Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Chính sách tôn giáo ở Việt Nam có như Việt Tân mô tả?

 


Lâu nay, băng đảng Việt Tân vẫn thường xuyên lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chống chế độ. Họ không ngừng hợp tác với những thành phần cực đoan trong nhiều tôn giáo khác nhau – như Phật giáo, Hòa hảo, Cao đài, Tin lành, Công giáo… Họ đặc biệt chú trọng khai thác những thành phần cực đoan trong Công giáo, vì đây là tôn giáo từng được ưu ái dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Chẳng hạn, vào năm 2017, họ từng cấp tiền cho các linh mục cực đoan ở Giáo phận Vinh để lôi kéo giáo dân đi biểu tình chống chế độ, nhân vụ nhà máy Formosa xả thải gây ô nhiễm biển. Họ cũng trao “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” năm 2021 cho một linh mục cực đoan là ông Đặng Hữu Nam. Và trong nhiều post trên fanpage Việt Tân, họ thậm chí còn nhân danh Chúa để kêu gọi người đọc chống cộng.

Mùa Noel năm nay, Việt Tân vẫn đang dùng lại thủ đoạn đó. Ngày 14/12/2022, fanpage Việt Tân đã đăng tải một bài viết có nội dung như sau:

“Các bạn nghĩ gì về ‘chỉ thị’ cho các trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội “không” cho tổ chức Lễ Giáng sinh?

Đối với Đảng, Công giáo thuộc thành phần ph.ản đ.ộng, cho nên tìm mọi cách ngăn chặn những ngày lễ quy tụ đông người. Nếu cho phép, hóa ra Đảng ủng hộ “phản động”?”

Trước hết, việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ thị cho các trường không tổ chức lễ Giáng sinh có cho thấy đạo Công giáo đang bị nhà nước Việt Nam kỳ thị hay không? Không hề có chuyện đó. Các trường học ở Việt Nam không tổ chức lễ Phật đản, người Việt Nam không được nghỉ vào ngày Phật đản như nhiều nước Phật giáo, vậy chẳng lẽ Phật giáo cũng bị kỳ thị ở Việt Nam hay sao? Chỉ cần nhìn vào điểm này, ta thấy  ngay rằng lập luận của Việt Tân không có trọng lượng.

Lý do khiến các trường học ở Hà Nội không tổ chức lễ Giáng sinh rất đơn giản: trường học ở Việt Nam không phải là tổ chức tôn giáo hay địa điểm giải trí công cộng. Và nên nhớ rằng việc này không ngăn cản học sinh dự Thánh lễ hoặc vui chơi nhân ngày Giáng sinh ở những địa điểm khác.

Một chính sách như vậy vẫn thể hiện một mức độ tự do tôn giáo lớn hơn nhiều so với chế độ Ngô Đình Diệm mà Việt Tân luôn miệng ca ngợi. Trong các ngày lễ của Thiên Chúa giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tạo nhiều điều kiện hết sức to lớn cho việc tổ chức hành lễ. Văn thư số 124 ngày 1/8/1963 của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo gửi ông Frederick E. Nolting (đại sứ Mỹ tại Sài Gòn) phản ánh: “Mỗi năm lễ Giáng sinh đều được cử hành với sự tham gia trực tiếp và hữu hiệu của Chính phủ, nào thông điệp của Tổng thống, công sở treo cờ trang hoàng, nào Công giáo độc chiếm Đài quốc gia để phát thanh trong mấy ngày liền trên hệ thống A chính thức, nào bắt toàn thể nhân viên của Phủ Tổng thống, các ông bộ trưởng, các công chức cao cấp, kể cả những người theo đạo Phật phải dự lễ nửa đêm… Quá quắt hơn hết là việc năm rồi, một hang đá (phỏng theo câu chuyện Jesus chào đời) được đặt ngay tại Tòa Đô chính, làm như toàn dân Châu thành Sài Gòn là người Thiên Chúa giáo.”

Trên núi Thiên Bút, tỉnh Quảng Ngãi vốn có nền cũ của chùa Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây nhà thờ Công giáo trên đó. Tín đồ Phật giáo địa phương phản ứng quyết liệt. Ngày 27/07/1961, quân Việt Nam Cộng hòa bắn hàng loạt đạn cối vào chùa Cao Dân, xã Tân Lộc (Cà Mau) khi 200 người dân và sư sãi Khmer đang làm lễ nhập hạ, làm 20 người chết và bị thương.

Quay trở lại với bài viết của Việt Tân, liệu có văn bản nào của nhà nước Việt Nam tuyên bố rằng Công giáo là “phản động” hay không? Việt Tân có trích dẫn được văn bản đó không? Nếu không, chẳng phải Việt Tân đang tự dựng lên người rơm để đánh?

Khác với Việt Tân mô tả,, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Quyền này được quy định trước hết tại Điều 24 Hiến pháp 2013, cụ thể như sau:

– Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

– Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

– Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Sau đó, quyền tự do này còn được quy định chi tiết hơn tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.

Nếu Việt Tân thật sự quan tâm đến vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam, họ đã trích dẫn cẩn thận những điều luật trên, và phân tích xem luật đang bị vi phạm như thế nào trong thực tế. Còn khi họ vờ như văn bản pháp luật không tồn tại để một mực chụp mũ nhà nước Việt Nam, họ chỉ góp phần gây thêm xung đột và khiến vấn đề không được giải quyết.

Yến Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét