Nga đã ngang ngược khi đơn phương tiến hành cuộc chiến với Ukraina, nhưng trước đó thì sao? Mỹ và đồng minh với những bằng chứng ngụy tạo mơ hồ về vũ khí sinh học đã tấn công Iraq, một nước có chủ quyền. NATO dội bom xuống thủ đô Belgrade của Serbia, Mỹ công nhiên thách thức chính quyền ở Syria, Nga đánh Gruzia, thu hồi bán đảo Crimea… Những ví dụ tạm liệt kê trong vài thập kỷ qua cho thấy các nước lớn tùy vào sức mạnh của mình ở thời điểm đó đã bất chấp luật lệ quốc tế thế nào chỉ để phục vụ cho lợi ích của riêng mình.
Nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng ngày nay là việc Putin muốn đưa Ukraina trở lại quỹ đạo của Nga, một nước Nga vĩ đại mà Putin đang cố gắng tái lập. Trong 8 năm qua, ông đã kết hợp sử dụng các biện pháp can thiệp quân sự trực tiếp, tấn công mạng, các chiến dịch sai lệch thông tin, dùng sức ép kinh tế và ngoại giao để cố gắng buộc Ukraina từ bỏ tham vọng lại gần hơn với phương Tây và mong muốn gia nhập khối NATO.
Kể từ sau Cách mạng Cam (2004) rồi cuộc biểu tình ủng hộ Liên minh châu Âu ở Ukraina năm 2014 hay còn gọi là Euromaidan, Putin coi việc đưa Ukraine trở lại vùng ảnh hưởng của Nga là nhiệm vụ quan trọng nhất của ông. Đây là “công việc còn dang dở ” mà ông ta phải hoàn thành nếu muốn đảm bảo di sản của mình và đi vào sử sách Nga với tư cách là một trong lãnh đạo vĩ đại nhất của đất nước mình.
Trong sách “Sự va chạm giữa các nền văn minh và quá trình sắp xếp lại trật tự thế giới”, Huntington cho rằng có một ranh giới văn minh Đông và Tây giữa lòng đất nước Ukraina. Phía Tây là người Ukraina theo Công giáo (ở đây là Công giáo phương đông – Uniate Church) và phía Đông là người gốc Nga theo Chính thống giáo phương đông – Eastern Orthodox Church). Người miền Tây Ukraina có xu hướng nghiêng về phương Tây, trong khi người miền Đông ngả về Nga.
Ngay trong ngày đầu tiên quân Nga tiến vào lãnh thổ Ukraina, Tổng thống nước này là Volodymyr Zelensky đã phải than thở trên truyền hình rằng: “Ukraina đã bị bỏ rơi, không một ai (Mỹ hay NATO) sẵn sàng sát cánh chiến đấu cùng chúng ta”. Mặc dù trước đó có nhiều “lời đường mật” ve vãn Ukraina nhưng khi cuộc chiến xảy ra thì phản ứng của Mỹ và NATO lại vô cùng yếu ớt. Chỉ là một chút ít hỗ trợ về vũ khí, khí tài và những lời động viên. Một loạt những dự thảo về trừng phạt kinh tế với Nga được đưa ra nhưng vẫn rất chung chung và không tạo sức mạnh đủ để răn đe.
Cuộc chiến ở Ukraina có thể sẽ kết thúc sớm trong một vài ngày tới khi phía Nga đạt được mục đích của mình. Nhưng từ đây rút ra nhiều bài học với thế giới trong đó đặc biệt là với Việt Nam.
Những gì đang diễn ra tại Ucraina cho chúng ta thấy rõ nhiều điều, trong đó, có những điều phải khẳng định, lý do mà Việt Nam sáng suốt lựa chọn: Không tham gia các liên minh quân sự; Không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; Không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; Không dựa vào nước này để chống nước kia. Với chiến lược ngoại giao “cây tre” Việt Nam kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt; chủ động ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến động phức tạp của tình hình.
Những ai đã và đang muốn Việt Nam quay lưng với Trung Quốc, quay mặt về phía Hoa Kỳ hoặc ngược lại để bảo vệ chủ quyền thì nên dừng suy nghĩ ngây thơ, ngốc nghếch đó lại. Tướng Vịnh từng nói rằng: “Đừng tưởng lờ Cuba đi mà người Mỹ sẽ tốt với chúng ta. Đừng tưởng căng với Trung Quốc sẽ lấy được lòng người Mỹ. Cũng đừng tưởng đóng cửa với Mỹ thì Trung Quốc sẽ nhẹ giọng với mình”. Chủ quyền do chúng ta nắm giữ, số phận do chúng ta tự quyết không phụ thuộc hoặc liên minh với bất cứ ai.
Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét