Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Dấu hiệu của kẻ “tâm thần chính trị”

 Trên mạng xã hội xuất hiện bài viết có nhan đề “Người Việt Nam đương đại có lý tưởng gì?” của Đoàn Bảo Châu, nếu chỉ nhìn vào cái title dễ làm người ta liên tưởng đến một nghiên cứu tầm cỡ của một học giả. Nhưng thật đáng tiếc, nó chỉ là những lập luận, dẫn chứng ngô nghê nhằm chửi bới, thóa mạ chế độ, đồng thời nó cũng không giấu đi được sự hả hê, hợm hĩnh của một kẻ nghĩ mình là người “nổi tiếng”. Xin được tìm hiểu đôi chút về nhân vật này. Đoàn Bảo Châu được giới thiệu là: Võ sư, nhà văn, kỹ sư cơ khí và máy tính, phóng viên tự do… Nói ngắn gọn, đây là một kẻ “liên tài”!


Đoàn Bảo Châu vốn xuất thân và hành nghề võ sư. Có lẽ kiếm ăn thì được, nhưng chưa nổi tiếng, thế là ông này nhảy sang viết văn ở tuổi 40. Nghe nói ông ta dùng tới 6 năm để hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Khói”. Ngày sách ra đời, mấy cuộc họp báo giới thiệu sách được tổ chức ở những nơi sang trọng khác nhau. Các nhà phê bình được mời đến, các ông này lập tức trổ tài “khen cho mày chết”. Một ông bảo: “Khói được đọc liền mạch trong một đêm (gần 600 trang) và bị câu chuyện ám ảnh” (?). Còn ám ảnh cái gì, ở đâu thì ông không nói. Một ông khác lại phán: “Khói là sự dung hợp của bút pháp tự sự cổ điển và hiện đại của tác giả”. Kinh chưa! (Các cụ bảo nhau: Khen nhau như thế bằng mười hại nhau). Còn ông Chủ tịch Hội đồng văn xuôi khi đó quả quyết: “Khói ra đời cuối năm 2013 nên không thể đưa vào xét giải thưởng của Hội nhà văn trong năm, nhưng cuốn tiểu thuyết này sẽ là một ứng cử viên nặng ký cho mùa giải năm 2014”. Nhưng hỡi ôi! “Khói” của ông Đoàn Bảo Châu đã bay theo gió cùng với những lời có cánh của các nhà phê bình trong lúc trà dư, tửu hậu. Mùa xét giải năm 2014 của Hội Nhà văn, chẳng ai nhớ tới ứng cử viên nặng ký “khói” của Đoàn Bảo Châu đâu nữa.

Cố đọc cho hết “khói” cũng không thể không nín cười khi nhớ lại lời của nhà phê bình Bùi Việt Thắng trong buổi ra mắt sách. Sau khi vẫn dùng những lời có cánh như thường lệ, ông vẫn phải buông: “Do Đoàn Bảo Châu giỏi ngoại ngữ nên câu văn rất Tây, ngôn ngữ không biến hóa, nên cứ miêu tả khói là lại “bập bùng”. Xin lỗi, chắc nhà phê bình khen tác giả “giỏi ngoại ngữ” để nói tránh, hoặc không nỡ nói: Chú mày chỉ mạnh cơ bắp nên đến khói mà cũng bập bùng! Riêng Đoàn Bảo Châu tự sướng khi chia sẻ trên Facebook thế này: “có một ông anh nói với tôi rằng: Anh ám ảnh bởi Khói. Nó rất lạ và rất đời. Anh tin rằng em sẽ khó viết được cuốn thứ hai tốt hơn, vì em đã dốc cạn vốn rồi”. Ông anh nói chuẩn quá. Mình cảm thấy đúng như vậy nhưng cũng hy vọng không phải vậy”! Thưa các nhà văn đáng kính, dẫu biết rằng “văn mình, vợ người” nhưng mà hão huyền và hợm hĩnh thế này thì không ai chịu được. Có lẽ chưa thấy đủ Ep-phê với vụ Khói, 3 năm sau, năm 2017 Đoàn Bảo Châu thách đấu với cao thủ Vinh Xuân Pierre Francois Florens gây xôn xao dư luận. Tuy không trái quy định thách đấu nhưng người ta khó hiểu khi ông ta làm việc này, vì ngoài vấn đề đai đẳng, cao thủ Vinh Xuân cao 1,91m nặng hơn 90 kg còn ông này chỉ 1,61m nặng 60 kg. Xem clip thì thấy, Đoàn Bảo Châu không có được một miếng đòn nào thể hiện đẳng cấp võ sư, chỉ loáy ngoáy được vài thế võ lèo khèo và chỉ hơn 1 phút đã bị cao thủ Vinh Xuân đá cho ngã sấp mặt. Thất bại ê chề, toàn diện nhưng Đoàn Bảo Châu đã “gặt hái” được một thứ hết sức quan trọng mà ông ta muốn đó là: sự “nổi tiếng”, cách nổi tiếng theo kiểu Đen Vâu, Khá Bảnh vừa làm. Lướt qua Facebook ChauDoan gần đây người ta thấy ông ta đã tìm ra được “lý tưởng” hay nói đơn giản hơn là “con đường” chống Đảng, đả kích chính quyền…  

Trở lại bài viết của kẻ hợm, hão và láo xược Đoàn Bảo Châu. Trước hết, xin bàn về lý tưởng là gì? Lý tưởng sống của con người là gì? Nhà cơ bắp, võ sư Đoàn Bảo Châu ngay khi mở bài đã viết: “Tôi biết, từ “lý tưởng” có vẻ xa vời, mơ mộng và cao siêu với người việt Nam đương đại” và “Với tầng lớp lao động thì càng xa vời bởi điều họ ao ước là xây được nhà, con cái được học hành, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái để rồi mỗi dịp giỗ tết, chúng sẽ thắp nén hương cho tổ tiên. Đời chỉ có vậy. Nghĩ xa xôi làm gì? Viển vông vô ích! Chính vì vậy mà ở nông thôn Việt Nam, con cái được vào ngành công an là tự hào ghê lắm. Vừa oai, vừa có tiền, ai chẳng thích?”. Điều này càng chứng tỏ Đoàn Bảo Châu thích “lập ngôn”, nhưng cái đầu lại rỗng tuếch, không hiểu gì một khái niệm cơ bản. Lý tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta phấn đấu để đạt tới. Lý tưởng được hiểu là giá trị, nguyên tắc một định hướng và suy nghĩ tích cực cho mục tiêu của mình, đồng thời giữ cho mục tiêu đó luôn quan trọng nhất, cao nhất so với những mối quan tâm nhỏ nhặt bên ngoài khác. Một người luôn giữ vững định hướng của mình dù có bao nhiêu tác động cũng không thay đổi là người có lý tưởng của bản thân. Lý tưởng của một người không cần phải quá cao siêu, phải đem lại nhiều giá trị cho xã hội, phải ghi tên mình vào bảng vàng dân tộc, hay phải “nổi tiếng” như cách mà Đoàn Bảo Châu đã làm mấy năm vừa qua, mà có thể rất đơn giản như “cả đời phải trở thành một người lương thiện”. Đoàn Bảo Châu đã hiểu sai “lý tưởng sống” sang “nhu cầu sống”. Mà những nhu cầu sống của người lao động như ông viết đâu có gì sai, xấu, hàng triệu người trên hành tinh này cũng chỉ cần có vậy. Còn việc ông cho là “con cái được vào ngành công an…” cho oai, cho có tiền, thì đó chỉ là cách tư duy theo kiểu “từ bụng ta suy ra bụng người”, xin không chấp.


Thứ hai, ông Châu cho rằng: “Tiếc thay, với tôi thì hình như mấy triệu đảng viên cũng có vẻ chẳng có lý tưởng gì cao siêu và đẹp đẽ. Họ vào đảng không phải với khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước mà để vinh thân phì gia, để có một tấm vé bước vào đường quan lộ, trong lòng rỗng tuếch lý tưởng nhưng giả vờ tin, giả vờ hô để hưởng lợi”. Đây lại là một sự quy chụp vô lối, cố tình xuyên tạc, bôi nhọ Đảng của Đoàn Bảo Châu. Không phủ nhận thời gian qua vẫn còn một bộ phận cán bộ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái, vi phạm pháp luật đã bị phát hiện và điều tra, xử lý. Song phảikhẳng định, chưa bao giờ công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đặt ra cấp bách và khẩn thiết như ngày nay. Đó cũng là thể hiện một thái độ đúng đắn, nghiêm túc, dám và biết nhìn thẳng vào sự thật, một tinh thần chiến đấu không khoan nhượng nhằm bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi đảng viên không ngừng tự giác, rèn luyện học tập, tu dưỡng để nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống với phương châm suốt đời phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, lấy ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân làm lý tưởng hành động. Nhiều tấm gương tích cực, điển hình về lối sống, nhân cách của cán bộ, đảng viên được nhân rộng. Đặc biệt là trong những lúc đất nước gặp thiên tai, dịch bệnh như thời gian qua. Việc làm, hành động của họ góp phần củng cố, tăng cường niềm tin, mối quan hệ giữa Đảng với dân.

Đoàn Bảo Châu tự khoe là một võ sư nhưng có lẽ thiện hạ chỉ biết đến ông này khi bị đá sấp mặt chỉ trong hơn 1 phút thượng đài. Đã thế lại tập tọe lập ngôn bằng cách viết văn, chắc cũng để tự sướng. Cả hai lĩnh vực này Đoàn Bảo Châu đều làm xấu mặt văn đàn và võ đài Việt Nam. Nhưng từ khi “nổi tiếng” và bị đá sấp mặt thì kẻ này lại lảm nhảm viết bài đả kích Đảng, chống phá đất nước như một kẻ bị bệnh “tâm thần chính trị” thì không thể chấp nhận được. Có lẽ cần phải có một biện pháp hay chế tài để xử lý với kẻ lộng ngôn, nửa ông nửa thằng này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét