Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

"Một nửa cái Bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật"

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã từng trải qua không biết bao cuộc chiến tranh xâm lược; Và để giành lại độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, dân tộc ta đã đoàn kết một lòng, đứng lên đấu tranh kiên cường, anh dũng và cũng chịu không ít những mất mát, hi sinh. Trong số đó chắc hẳn nhiều người không quên cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.


Trong bài “Nhìn lại trận chiến biên giới phía Bắc 1979” của Việt Tân có đoạn viết “bỗng dưng năm nay, Ban Tuyên Giáo CSVN lại cho phép báo đài tập trung viết về cuộc chiến biên giới và tô đậm hình ảnh xâm lược của Trung Cộng qua cuộc chiến này. Đây là ý đồ gian manh của phe nhóm Nguyễn Phú Trọng nhằm trút hết trách nhiệm cuộc chiến biên giới cho Đặng Tiểu Bình và nhóm lãnh đạo cũ, để cho thấy sự “không can dự” của phe nhóm Tập Cận Bình mà Nguyễn Phú Trọng đang dựa vào. Nói cách khác, việc cho báo chí kể tội xâm lược nhân 40 năm cuộc chiến biên giới là một âm mưu tuyên truyền vừa ra vẻ ta đây yêu nước và chống hành vi xâm lược của nhóm Đặng Tiểu Bình, vừa biện minh cho thái độ thân thiện của Trọng với Tập Cận Bình mà không bị mang tiếng là thân với kẻ thù”. Với góc độ của một người dân, nhiều năm sống ở vùng biên cương của Tổ quốc, được chứng kiến cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979, xin được chia sẻ đôi điều.

Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc giàu truyền thống đòan kết, nhân văn, hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, luôn vun đắp cho nền hòa bình và sự tiến bộ chung của thế giới. Nhưng khi bị đe dọa về độc lập, chủ quyền lãnh thổ thì dân tộc Việt Nam quyết đoàn kết một lòng đứng lên đấu tranh để bảo vệ, gìn giữ. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động khoảng 60 vạn quân cùng 500 xe tăng, xe bọc thép, hàng ngàn khẩu pháo các loại… mở cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Khi đó, để bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, quân và dân Việt Nam đã anh dũng, kiên cường đứng lên đấu tranh. Với lòng yêu nước được hun đúc hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với ý chí kiên cường, dũng cảm, với sự đoàn kết một lòng đã tạo nên sức mạnh to lớn giúp nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 5/3/1979, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rút quân và ngày 18/3/1979, hoàn thành việc rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, hàng nghìn chiến sỹ và nhân dân ta đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ, gìn giữ độc lập, chủ quyền của dân tộc. Việc Trung Quốc mở cuộc tiến công dọc tuyến biên giới phía Bắc của Tổ quốc và những hy sinh mất mát của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh này là sự thật lịch sử. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia. Những sự thật lịch sử không thể bóp méo cũng không thể đảo ngược! Đã là chứng tích lịch sử thì không cần phải “cho phép” hay “không cho phép” thì nó vẫn là sự thật, không thể muốn làm cho “phai nhạt” hay “tô đậm” lên là được. Vì thế cho nên không có chuyện “bỗng dưng năm nay, Ban Tuyên Giáo CSVN lại cho phép báo đài tập trung viết về cuộc chiến biên giới và tô đậm hình ảnh xâm lược của Trung Cộng qua cuộc chiến này” như lời của Việt Tân.

Cho đến nay, cuộc đấu tranh bảo vệ bien giới phía Bắc đã trải qua 43 năm, quãng thời gian đó có thể coi là quá nửa đời người. Chúng ta đã chịu nhiều mất mát, hi sinh trong cuộc đấu tranh này. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi ghi nhớ, trân trọng sự hi sinh anh dũng của những người đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập tự do và chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Nhưng không vì thế mà chúng ta mang những điều trong quá khứ để quy tội hay áp đặt cái nhìn tiêu cực cho thế hệ sau này. Chúng ta chiến đấu là để chống lại sự xâm lược biên giới, lãnh thổ chứ không chiến đấu để chống nhân dân nước láng giềng. Hơn nữa, mọi thứ cần được đánh giá, nhìn nhận cho công bằng. Cuộc đấu tranh đã diễn ra cách nay 43 năm, nên  nó đã là quá khứ, lịch sử ấy thuộc về 43 năm về trước. Điều đó là rõ ràng. Chúng ta có nhắc lại lịch sử là để cho các thế hệ hôm nay và mai sau biết ơn và trân trọng sự hi sinh anh dũng của cha anh, đồng thời cũng là để trân trọng giá trị của hòa bình; chúng ta nhắc lại là để nhắc nhở cho các thế hệ hãy cùng nhau đoàn kết một lòng, giữ gìn truyền thống yêu nước, nhân văn, cùng vun đắp để hướng tới những điều tốt đẹp, xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị. Vậy thì làm gì có “ý đồ” hay “âm mưu” gì như Việt Tân cố tình suy diễn, xuyên tạc: “Đây là ý đồ gian manh của phe nhóm Nguyễn Phú Trọng nhằm trút hết trách nhiệm cuộc chiến biên giới cho Đặng Tiểu Bình và nhóm lãnh đạo cũ, để cho thấy sự “không can dự” của phe nhóm Tập Cận Bình mà Nguyễn Phú Trọng đang dựa vào”. Hơn nữa, Việt Nam có lãnh thổ riêng, chủ quyền riêng,mọi chủ trương, đường lối là do Đảng và nhà nước ta đề ra, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện của đất nước, nhằm mục đíchđể xây dựng một đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Vậy nên không thể nói Việt Nam “dựa vào” Trung Quốc dưới thời của Tập Cận Bình.

Dân tộc Việt Nam với bề dày lịch sử văn hóa mấy nghìn năm, vốn là dân tộc giàu lòng yêu nước, trải qua các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và sự đoàn kết dân tộc đã được hun đúc và chứng minh. Vì thế không cần phải dựa vào việc nhắc lại cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 thì mới thể hiện được lòng yêu nước. Lòng yêu nước của dân tộc ta được kết tinh trong trái tim và huyết quản của mỗi người từ bao đời, bao thế hệ. Vì thế không cần phải mượn cớ gì để“làm ra vẻ ta đây yêu nước”, càng không phải là “một âm mưu tuyên truyền” như Việt Tân khẳng định.

Trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, việc Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước để thúc đẩy sự phát triển của đất nước cũng như đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Đảng ta đã xác định “nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế”. Trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Việt Nam đã có chiều dài 72 năm (18-1-1950 / 18-1-2022). Trong suốt quá trình đó, mối quan hệ giữa hai nước có những lúc thăng trầm, nhưng tựu chung vẫn là hữu nghị, hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Như đã nói, truyền thống của dân tộc ta là nhân văn, hòa hiếu, chính vì vậy chúng ta không quên lịch sử nhưng cũng không mang quá khứ để soi chiếu vào hiện tại và tương lai để rồi có cái nhìn ác cảm, tiêu cực. Cuộc sống của mỗi người cũng vậy, chúng ta phải cùng nhau hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Cho nên mặc dù giữa nước ta với nước bạn còn những điều chưa thể thống nhất, nhưng những gì liên quan đến quyền lợi của quốc gia, dân tộc, đến chủ quyền, lãnh thổ thì chúng ta nhất định kiên quyết đấu tranh bảo vệ đến cùng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng hòa bình và luật pháp quốc tế. Cùng với đó cần thiết đẩy mạnh quan hệ đối ngoại hợp tác để phát triển. Chính vì thế ở đây không có chuyện nhằm “biện minh cho thái độ thân thiện của Trọng với Tập Cận Bình mà không bị mang tiếng là thân với kẻ thù” như lời của Việt Tân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét