Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

Bảo vệ lịch sử Đảng là “ăn quả nhớ người trồng cây”!


1. Lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta về công ơn của Đảng, biết trân trọng, bảo vệ “pho lịch sử bằng vàng”[i] như bảo vệ báu vật của dân tộc, tài sản của quốc gia. Bởi lẽ, pho sử bằng vàng ấy ngày càng được vun đắp, tô thắm, ghi lại những chiến công hiển hách, những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam; thể hiện phong phú, sinh động cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của Nhân dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng để bảo vệ Đảng, không những là bảo vệ nền tảng tư tưởng, thành quả cách mạng, tổ chức và cán bộ, đảng viên của Đảng, mà còn là bảo vệ thanh danh, uy tín của Đảng đối với Nhân dân và củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, chế độ.

Trên mạng xã hội xuất hiện những luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảngphủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin; kêu gọi từ bỏ lý tưởng cộng sản và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; xuyên tạc Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng; phủ nhận vai trò lãnh đạo, công lao, đóng góp của Đảng; đòi đổi tên Đảng, kêu gọi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; xuyên tạc và phủ nhận thắng lợi, thành tựu cách mạng Việt Nam; thổi phồng sai lầm, khuyết điểm; xuyên tạc đoàn kết nội bộ Đảng và thân thế, sự nghiệp, tư tưởng cách mạng, đời tư của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thanh niên, sinh viên cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về lịch sử Đảng để “tự miễn dịch” và tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng. Các tổ chức cơ sở Đảng, Mặt trận, chính trị – xã hội, thanh niên, hội sinh viên tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm; xây dựng chuyên đề lồng ghép vào sinh hoạt thường kỳ, câu lạc bộ, đội nhóm; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, diễn thuyết, kể chuyện về tấm gương cán bộ, đảng viên chiến đấu, hy sinh anh dũng, bị tù đày, tìm cách vượt ngục, phong thái hiên ngang khi ra pháp trường; tổ chức viết bài đấu tranh (chính danh và ẩn danh)… Đặc biệt coi trọng đấu tranh trực diện trên không gian mạng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, hiệu quả: bài viết, thơ văn, chế nhạc, video clip, tranh ảnh, bình luận/chia sẻ thông tin; tranh thủ những người có ảnh hưởng lớn với cư dân mạng để thông qua họ đưa tin về cái tốt, phản đối cái xấu.

2. Tri thức lịch sử, trong đó có lịch sử Đảng cung cấp hiểu biết quá khứ để phục vụ cuộc sống hiện tại và đoán định tương lai. Bởi vậy, các nhà sử học Hy Lạp cổ đại từng kết luận: “Lịch sử là cô giáo của cuộc sống, là bó đuốc soi đường đi tới tương lai”. C.Mác và Ph.Ănghen có quan niệm: Sử học là khoa học duy nhất vì mọi khoa học đều phải dựa vào sự kiện từ lịch sử. Đến V.I. Lênin khẳng định: Sử học là một bộ phận của khoa học xã hội kết hợp với giai cấp vô sản trở thành vũ khí mạnh mẽ. Lãnh tụ Hồ Chí Minh từng làm nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử khi ở Liên Xô và đã căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta”[ii].

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi trở thành nhà quân sự lỗi lạc, vốn là thầy giáo dạy lịch sử ở trường phổ thông. Nhà văn Nga Trécnưsepki từng viết: “Có thể không biết, không cảm thấy say mê học tập môn toán, tiếng Hy Lạp hoặc Latinh, môn hóa học, có thể không biết hàng nghìn môn khoa học khác, nhưng dù sao đã là người có giáo dục mà không yêu thích lịch sử thì chỉ có thể là một con người không phát triển đầy đủ về trí tuệ”[iii]. Thậm chí, Tom Polgar – nhân viên cao cấp tòa đại sứ Mỹ ở Việt Nam, một trong những người Mỹ cuối cùng di tản khỏi Việt Nam năm 1975, sau này đã viết: “Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử”[iv]. Quân phong kiến phương Bắc ba lần thất bại trước một cách đánh của quân nước Việt trên sông Bạch Đằng (các năm 938, 981, 1288) cũng có nguyên nhân thiếu thành thật với quá khứ.

3. “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc sống an bình hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của Nhân dân ta… Máu đào của các liệt sĩ ấy làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”[v]. Lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng nhắc nhở chúng ta phải nâng cao tránh nhiệm bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, kiên quyết bảo vệ “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng; vững tin vào thắng lợi con đường cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Lê Mật

[i] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb CTQG, HN, tập 12, tr.401-406.

[ii] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb CTQG, HN, tập 3, tr.255.

[iii] Phan Ngọc Liên (1983): Chỉ tịch Hồ Chí Minh với công tác sử học, Nxb Giáo dục, HN, tr.8,30,31

[iv] https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/xuyen-tac-lich-su-chinh-la-pha-hoai-tuong-lai-572280

[v] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb CTQG, HN, tập 12, tr.401.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét