Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

Vu cáo - Một chiêu trò quen thuộc

 Trên các trang mạng gần đây lại rộ lên những bài vu cáo trắng trợn Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các lực lượng chống đối Đảng vẫn đang quẫy mạnh với âm mưu phá Đảng, phá chế độ xã hội chủ nghĩa; ngụy biện rằng, “họ (những phần tử chống đối) là những con người hiếm hoi trong xã hội dám lên tiếng nói lên chính kiến của mình, nhưng họ phải chịu những án tù quá tàn ác với những gì họ đã làm. Những bản án tàn ác ấy là để gây nỗi sợ cho dân chúng, cho những người muốn nói lên chính kiến của mình. Một chính thể văn minh sẽ không dùng nỗi sợ để cai trị dân chúng. Làm thế là tự làm thoái hoá dân tộc mình, sẽ làm thui chột tư tưởng tiến bộ, tinh thần đấu tranh chống bất công. Làm thế được yên ổn trước mắt về chính trị, nhưng gây tổn hại rất nhiều về nguyên khí quốc gia. Một quốc gia chỉ phát triển rực rỡ được khi có hàng triệu triệu thanh niên trăn trở về đất nước, luôn phản biện cái xấu, cái chưa được về tất cả các lĩnh vực”. “Họ (ám chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam) vừa kém trí tuệ, vừa kiêu ngạo và rất ích kỷ, nên cố đặt cái thây ma đã mục rữa là học thuyết Mác – Lê lên bàn thờ. Họ cũng không thèm nghe những người chính trực mách bảo, can gián mà cam tâm bị bọn Trung Cộng lừa bịp với chiêu bài “cùng ý thức hệ”. “Chính vì thờ Mác – Lê và họ ôm lấy Trung Cộng nên không thể nào xây dựng được một đảng trong sạch, vững mạnh. Lý thuyết xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân do Lênin vạch ra từ đầu thế kỷ XX đã thành rác rưởi hôi hám, chỉ là các vị quá quen rồi nên vẫn cứ ngửi thấy mùi thơm”. “Họ (ám chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam) lo đến sinh mệnh của Đảng và tồn vong của chế độ mà không quan tâm đến đất nước, đến dân tộc”. Trong một bài viết khác, nhan đề: “Đảng Cộng sản Việt Nam là nguyên nhân thất bại”, nhận định một cách hồ đồ rằng, “không ít đảng viên và trí thức trong nước đã công khai chỉ trích Đảng ù lì, lãnh đạo tiếp tục cuồng tín muốn bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, khiến dân tộc mỗi ngày một lạc hậu hơn, đất nước tụt hậu hơn so với các dân tộc láng giềng”…


Rõ ràng, họ nói lấy được, xa rời thực tế mà nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã xây dựng lên từ bao năm nay. Họ nói xấu Đảng, nói xấu chế độ có tính chất vu cáo một cách vô căn cứ, thì họ phải chịu những hình phạt do luật pháp quy định. Điều 4 của Bộ luật Hình sự hiện hành nêu rõ: “Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, cá nhân phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng. Cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức của mình.  Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm”.

Xã hội ta là xã hội dân chủ, mọi công dân đều có quyền tự do trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng quyền tự do ấy phải dựa trên cơ sở của luật pháp. Điều 25 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Việt Nam hiện hành ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Nhiệm vụ của chúng ta là phải viết, phải phê phán, bác bỏ những luận điệu sai trái đó để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đó là lẽ thường tình. Còn việc bắt giam những phần tử chống đối lại là chuyện của pháp luật; xử phạt có công bằng, đúng luật hay không lại là chuyện của pháp luật. Đây là cuộc đấu tranh gay go, gian khổ, phức tạp, nên phải kiên trì và phê phán đúng.

Học thuyết Mác – Lênin là học thuyết cách mạng và khoa học, được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước mình để đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tiến tới xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh. Đó là học thuyết tiến bộ nhất hiện nay trên hành tinh Trái đất của chúng ta. Tại sao lại phải bác bỏ? Ai đó viết “lý thuyết xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân do Lênin vạch ra từ đầu thế kỷ XX đã thành rác rưởi hôi hám” là người đó không biết điều hay, lẽ phải ở đời, không biết thực chất của học thuyết Lênin, đâm ra ăn nói hàm hồ. Người nào nói: “Họ (ám chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam) lo đến sinh mệnh của Đảng và tồn vong của chế độ mà không quan tâm đến đất nước, đến dân tộc” cũng là người không biết điều hay, lẽ phải ở đời. Đảng không những quan tâm đến sự tồn vong của chế độ, mà còn rất quan tâm đến đất nước, đến vận mệnh của dân tộc, đã lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh, chống xâm lược và chống mọi bất công xã hội, đã lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa trên trên phạm vi cả nước và đã mang lại cơ đồ như ngày nay. Đó là thực tế của sự vận động xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành và do nhân dân ta thực hiện.

Chung quy lại cũng chỉ ở nhận thức đúng, sai khác nhau. Nhận thức đúng là quá trình phản ánh và tái tạo lại hiện thực ở trong suy nghĩ của mỗi con người, được quyết định bởi những quy luật phát triển xã hội và gắn liền không thể tách rời với thực tiễn. Nhận thức sai là nhận thức xa rời thực tiễn, xa rời lịch sử, nói và làm theo chủ quan duy ý chí. Mục đích của nhận thức đúng là đạt tới chân lý khách quan, phản ánh đúng thực tiễn. Nhận thức đúng là con người thu nhận được những kiến thức, những khái niệm về những hiện tượng thực tế. Nhận thức sai là con người cũng thu nhận được những kiến thức, nhưng thu nhận một cách méo mó, sai lệch so với thực tiễn (thực tế). Nhận thức đúng là con người sử dụng những kiến thức trong hoạt động thực tiễn nhằm cải tạo thế giới, cải tạo xã hội, cải tạo con người. Nhận thức sai là không phản ánh đúng thực tiễn, không phản ánh đúng cuộc sống xã hội. Bản thân nhận thức là một yếu tố cần thiết trong hoạt động thực tiễn của xã hội, bởi vì những hoạt động đó được con người thực hiện trên cơ sở thực tiễn đúng. Chỉ có gộp thực tiễn vào lý luận nhận thức mới biến lý luận nhận thức thành một khoa học thật sự, phát hiện ra những khách quan của nguồn gốc và sự hình thành những kiến thức về xã hội loài người. Nhận thức đúng là luôn luôn gắn liền lý luận với thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn. Nhận thức sai là bóc tách lý luận ra khỏi thực tiễn và phản ánh sai lệch lý luận. Thí dụ, có người nói rằng, “chính vì thờ Mác – Lê và họ (ám chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam) ôm lấy Trung Cộng nên không thể nào xây dựng được một đảng trong sạch”. Đây là một nhận thức sai hoàn toàn, cần phải phê phán và bác bỏ. Đường lối của Đảng từ trước tới nay là đường lối độc lập, tự chủ, không lệ thuộc vào bất cứ đảng phái nào, nhà nước nào. Chính đường lối đó đã đưa cách mạng đến thành công. Điều này đã trở thành hiện thực trên đất nước ta.

Lý luận là kinh nghiệm đã được khái quát trong ý thức của con người và khái quát từ trong thực tiễn, là toàn bộ những tri thức về thế giới khách quan, phản ánh thế giới khách quan một cách trung thực nhất; là hệ thống những tri thức đã được khái quát, tạo ra một quan niệm hoàn chỉnh về các quy luật và mối liên hệ cơ bản của hiện thực, là sự phản ánh và tái hiện cái hiện thực khách quan. Các lý luận có thể đóng một vai trò to lớn trong sự biến đổi cách mạng xã hội.

Còn thực tiễn là những hoạt động thực tế của con người nhằm bảo đảm cho xã hội tồn tại và phát triển lâu dài, xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Lý luận và thực tiễn là ở trong một thể thống nhất, cái này không tồn tại nếu không có cái kia và hai cái luôn luôn gắn bó với nhau.

Qua sự phân tích trên, thấy rõ những người viết bài chống đối Đảng, chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa là những người có nhận thức sai, vì nhận thức của họ không phản ánh đúng thực tiễn xã hội./.

GS,TS Đàm Đức Vượng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét