Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

Tạm bàn về xung đột Nga - Ukraine

 Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo giữa thời cuộc, là quan điểm cá nhân. mong các bạn đóng góp ý kiến của mình về vấn đề này. Tất nhiên chúng ta là những người theo dõi, không tường tận bằng người trong cuộc. Nhưng giờ đây, tôi thấy báo chí, truyền thông phương Tây và Báo chí trung lập đang có một sự vướng mắc không hề nhẹ. Trò đùa chính trị hay chiêu bài ngoại giao của các ông lớn!...

I. Về tính đúng – sai của các bên trong cuộc chiến

Cách đây hơn 1 tháng, có anh bạn cùng đơn vị hỏi tôi, theo bác: Nga có đánh Ucraina không? Tôi nhanh chóng trả lời: “Đánh đấm gì! Theo mình là Nga không tấn công Ucraina”! Sở dĩ tôi trả lời rất nhanh theo cảm tính vậy là vì tôi không muốn 2 đất nước này xảy ra chiến tranh, bởi cả hai đều là bạn của chúng ta trong quá khứ và hiện tại. Nhưng tôi đã nhầm, ngày 24/2, Tổng thống Putin đã ra lệnh tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ucraina. Thực chất đây là một cuộc chiến tranh xâm lược quốc gia láng giềng.

Tìm hiểu các nguồn thông tin khác nhau trên báo chí, trên mạng xã hội để xem tình cảm người Việt thể hiện ra sao đối với cuộc chiến tranh này? Tôi thấy sự quan tâm không nhiều, nhất là các bạn trẻ. Trong số thể hiện ý kiến thì có thể nhận thấy sự “phân hoá” khá lớn trong thái độ ủng hộ hoặc phản đối với Tổng thống Putin khi phát động cuộc chiến tranh tại Ucraina.

Một là, tôi không đồng tình với TT Putin khi ông phát động cuộc chiến tranh xâm lược một quốc gia có chủ quyền dưới cái tên một “Chiến dịch quân sự đặc biệt”.  Nước Nga rộng lớn nhất thế giới, với diện tích 17,06 triệu km2, dân số 145 triệu người. Nga là quốc gia giàu tài nguyên bậc nhất thế giới, có nguồn lực khoa học công nghệ dồi dào. Nga là cường quốc hạt nhân, với kho vũ khí hạt nhân có sức hủy diệt vài lần sự sống trên trái đất như thế thì không một đối thủ nào, kể cả Mỹ hay Nato dám gây chiến tranh xâm lược! Những điều kiện “trời phú” như vậy thì đáng lẽ ra tập trung phát triển đất nước giàu có, hiện đại mới đúng. Khi Nga trở thành một quốc gia hùng cường đúng nghĩa thì việc thu phục bạn bè, tập hợp đồng minh (đặc biệt là các nước láng giềng) không có khó khăn gì. Và lẽ dĩ nhiên các “nguy cơ” của đất nước hiện nay cũng giảm dần đi. Sử dụng sức mạnh QS để ép buộc các dân tộc khác theo mình là khó thể chấp nhận kể cả trước mắt và lâu dài.

 Mặt khác, Ucraina là quốc gia có chủ quyền, có lịch sử-văn hoá lâu đời, thậm chí trước cả nước Nga với tư cách là một là một nhà nước (từ cuối thể kỷ 9 vùng đất miền Tây Ucraina đã ra đời nước Nga Kiev, công cuộc chinh phạt đã biến quốc gia này thành một đế quốc với lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả Nga và Bêlarut bây giờ. Một số người cho rằng mảnh đất Ucraina ngày nay là nước Nga Cổ). Có lẽ vì thế mà lòng tự trọng của họ tạo nên sức mạnh kháng cự mạnh mẽ trước quân Nga như hiện nay?

Hai là, cuộc kháng chiến mà quân và dân Ucraina đang tiến hành bây giờ được cho là chính nghĩa và vì vậy họ không đồng tình hoặc lên án TT Putin.

Song thực tế cũng phải thấy rằng khái niệm “chính nghĩa” hay “phi nghĩa” trên bình diện quốc tế ngày nay chỉ là tương đối, nó không đồng nhất về nội dung. Bước đầu bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, các bên (nước đi xâm lược hay quốc gia chống xâm lược) đều cho rằng mình là “chính nghĩa”.  Dự luận chủ yếu thì dựa vào thang điểm “cộng đồng nhân loại” để đánh giá. Còn các nhà chính trị thì họ chỉ có “lợi ích quốc gia của họ” là trên hết mà thôi.

Ba là, cuộc chiến Nga – Ucraina cho đến giờ phút này (19/3) tôi thấy chưa có dữ liệu đầy đủ về nguyên do của nó, truyền thông báo chí đưa tin nhiều.. nhưng độ tin cậy của nó cũng chưa đủ để phán xét tính tường minh mức độ câu chuyện Đúng – Sai của các phía, bản thân tôi cũng chỉ dựa vào cảm tính mà thôi. Có nhiều cuộc chiến tranh, bước đầu thấy thính đúng-sai khá rõ, nhưng kết thúc một thời gian, khi các bên giải mật nhiều thông tin liên quan đến cuộc chiến tranh mới thấy sự thật không phải là như vậy… Tôi nêu ra điều này vì mong muốn có ai đó dù phản đối hay ủng hộ TT Putin, TT Zelensky… cũng không nên dùng những từ ngữ có tính “mạt sát” hay “thù hằn” họ, biết đâu chúng ta lại thay đổi nó sau một thời gian không xa?

II. Về lá phiếu trắng của Việt Nam tại Liên hợp quốc

Ngày 3/3/2022, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ucraina, có 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống, 35 phiếu trắng. Trong số 35 nước bỏ phiếu trắng, có lá phiếu của Việt Nam.

Nhiều người tỏ ra băn khoăn về lá phiếu này, vì trước đó Đại sứ VN tại LHQ có bài phát biểu thể hiện “rất rõ ràng” quan điểm của VN đối với cuộc chiến. Thậm chí có người mới cho rằng: có sự “bất nhất” giữa nói và làm ở đây?

Tôi nghĩ thế này!

1) Ngày nay mối quan hệ quốc tế, khu vực đã có nhiều thay đổi.. Thế và lực của chúng ta hiện nay cũng khó theo kiểu “thẳng mực tàu mà đi”. VN cũng phải “cân đong”, tinh tế trong thể hiện chính kiến của mình trên trường quốc tế, miễn sao có lợi cho quốc gia dân tộc là được. Nếu suy diễn rồi đây chúng ta phải chịu “hệ quả” lá phiếu trên đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo… thì chưa hẳn. Mỗi cuộc chiến có đặc điểm, tính chất và điểm xuất phát khác nhau thì thái độ quốc tế đối với nó cũng khác nhau…, chúng ta có niềm tin vào sự ủng hộ của cộng đồng thế giới đối với sự nghiệp BVTQ của mình.

2) Trong 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, ta thấy có: Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ,  Pakixtan… là những quốc gia lớn nhất, nhì các châu lục… , việc VN bỏ phiếu trắng cũng không phải là “quá tệ”.

3) Nếu nhìn vào trang bị vũ khí Quân đội ta hiện nay để thực hiện nhiệm vụ BVTQ (và chắc rằng trong 10 năm nữa)… thì ta cũng dễ chia sẻ với lá phiếu trắng trên hơn!

III. Về mặt quân sự đang diễn ra

 Truyền thông báo chí đưa tin nhiều về diễn biến cuộc chiến. Ucraina, phương Tây nêu ra nhưng tổn thất và sự “tàn bạo” của Quân đội Nga; Nga thì khẳng định chiến dịch của họ đã và đang diễn ra đúng kế hoạch và chắc chắn sẽ thành công.  Nhìn vào những gì diễn ra “trên báo chí” hiện nay, nhiều người nghĩ Bộ chỉ huy chiến tranh và Quân đội Nga tính toán sai lầm về mặt chiến lược, chưa lường được khả năng kháng cự của lực lượng kháng chiến Ucraina. Truyền thông một số nước phương Tây còn mô tả sự chậm chạp, yếu kém trong chỉ huy, trong bảo đảm hậu cần của Quân đội Nga…

 Đã qua hơn 3 tuần tiến hành cuộc tấn công mà Nga chưa đánh chiếm được thành phố lớn nào, chưa làm chủ được không phận và chịu tổn thất khá lớn cả binh lính và phương tiện chiến tranh (tất nhiên con số này nhỏ hơn nhiều lần mà TT Zelensky đã nêu ra). Nếu đúng là vậy thì Nga đã thất bại bước đầu. Song xét toàn cục thì rất khác… Điều khác ở chỗ nào?

 1) Ngay từ đầu Nga đặt ra mục tiêu là “phi quân sự hoá” Ucraina, buộc phải trung lập. Cho đến hôm nay, tuy không chiếm giữ thành phố lớn nào nhưng theo tính toán khách quan của một số chuyên gia quân sự Anh, Mỹ, có hơn 70% cơ sở hạ tầng quân sự và phương tiện chiến tranh của Ucraina đã bị Nga tiêu diệt hoặc bị vô hiệu hoá, khả năng phản công chiến lược của U hầu như không còn.

2) Nga đã tránh được điều “nhạy cảm” của cuộc chiến là gây chết chóc nhiều cho dân chúng. Điều mà thời đại ngày nay không một ai, kể cả nhân dân Nga cho phép! Đã là chiến tranh thì có mất mát sinh mạng, nhưng hình như Bộ chỉ huy chiến tranh và Quân đội Nga đã giảm thiểu được chuyện này.

3) Ucraina là quốc gia có diện tích gần 600.000 km2, với 45 triệu dân. Quân đội Ucraina có 200.000 người (theo chế độ tình nguyện), có đầy đủ các quân, binh chủng Hải, Lục, không quân, quân đội nói chung được trang bị vũ khí thuộc thế hệ thứ 3 có độ hiện đại khá cao. Ngoài ra Ucraina có hàng chục tiểu đoàn (địa phương) thuộc Bộ Nội vụ, lực lượng này đc trang bị khá tốt, rất thông thạo địa hình, thiện chiến về chiến tranh du kích… lại có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và “căm thù Nga” rất cao. Điều đó chứng tỏ Ucraina là một “chiến trường lớn” cho bất cứ đối thủ xâm lược nào. Việc triệt tiêu sức kháng cự của Ucraina không dễ, nếu không nói là cực kỳ khó khăn. Bộ chỉ huy chiến tranh của Nga cũng nhận thức được vấn đề đó.

4) Một số ý kiến cho rằng: ý đồ của Nga là đánh bại Ucraina trong mấy chục tiếng đồng hồ, đây chỉ là suy đoán thôi, Maxcova chưa bao giờ tuyên bố như vậy. Việc sử dụng chiến thuật vây ép, tạo ra thế trận kiểu “nhì nhằng” cũng là yếu tố làm các nhà QS băn khoăn? Thông thường, theo logic tác chiến hiện đại thì bên tấn công sẽ sử dụng đòn hỏa lực mạnh mẽ, cường độ cao (dùng tên lửa, pháo binh, không quân tấn công ào ạt) làm mềm chiến trường đối phương rồi sau đó mới đưa bộ binh, xe tăng cơ động vào (với quy mô LLVT và trang bị hiện có, quân đội Nga thừa sức tác chiến kiểu như vậy).

 

Sao Nga không làm? Tôi cho rằng điều này lý giải ở mấy lý do sau:

 – Quân đội Ucraina đã phân tán về các làng mạc, cơ động về các khu dân cư… nếu tấn công vào mục tiêu có tính “lẫn lộn” như vậy thì chắc rằng nhiều sinh mạng người dân vô tội sẽ bị cướp đi tính nhạy cảm của cuộc chiến sẽ xuất hiện và Matxcova phải chịu sức ép rất lớn từ búa rìu dư luận! Mặt khác, kiểu đánh ồ ạt thì chắc rằng hạ tầng giao thông, nhà cửa, cầu cống sẽ bị tàn phá nặng nề. Và lẽ dĩ nhiên, khi cuộc chiến kết thúc người Nga cũng phải bỏ tiền ra để tái thiết lại, đây cũng là vấn lớn vì nước Nga chưa phải là quốc gia giàu có.

  – Dùng chiến thuật vây ép các tp lớn, tác chiến ngoại vi, dùng tên lửa hành trình tấn công các vị trí then chốt, kiểm soát biên giới trên bộ, phong tỏa trên biển… cho đến nay Nga đã “vô tình” buộc hàng triệu người sơ tán sang các nước châu Âu (đến nay đã hơn 3 triệu người), đây là một gánh nặng không nhỏ về kinh tế và an ninh cho các nước vốn cho Nga là kẻ thù! Tất nhiên với chiến thuật này, Nga phải chấp nhận thời gian cuộc chiến dài hơn, có thể tốn kém hơn. Như vậy, sự “chậm chạp” của Quân đội Nga trên thực địa là có ý đồ, một số tổn thất của các đơn vị QĐ Nga vừa qua theo tôi là lỗi chiến thuật chứ hoàn toàn không phải là do sai lầm của chiến lược QS. Điều này chứng tỏ Bộ chỉ huy chiến tranh của Nga không phải là “dễ đoán” như một người lầm tưởng!

 IV. Điều mà phần đông nhân loại mong muốn

 Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ucraina hiện nay không chỉ có người Nga và người Ucraina tham gia mà đang thực chất là cuộc chiến của những nước lớn, nhưng nước lớn thì khó có thể chịu thất bại! Mỹ và phương Tây phải thắng, Nga-Putin chắc chắn không bao giờ chịu thua, mà thế giới để cho dân tộc Ucraina thua… thì thật không còn “đạo lý”. Cái khó của cuộc chiến là chỗ đó. Không biết rồi đây kết cục sẽ như thế nào…? 

Không chỉ cá nhân tôi mà chắc là phần đồng nhân loại chỉ mong sao Chính phủ và giới tính hoa 2 nước “độc lập – lý trí”, dẫn dắt xuống thang chiến tranh, nhường nhịn lẫn nhau, đàm phán ngoại giao kết thúc cuộc chiến để sớm lập lại hoà bình cho dân tộc quốc gia mình. Các lực lượng cộng đồng quốc tế không nên đổ thêm dầu vào lửa; các thế lực phản động, thù địch không nên mượn sự kiện này để xuyên tạc, chống phá CNXH và Việt Nam!

Hòa bình, phát triển mới là mục tiêu của văn minh nhân loại. Đồng lòng, hợp tác, gắng sức, chung ta xây dựng thế giới hòa bình là trách nhiệm của nhân loại có lương tri!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét