“Đảng: Thuyết tương đối chẳng là gì” là tên bài viết đăng trên Việt Nam Thời Báo, ngày 15/02/2022 của Nguyễn Huyền. Bài viết cho rằng: “Thể chế chính trị ở Việt Nam luôn khẳng định về tính tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam “mãi mãi là sao sáng dẫn đường”. Nguyễn Huyền lấy sự kiện Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện chương trình giao lưu chính luận nghệ thuật với chủ đề: “Mãi mãi là sao sáng dẫn đường” để chào mừng 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2022) vào tối 12/02, để khẳng định điều đó. Họ nhìn chương trình giao lưu chính luận nghệ thuật với chủ đề “Mãi mãi là sao sáng dẫn đường” qua lăng kính thuyết tương đối nổi tiếng của Albert Einstein, rồi kết luận: “nếu chấp nhận Đảng Cộng sản Việt Nam “mãi mãi là sao sáng dẫn đường”, có nghĩa những người cộng sản Việt Nam đeo đuổi “chủ nghĩa tuyệt đối” để cho rằng các tiêu chuẩn mà Đảng đưa ra luôn luôn đúng…”. Ô hay, thế hóa ra, từ khi có thuyết tương đối của Albert Einstein đến nay, thì mọi thứ đều luôn luôn sai à? Đành rành, chỉ có chân lý tương đối mà không có chân lý tuyệt đối, bởi nhận thức của con người luôn có giới hạn, nhưng để bác bỏ được chân lý dù là tương đối cũng đòi hỏi phải mất rất rất nhiều thời gian. Ngay cả cái thuyết tương đối của Albert Einstein mà Huyền dẫn ra làm căn cứ cũng là tương đối. Bởi đến ngày nào đó, với sự phát triển của khoa học, nhận thức hiện nay về thuyết đó lại không còn phù hợp nữa thì sao? Cứ theo “thuyết tương đối của Huyền” thì thân thể của y cũng chỉ là tương đối, lúc là hình thằng người, khi là hình của loài bốn chân sao? Huyền đang tồn tại là tuyệt đối, chỉ khi nào Huyền về chầu ông bà ông vải thì mới nói là đã chết. Vậy, khi Huyền đang lù lù một đống trên trần thế mà lại nói là đã chết thì mới đúng à? Triết lý của Huyền là vậy đó. Như thế, có phải thần kinh Huyền có vấn đề không? Thế mà chủ đề của chương trình giao lưu chính luận nghệ thuật với chủ đề: “Mãi mãi là sao sáng dẫn đường” để chào mừng 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam lại không đúng sao?
Huyền viết tiếp: “…nếu Đảng luôn tự cho mình “đúng trong mọi trường hợp”, và, “mãi mãi là sao sáng dẫn đường”, thì xem ra ví von này sẽ tác dụng ngược khi ai đó nhận xét về ngôi sao sáng ấy trong nhiều lúc, thì đó chính là “sao chổi” – và trong truyền thuyết cổ nhất mà con người được biết là “Sử thi Gilgamesh” (vị vua xứ Babylon năm 2.600 trước công nguyên) thì người ta từng đọc thấy những mô tả về bầu trời rực cháy, khí quyển đầy lưu huỳnh và những trận lũ lụt đi kèm sự xuất hiện của sao chổi…”. Đến đây thì con cáo của Huyền đã hiện nguyên hình. Nói gần nói xa, Huyền lại quay về phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vậy, xin điểm qua vài nét để bác bỏ điều phủ nhận của Nguyễn Huyền.
Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta diễn ra sôi nổi, không ngừng khắp Bắc, Trung, Nam. Đó là phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, cuộc vận động chống thuế Trung Kỳ, cuộc vận động Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, các phong trào Đông Du, Tây Du do các sĩ phu yêu nước chủ xướng, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tiến hành, v.v. Các phong trào kể trên đều sáng ngời tinh thần yêu nước, bất khuất, song tất cả đều lâm vào bế tắc và cuối cùng thất bại. Đó là sự bế tắc và thất bại về đường lối cứu nước. Và như vậy, tất cả các phương án chính trị của các giai cấp đều đã đưa ra và được lịch sử khảo nghiệm: từ đường lối cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, đến những đường lối theo lập trường nông dân, lập trường tiểu tư sản, lập trường tư sản. Đường lối của Việt Nam Quốc dân Đảng theo hệ tư tưởng tư sản tưởng chừng có cái mới, tích cực nhất lúc bấy giờ, nhưng qua khởi nghĩa Yên Bái bùng lên đã tắt ngấm vĩnh viễn chỉ còn để lại dư âm câu nói vô vọng của lãnh tụ Nguyễn Thái Học “sát thân thành nhân”. Rõ ràng “tình hình đen tối như không có đường ra”.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng và nhân dân ta thiết tha mong muốn hòa bình để xây dựng đất nước, song bọn thực dân, đế quốc đã đem quân xâm lược nước ta một lần nữa. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhân dân ta đã phải tiến hành 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 20 năm chống đế quốc Mỹ. Chưa hết, 4 năm sau đó quân dân ta phải tiếp tục đổ máu từ chiến tranh biên giới để bảo vệ Tổ quốc. Với chiến thắng oanh liệt mùa Xuân năm 1975, cả nước độc lập, thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đạt thành tựu to lớn trên tất cả các mặt, nhất là từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới đến nay.
Về kinh tế, nhờ công cuộc đổi mới mà kinh tế nước ta tăng trưởng trung bình khoảng 07% mỗi năm trong suốt 35 năm qua. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước liên tục được nâng lên, từ 6,3 tỉ USD (năm 1989) lên 342,7 tỉ USD (năm 2020), đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư trong ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu năm 1990 mới chỉ 2,4 tỉ USD, thì năm 2020 đã lên hơn 280 tỉ USD (tăng gần 117 lần trong vòng 30 năm). Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của đất nước phát triển khá nhanh với nhiều công trình lớn, hiện đại, làm cho diện mạo của đất nước có nhiều tiến bộ. Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Chỉ sau một tháng thực hiện Nghị quyết này, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 11 tháng năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 so với tháng trước tăng 44,6% về số doanh nghiệp, 38% về vốn đăng ký, 30,2% về số lao động. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi. Tính đến ngày 20/11/2021, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỉ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 599,12 tỉ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 299,67 tỉ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ kinh tế phát triển, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ đạt khoảng 250 USD/năm, đến năm 2020 đạt 3.521 USD, đứng thứ sáu trong ASEAN.
Về xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Các vấn đề an sinh xã hội luôn được quan tâm chăm lo, ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, hay của đại dịch Covid-19. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn 5,8% (năm 2016) và dưới 03% (năm 2020) theo chuẩn nghèo đa chiều của Chính phủ. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; quan tâm hơn giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng nguồn nhân lực có sự cải thiện đáng kể, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% (năm 2010) lên khoảng 65% (năm 2020). Tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40%, vượt chỉ tiêu đề ra. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 02 năm; đến cuối năm 2020 có 63% số xã đạt chuẩn, vượt mục tiêu đề ra (50%). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 76,5% (năm 2015) lên 90,7% (năm 2020). Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng gần 46% từ năm 1990 đến năm 2019, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Năm 2019 HDI của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước phát triển con người cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển về kinh tế.
Đánh giá về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo đất nước, mới đây, tờ Business Times (Singapore) trong bài viết “Tiếng gầm của một con hổ mới châu Á – Roar of a new Asian tiger”, nói về Việt Nam đã viết: “Từng nằm trong số các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, nền kinh tế của quốc gia này hiện đang phát triển vượt bậc. Ngân hàng Thế giới mô tả đây là một trong những quốc gia mới nổi và năng động nhất trong toàn bộ khu vực Đông Á”. Thiết nghĩ điều đó đã bác bỏ cách nói vô căn cứ của Nguyễn Huyền./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét