trong các văn kiện cương lĩnh của các đảng dân chủ,  đảng xã hội, đảng xã hội dân chủ. Mục đích của chủ nghĩa xã hội dân chủ nhằm làm cho nền tảng cơ bản của xã hội tư sản tồn tại và phát triển. Nó không đồng hành với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Nguồn gốc của chủ nghĩa xã hội dân chủ bắt nguồn từ chủ nghĩa Cantơ, rao giảng cái gọi là “chủ nghĩa xã hội đạo đức”. Về mặt lý luận, đại diện của nó là “chủ nghĩa Bécstanh” và “chủ nghĩa Cauxky”, là những chủ nghĩa cải lương. Với chủ nghĩa này, đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội chủ nghĩa, chuyên chính của giai cấp công nhân đã bị họ bác bỏ hoàn toàn. Dần dần, phát triển thành chủ nghĩa xã hội dân chủ với các đảng dân chủ, đảng dân chủ xã hội, đảng xã hội dân chủ, thực chất là hình thành một nền dân chủ tư sản.

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa Mác ngày càng được truyền bá rộng rài trên trường chính trị quốc tế và trong phong trào công nhân các nước, thực tế đã giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa cơ hội, dần dần trở thành hình thái ý thức tư tưởng, hình thành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, chiếm vị trí chủ đạo và lôi cuốn được nhiều người có xu hướng xã hội dân chủ ngả theo chủ nghĩa cộng sản. Đến những năm 90 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa Mác hoàn toàn chiến thắng các hệ tư tưởng khác trong phong trào công nhân.

Với V.I.Lênin, lúc đầu xem chủ nghĩa xã hội dân chủ có cái gì đó gần gũi với chủ nghĩa Mác. Vì vậy, vào năm 1898, V.I.Lênin đặt tên cho chính đảng của giai cấp công nhân đầu tiên ở Nga là “Đảng công nhân dân chủ – xã hội Nga”. Nhưng về sau, V.I.Lênin đã nhận rõ tính chất xa rời chủ nghĩa Mác về tư tưởng của các đảng dân chủ xã hội, nên ông đã vạch trần những diễn biến phức tạp của nó và đổi tên thành Đảng Cộng sản (Bônsơvích) Nga vào năm 1918, không gọi tên là đảng dân chủ – xã hội nữa, vì theo V.I.Lênin, chính C.Mác và Ph. Ăngghen đã từng nói rằng tên gọi Đảng Công nhân dân chủ xã hội không chính xác về mặt khoa học. V.I.Lênin cũng đã nhiều phen vật lộn đấu tranh với những quan điểm sai trái của chủ nghĩa xét lại Bécstanh và chủ nghĩa cơ hội Cauxky trong guồng của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Từ đấy, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin, ngọn cờ của chủ nghĩa xã hội khoa học được phất lên trong cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội khoa học.

Ngày nay, các hoạt động của các trào lưu xã hội dân chủ (dân chủ xã hội) gắn với những quyền lợi của chủ nghĩa tư bản. Số phận của họ cũng rất khóa tách rời số phận của nhà nước tư bản. Một số đảng xã hội – dân chủ, đảng xã hội, đảng dân chủ thực hiện chính sách hai mặt. Một mặt, họ gắn liền với nhà nước tư bản, mặt khác, họ lại liên hệ với phong trào công nhân, với công đoàn và các tổ chức quần chúng khác.

Về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa: Dân chủ Việt Nam là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải nền dân chủ tư sản. Bản chất của nền dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa là khác nhau bởi hình thức chính trị của nhà nước đó. Dân chủ xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ chính bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước xã hội chủ nghĩa, một mặt, lên án những tư tưởng cải lương, cơ hội của phái xã hội dân chủ, mặt khác để mở rộng đường dân chủ, cũng chủ trương hợp tác với họ trên cơ sở đáp ứng lợi ích dân tộc mình.

Sự hình thành và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một quá trình khách quan. Sự bình đẳng, công bằng xã hội, tự do cá nhân và quyền lực nhân dân là mục đích có tính chất lịch sử của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cái cốt cách của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được xác định, đó là quyền lực của nhân dân. Tất cả các công dân đều có quyền tham gia vào công việc của nhà nước. Dân chủ xã hội chủ nghĩa đồng nghĩa với tính chủ động sáng tạo của nhân dân hết sức rộng rãi. Hệ thống dân chủ của chủ nghĩa xã hội xây dựng trên những điều kiện mới của sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Hình thức cơ quan lãnh đạo dân cử, quyền công dân, những thể chế và những yếu tố dân chủ được những lực lượng tiến bộ của xã hội xây dựng và bảo vệ. Các cơ quan chính quyền được bầu ra thông qua cuộc đầu phiếu phổ thông, bình đảng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, những hình thức dân chủ trực tiếp khác nhau cũng được phát triển rộng rãi, biểu hiện trong những hoạt động của các tổ chức xã hội. Nhà nước xã hội chủ nghĩa tạo cho công dân những khả năng rộng rãi để tự do bày tỏ nguyện vọng và trình bày những ý kiến của mình về những vấn đề thuộc về đời sống xã hội. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa tuyên bố bảo đảm những quyền xã hội của công dân, quyền đi lại, lao động, nghỉ ngơi, học hành, quyền tham gia vào những vấn đề chính trị – xã hội.

Là một kiểu tổ chức dân chủ cao nhất của xã hội loài người, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa hình thành và đi qua những chặng đường đáng ghi nhớ. Những hình thức tổ chức đời sống chính trị mới được hình thành. Những thể chế dân chủ được tạo nên, những truyền thống mới được xác lập.

Lực lượng chủ đạo của toàn bộ quá trình phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là Đảng Cộng sản. Nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng phản ánh những lợi ích của nhân dân.

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện và thực hiện theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”1. Nhà nước “do nhân dân làm chủ”2. “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”3.

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang được phát huy và đã gặt hái được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Vai trò xã hội của nhân dân không ngừng được nâng cao. Quy chế dân chủ đang được xác lập ở từng cấp và đang được thực hiện ở cơ sở. Không khí dân chủ trong xã hội đang được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Việt Nam đang từng bước khắc phục những hiện tượng vi phạm dân chủ ở cơ sở, làm rõ cơ sở lý luận dân chủ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện một đảng cầm quyền và nhiều tổ chức chính trị – xã hội, nhiều đoàn thể nhân dân. Đẩy lùi được những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, cơ hội chính trị, mất dân chủ sẽ dần dần làm cho bộ mặt dân chủ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam sáng lên trong lòng bầu bạn trên thế giới.

Nói tóm lại, chủ nghĩa xã hội dân chủ xã hội thực chất là dân chủ tư sản, một trong những hình thức của nhà nước tư bản. Còn dân chủ xã hội chủ nghĩa là hình thức chính trị phổ thông của nhà nước xã hội chủ nghĩa, bắt nguồn từ chính bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là sự khác nhau cơ bản của hai nền dân chủ không thể đánh đồng. Ai đó nói rằng, hai nền dân chủ này giống nhau là người đó theo chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa cải lương. Mọi luận điệu xuyên tạc nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tự nó sẽ bị đào thải.

 

GS,TS Đàm Đức Vượng

 

——

1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.8.

2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.8.

3. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.9.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét