Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Tương lai của đất nước

             Tết Nhâm Dần đang cận kề, mọi người dường như bận rộn hơn để sắm sửa, đường phố cũng tấp nập hơn ngày thường. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch covid-19 nên có lẽ tết cũng không được phấn khởi, tươm tất như mọi năm. Dịch covid-19 ảnh hưởng tới toàn cầu, không chừa quốc gia nào.

Ở nước ta, tình hình dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm qua cũng khiến cho nhiều mặt của đời sống xã hội gặp khó khăn, trong đó tác động không nhỏ tới tốc độ phát kiển kinh tế, giải quyết việc làm, tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp, đời sống của nhân dân… Nhân đọc bài “Tương lai của đất nước” của Phạm Minh Vũ trên trang Việt Tân nói về hình ảnh 1 cậu bé nằm ngủ bên lề đường và từ đó suy diễn rồi nhận định về chế độ, đất nước, xin có vài điều chia sẻ với bạn đọc. 


            Câu chuyện về những trẻ em lang thang, cơ nhỡ không phải là đề tài mới và cũng không riêng gì chỉ có ở Việt Nam, kể cả ở các quốc gia phát triển như Mỹ được coi là cường quốc số 1 của thế giới thì cũng vẫn có những người dân nghèo, vô gia cư. Hơn nữa, nói đến sự phát triển của một đất nước là người ta nói đến cái tổng thể xét trên các phương diện, lĩnh vực của đời sống xã hội chứ không phải chỉ xét đến từng cái đơn lẻ hay 1 cá nhân, 1 sự việc cụ thể. Vì thế không thể lấy một hình ảnh cụ thể về đứa trẻ lang thang cơ nhỡ để đánh giá và quy kết cho cả chế độ và tương lai của đất nước. Đất nước Việt Nam có phát triển hay không, phải dựa trên thực tế mọi mặt của đời sống xã hội như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Để dễ dàng hơn, chúng ta hãy làm một phép so sánh với những năm trước đây thì sẽ thấy rõ. Mặc dù 2 năm nay do ảnh hưởng của đại dịch covid 19 khiến cho nhiều lĩnh vực gặp khó khăn nhất định. Song nhìn tổng thể, các mặc của đời sống xã hội vẫn được đánh giá ở mức bình ổn, phát triển, nhất là bộ mặt ở các khu đô thị, thành phố phát triển nhanh vượt bậc; còn các vùng miền cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư. Nhiều công trình, dự án, giao thông, cơ sở hạ tầng được xây dựng, văn hóa, xã hội phát triển rộng khắp, nhu cầu và chất lượng thụ hưởng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Theo báo cáo thống kê, ước GDP năm 2021 tăng 2,58%; tính thu nhập bình quân 1 người/tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, cụ thể năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 14,2; năm 2011 giảm còn 11,76%; năm 2012 giảm còn 9,6%; năm 2013 giảm còn 7,8%; năm 2014 giảm còn 5,97%; năm 2015 dưới 5%; năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, thiên tai, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều (tính đến nhiều mặt, nhiều yếu tố) ước khoảng 4,4%.

Như vậy rõ ràng cho thấy Đảng, Nhà nước ta quan tâm đã tới vấn đề xóa đói, giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội. Riêng trong năm 2021, dịch bệnh covid -19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, kinh tế nước ta, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định (chưa từng có tiền lệ) nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, quan tâm, hỗ trợ người nghèo, người lao động. Cụ thể: Chính Phủ đã ban hành các Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Quốc hội khóa XV; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19 để bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của nhân dân…



Theo con số thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động (kinh phí 13.033 tỷ đồng); trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác với (kinh phí 58.449 tỷ đồng). Tính riêng tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 là hơn 33.564 tỷ đồng, hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng. Tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 5.438 tỷ đồng; nhóm chính sách này hỗ trợ cho 375.857 đơn vị sử dụng lao động và gần 11,4 triệu người lao động. Đối với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, theo báo cáo, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ là trên 25.810 tỷ đồng (tương đương 245% kế hoạch dự toán), hỗ trợ trên 18 triệu đối tượng. Trong đó, trên 1,21 triệu người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ với tổng số tiền 4.259 tỷ đồng; 482.265 người lao động ngừng việc được hỗ trợ gần 635 tỷ đồng; 2.650 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 10,5 tỷ đồng; 24.400 người lao động mang thai và 376.385 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động đã được hỗ trợ bổ sung với mức 01 triệu đồng/người.

 Đối với gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116 của Chính phủ, theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết cho 12,8 triệu lao động nhận tiền từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp,  với số tiền hỗ trợ trên 30.300 tỷ đồng. … Với những con số nêu trên, rõ ràng chúng ta thấy rằng, mặc dù trong điều kiện tình hình dịch bệnh covid-19 ảnh h\ưởng nặng nề tới toàn cầu, nhưng Đảng, Nhà nước ta, các cấp, bộ, ngành, địa phương cũng đã cố gắng nhất có thể để hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, để hướng tới một đất nước phát triển giàu mạnh, không còn hộ nghèo, những người già neo đơn và những trẻ em lang thang, cơ nhỡ thì cần có thời gian, lộ trình và phải là sự phấn đấu, nỗ lực, chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, không thể giải quyết ngay trong ngày một, ngày hai được. Chính vì thế không thể lấy hình ảnh 1 em bé ngủ bên lề đường để đánh giá, quy kết và đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước: “Em sinh ra nơi mà lãnh đạo suốt ngày miệng thì nói những lời viển vông, hoa mỹ, có cánh để mị Dân – nào là: Không có ai bị bỏ lại phía sau, nhưng chỉ có em thì bị bỏ bên lề đường. Nào là trẻ em là tương lai của đất nước… Miệng thì họ nói rất hay, nhưng tay thì tìm cách vơ vét, xà xẻo dù cho vét cả giang sơn, cả xương máu đồng bào. Dù cho đem cả Dân tộc này lên đoạn đầu đài thì quan chức, lãnh đạo cũng không chùn tay”.

Trong bài viết, Phạm Minh Vũ còn nói rằng “cả hệ thống chính trị áp phe để cùng xà xẻo 4 ngàn tỉ thuế Dân, qua một công ty có tên Việt Á”. Điều này là vô lí. Vụ Việt Á, như các bạn đều biết hiện vẫn đang trong qúa trình mở rộng điều tra. Kết quả cuối cùng như thế nào phải đợi các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Không thể vì vụ Việt Á mà quy chụp cho tất cả các cấp lãnh đạo và cả hệ thống chính trị.  

Cuối bài, Phạm Minh Vũ đưa ra kết luận “Chúng ta, hãy nhìn đứa bé này để thấy tương lai của đất nước ta, một tương lai nghèo đói ăn bờ ngủ bụi đang bao trùm lên đất nước ta một ngày không xa”. Nói như vậy là sự quy chụp, không khách quan, toàn diện. Hình ảnh một đứa bé lang thang, cơ nhỡ không thể là biểu tượng để đại diện cho sự phát triển hay tương lai của cả đất nước. Hơn nữa, nhìn vào thực tế, những năm qua, đất nước ta vẫn trên đà phát triển. Nhất là những năm tới chúng ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác song phương, đa phương, toàn diện với các nước trên thế giới. Cùng với quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, chúng ta có thể đặt niềm tin và hy vọng vào một tương lai tươi sáng của đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét