Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

Nên có cái nhìn toàn cục về cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina

 



Trong những ngày gần đây, trên các trang mạng trong nước và quốc tế tung lên hàng trăm bài viết về cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina. Ý kiến nhận định về cuộc xung đột này rất khác nhau. Không ít bài, nhân cơ hội này mà đả kích mạnh vào Tổng thống Nga V.Putin. Tổng thống Mỹ J.Biden xem “đây là cái sai của Tổng thống Nga V.Putin”, còn Tổng thống Nga Putin thì nói “đây là chiến dịch quân sự đặc biệt, chứ không phải chiến tranh”. Tôi thì nghĩ đây là cuộc xung đột quân sự thì đúng hơn. Cuộc xung đột này cả hai bên đều sai và đáng lẽ ra không nên để xảy ra. Muốn hiểu đúng về cuộc xung đột quân sự này, tôi nghĩ rằng, phải có cái nhìn toàn cục về Nga và Ucraina theo dòng lịch sử.

Ucraina trước đây là một trong 15 nước cộng hòa trong Liên bang Xôviết. Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991-1992, 15 nước cộng hòa cũng bị chia cắt. Ngày nay, Ucraina là một quốc gia thuộc khu vực Đông Âu, giáp với Nga về phía Đông, Belarus về phía Bắc, Ba Lan, Slovakia và Hunggari về phía Tây, Rumani và Moldova về phía Tây Nam và biển Đen cùng biển Adốp (Azov) về phía Nam. Ucraina có diện tích 603.548 km2, dân số 44,13 triệu người (tính đến năm 2020), tổng sản phẩm quốc nội tính đến năm 2020 là 155,6 tỷ USD, thủ đô là Kiép, Tổng thống hiện thời là V.O.Zelensky. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Ucraina. Xét về mặt thực lực, Ucraina không phải là nước lớn, nhưng cũng không phải là nước nhỏ, thuộc loại nước trung bình.

Sau khi chiến tranh lạnh1 kết thúc, ngày càng nhiều nước ở Đông Âu (trước đây là nước xã hội chủ nghĩa) gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thúc đẩy liên minh này mở rộng dần về phía Đông. Ba nước cộng hòa vùng Ban tích từng thuộc Liên Xô trước đây, gồm Éstonia, Látvia, Lítva đã tham gia khối quân sự này từ năm 2004, bất chấp sự phản đối của Nga. Nay lại thêm Ucraina cũng đang rập rình gia nhập khối NATO, đe dọa đến an ninh của Nga, làm Nga “sốt ruột và nóng mặt”. Đối với Tổng thống Nga V.Putin, sự mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa hiện hữu và viễn cảnh Ucraina gia nhập liên minh quân sự của phương Tây là “hành vi thù địch”.

Theo Hãng Truyền thông CNN, thì Nga công bố 8 đề xuất an ninh với phương Tây, trong đó, yêu cầu NATO phải rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước đã gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Éstonia, Lístva, Látvia và các nước vùng Bancăng. Nga cũng muốn NATO ngừng mở rộng về phía Đông, vì nếu cứ mở rộng về phía Đông sẽ ảnh hưởng không tốt đến Nga, không đặt vấn đề kết nạp Ucraina vào NATO và không diễn tập quân sự tại Ucraina, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kápkát nếu chưa có sự đồng thuận từ phía Nga. Nhưng phía Mỹ và các nước thuộc NATO thẳng thừng từ chối những vấn đề trên mà Nga yêu cầu.

Về phía Ucraina, đầu năm 2014, diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn tại thủ đô Kiép dẫn đến làn sóng bạo lực đòi lật đổ Tổng thống Ucraina lúc đó là V.Yanukôvích, sau khi ông từ chối ký một bản thỏa thuận chính trị và thương mại lịch sử với Liên minh châu Âu (EU).

V.Yanukôvích sụp đổ, Nga triển khai lực lượng tới Crimia và tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập bán đảo Crimia vào lãnh thổ Nga, đồng thời, hậu thuẫn phong trào ly khai ở miền Đông Ucraina, giúp lực lượng này giành quyền kiểm soát một phần vùng Đônbát, một vùng lãnh thổ dọc biên giới phía Đông giữa Ucraina và Nga.

Các cuộc đụng độ giữa quân đội và Chính phủ Ucraina và phe ly khai diễn ra. Bất chấp lệnh ngừng bắn theo thỏa thuận hòa bình Minscơ hối năm 2015, sự căng thẳng giữa hai bên vẫn không hạ nhiệt.

Trong 8 năm kể từ đó, Nga bị cáo buộc hỗ trợ lực lương ly khai ở Đônbát và tăng cường gây sức ép với Ucraina. Căng thẳng trên thực địa gia tăng từ cuối năm 2021, khi Nga tập trung hơn 150 nghìn binh sĩ cùng các vũ khí hiện đại ngay sát biên giới Ucraina.

Từ đầu tháng 2-2022 đến nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây liên tục cáo buộc Nga chuẩn bị chiến dịch đánh Ucraina.    

Giữa bối cảnh tình hình biên giới Ukraine – Nga ngày càng căng thẳng, NATO đã tăng cường khả năng sẵn sàng của lực lượng phản ứng nhanh, trong khi các nước thành viên cũng đặt binh sĩ vào trạng thái sẵn sàng và triển khai các tiểu đoàn, máy bay và tàu chiến để bảo vệ những quốc gia thuộc NATO trong khu vực.

Ngày 21-2-2022, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng là Đônét (Donetsk) và Lugan (Lugansk) thuộc vùng Đônbát, miền Đông Ucraina; đồng thời, chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân đội tới đây hỗ trợ cho hai nước cộng hòa này.

Trước rạng sáng ngày 24-2-2022, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ucraina với loạt vụ tiến công bằng tên lửa và pháo tầm xa. Bộ binh Nga cũng đã tràn vào đất nước Ucraina.

Đến rạng sáng 26-2-2022, các lực lượng vũ trang Ukraina thông báo đang giao tranh ác liệt chung quanh khu vực Vasinki (Vasylkiv), cách thủ đô Kiép khoảng 28 km về phía Nam. Các lực lượng vũ trang Nga đang tiến về thủ đô Kiép từ cả phía Bắc và phía Đông. Tổng thống V.Zelensky cảnh báo đây là quãng thời gian “khó khăn nhất” với Ukraina.

Theo Đài AFP, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, tháng 12-1994, Nga, Mỹ, Anh và Ucraina nhất trí tôn trọng độc lập, chủ quyền và biên giới của Ucraina. Thỏa thuận này nhằm đổi lại việc Ucraina từ bỏ vũ khi hạt nhân mà trước đây được thừa hưởng từ Liên Xô.

Kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô năm 1991, Ucraina dường như đã bị giằng xé giữa Nga và phương Tây. Nhiều vấn đề Ucraina lúng túng trong việc xử lý giữa cả Nga và phương Tây. Cuộc đụng độ quân sự căng thẳng giữa Nga và Ucraina đã làm cho thế giới từ “đa cực” biến thành “lưỡng cực”, một cực là Nga, còn cực kia là các nước phương Tây.   

Vào tháng 5-1997, Nga và Ucraina ký Hiệp ước hữu nghị, tỏ rõ mối quan hệ bình đẳng giữa Nga và Ucraina, nhưng Hiệp ước này không đề cập tới mối quan hệ giữa Ucraina và NATO. Hiệp ước giải quyết căng thẳng giữa Ucraina và Nga bằng cách đồng ý cho phép Nga giữ quyền sở hữu phần lớn tàu trong hạm đội Biển Đen đóng tại bán đảo Crimia, trong khi yêu cầu Nga trả cho Ucraina một khoản tiền thuê để sử dụng cảng Sêbastôpôn. Qua Hiệp ước này thấy rằng, Nga vẫn là đối tác thương mại quan trọng của Ucraina, khi Ucraina hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn dầu khi của Nga.

Vào năm 2003, khi Ucraina ký thỏa thuận với Nga, Bêlarút, Kadắcstan về không gian kinh tế chung, EU đã đưa ra lời cảnh báo đối với Ucraina, nói rằng, điều này có thể cản trở việc Ucraina hợp tác với EU.

Cuộc bầu cử Tổng thống Ucraina năm 2004, bị cáo buộc có tính gian lận và chiến thắng của V.Yanukôvích, người có xu hướng thân Nga, đã kích động các cuộc biểu tình chưa từng có trong cuộc cách mạng Cam2. Tình trạng hỗ loạn ở Ucraina đã khiến kết quả bỏ phiếu bị hủy vào tháng 12-2004, lãnh đạo phe đối lập có xu hướng thân phương Tây và V.A.Yshchenco trở thành Tổng thống Ucraina. V.A.Yshchenco khẳng định Ucraina gia nhập EU và từng bước sẽ tiến tới gia nhập NATO. Nhưng Tổng thống hiện thời V.O.Zelensky tuyên bố Ucraina không cầu xin gia nhập NATO.

Năm 2006 và năm 2009, Nga và Ucraina thường vướng vào một số tranh chấp, đặc biệt là về khí đốt, khiến nguồn cung năng lượng cho toàn châu Âu bị gián đoạn.

Thỏa thuận Minsk gồm Nga, Ukraina, Pháp, Đức diễn ra tại thủ đô của Bêlarút (Belarus) năm 2015, nhằm kết thúc cuộc xung đột khi đó đã kéo dài 10 tháng ở miền đông Ukraina. Tuy nhiên, thỏa thuận chưa từng được triển khai đầy đủ, khiến giao tranh vẫn tiếp diễn suốt 7 năm qua.

Căng thẳng ở khu vực miền đông Ukraina leo thang khi Tổng thống Nga V. Putin ký sắc lệnh ngày 21-2-2022, công nhận độc lập của hai khu vực Đônnét (Donetsk) và Lugan (Lugansk), hai vùng ly khai tại miền Đông Ukraina, đồng thời, ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này. Động thái này được đưa ra sau khi ông đã điều động hơn 100.000 quân áp sát biên giới Ucraina từ cuối năm 2021.

Còn nhiều những sự kiện khác khiến Nga và Tổng thống Nga V.Putin tức giận đối với Ucraina. Có điều là chỉ vì tức giận mà tiến hành đụng độ quân sự là điều mà nhân dân thế giới không mong muốn.

Qua sự phân tích trên đây, thấy rằng, việc Nga tiến công Ucraina là có nguyên do từ trước. Có điều là việc Nga tiến công Ucraina là phía Nga thiếu sự cân nhắc nhiều mặt, trong đó, không tính đến nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rõ nhất là giá dầu – xăng tăng và giá vàng cũng tăng đột ngột. Trong cuộc đụng độ quân sự này, lạm phát ở Nga tăng phi mã, đồng rúp mất gia nghiêm trọng…

Đánh úp mặt về mặt quân sự đối với Ucraina chưa chắc đã là bài toán đúng của Nga, trong khi vẫn có thể thương lượng bằng con đường ngoại giao hòa bình. Còn phía Ucraina thực hiện con đường ngoại giao không khôn khéo, mềm dẻo, sẵn sàng uốn cong và cũng sẵn sàng thẳng đứng như cây tre đối với Nga. Ở sát nước Nga khổng lồ mà lại hướng về EU-NATO một cách lộ liễu là điều mà phía Ucraina nên cân nhắc.

 

GS,TS Đàm Đức Vượng

 

----------------------------------------------------

1. “Chiến tranh lạnh”: Danh từ dùng để chỉ tình hình thế giới căng thẳng sinh ra sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, do việc tuyên truyền chính sách “thực lực” của một số nhóm nước phương Tây đối với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Từ đấy, danh từ “chiến tranh lạnh” được thỉnh thoảng nhắc đến với ý nghĩa áp dụng nó vao trong cách xử thế của nước này với một nước khác, nhưng không chính thức mà chỉ theo kiểu “áp dụng”.

2. “Cách mạng Cam” là hàng loạt các cuộc biểu tình mang yếu tố chính trị diễn ra tại Ucraina từ cuốc tháng 11-2004 đến tháng 1-2005, sau cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống Nga năm 2004, bị người biểu tình đã gian lận phiếu. Các cuộc biểu tình này được tổ chức bởi nhóm của ứng cử viên Tổng thống V.A.Yshchenco thuộc phe cánh đối lập với chủ trương bài Nga và ủng hộ phương Tây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét