Thứ nhất, chúng cho rằng: “Tham nhũng là căn bệnh kinh niên, là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam – chế độ độc đảng cầm quyền”; “ Chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng”; “Do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng tất yếu xảy ra”; “Tham nhũng là điều tất nhiên, hiển nhiên, dĩ nhiên và được thực hiện ngang nhiên trong chế độ cộng sản độc tài”; “Tham nhũng, đó cũng chỉ là một biến thể tất yếu bên cạnh các biến thể khác như bạo lực, bất nhân, dối trá và lừa đảo. Tất cả có nguồn gốc từ loại virus gốc là virus mang tên cộng sản” ;“ Bộ máy tham nhũng vẫn miệt mài hoạt động bất kể hoàn cảnh, điều kiện nào”; “không được tham nhũng thì hệ thống đảng sẽ tự rệu rã và tự giải tán”;… Những giọng điệu trên đây của chúng chỉ là sự lợi dụng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu chế độ ta và từ đó chúng hô hào muốn chống tham nhũng thành công thì phải thực hiện xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và thực hiện đa đảng. Vậy thì, bọn chúng giải thích ra sao về các vụ tham nhũng xảy ra ở rất nhiều nước trên thế giới. Tôi chỉ nêu một số vụ điển hình ở một số nước như: Vụ Park Geun – hye nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị cáo buộc 18 tội danh, nghiêm trọng nhất là cáo buộc nhận hối lộ 59,2 tỷ Won (52,7 tỷ USD) từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Tổng thống Brazil, Luiz Inacio da Silva nhận hối lộ 3,7 triệu Real (1,2 triệu USD), bị tòa án kết án 10 năm tù giam; Joseph Estra de cựu Tổng thống Philippines tham nhũng 11,7 triệu USD bị tù chung thân; Arnoldo Aleman Cựu Tổng thống Nicaragoa tham nhũng 100 triệu USD bị kết án 20 năm tù giam; Pavlo Lazarenko cựu thủ tướng Ukraine biển thủ 200 triệu USD; Ron Calderon, thượng nghị sỹ của tiểu bang California và rất nhiều vụ tham nhũng của các quan chức cấp cao xảy ra ở Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Anh, Nga, Mỹ, Canada, Brazin, các nước châu Phi … Các nước này có phải do Đảng Cộng sản cầm quyền không ? có phải độc đảng không ? Chúng cố tình quên rằng, tham nhũng là tệ nạn toàn cầu và xuất hiện từ rất sớm, ngay từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước. Nói đến nhà nước là nói đến quyền lực – một quyền lực to lớn, thậm chí vô biên, theo đó sự lạm quyền, lộng quyền, quyền lực có nguy cơ bị “tha hóa” là điều rất dễ xảy ra. Tham nhũng là con đẻ của quyền lực, ở đâu có quyền lực thì ở đó tất yếu tiềm ẩn và sẽ có tham nhũng. Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Trong nền kinh tế thị trường, “xã hội thị trường” sẽ hình thành một cách tự nhiên. Xã hội thị trường là một phương thức sống mà trong đó, các giá trị thị trường thâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống con người. Trong xã hội thị trường đồng tiền chi phối xã hội, ảnh hưởng đến cách nghĩ, cách ứng xử và đạo đức xã hội. Sự lên ngôi của đồng tiền kích thích lòng tham, cái xấu, cái ác trong mỗi con người. Do vậy, dù là tổng thống, thủ tướng, quan chức cao cấp đã rất giàu nhưng vẫn tham nhũng, vẫn nhận hối lộ. Mặt trái của kinh tế thị trường thì không có quốc gia nào không phải đối mặt. Cần phải khẳng định rằng tham nhũng là tệ nạn tồn tại ở mọi quốc gia, mang tính toàn cầu và nó có trong mọi thời đại từ cổ chí kim (chỉ khác nhau ở mức độ tham nhũng mà thôi). Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng thì rất nhiều nhưng tuyệt nhiên không phải do chế độ chính trị hay do đảng phái nào nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Thứ hai, Chúng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc rằng: Chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất chỉ là sự “đấu đá tranh giành quyền lực của các phe nhóm”, là “thanh trừng nội bộ, làm suy yếu hoặc triệt tiêu phe cánh”. Chúng xuyên tạc việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực ở nước ta “là một cái cớ để các phe nhóm trong Đảng đưa nhau ra tòa, vào tù trong cuộc chiến giành quyền và lợi trong đảng”… Chúng dựng nên những câu chuyện về các phe nhóm trong nội bộ ở Trung ương và địa phương. Chúng bịa đặt, đồn thổi trong nội bộ của Đảng ta có nhiều phe phái, nào là phe đảng, phe chính phủ, phe miền Nam, phe miền Bắc, phe ông này, phe ông kia… rồi dự báo phe nào đang lên, phe nào thắng thế và để thắng thế thì cần phải loại bỏ, thanh trừng phe cánh của đối thủ … Với các luận điệu này, chúng nhằm mục đích chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và chế độ ta, reo rắc hoài nghi trong nhân dân, xuyên tạc quan điểm và mục đích của Đảng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Đảng ta đã luôn thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” nên thực tế trong nội bộ Đảng, nhất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là những tập thể đoàn kết, nhất trí cao, không có phe, có cánh nào như bọn chúng bịa đặt, tưởng tượng ra. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta” và “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Hơn nữa không ai có thể tin theo chúng rằng trong số hàng trăm nghìn cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có khoảng 130 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch một số tỉnh, thành phố, sỹ quan cấp tướng …) lại chỉ thuộc vào phe nào, cánh nào đang thất thế.
Thứ ba, chúng chống phá công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của Đảng.
Chúng nhặt nhạnh khai thác tình tiết, diễn biến của từng vụ án, từng phiên xử, rồi bình luận, xuyên tạc sự thật, xuyên tạc bằng chứng để đi đến kết luận “nhiều cán bộ bị đẩy vào bi kịch, vào vòng oan nghiệt”, “ấm ức chịu tội thay”. Chúng so sánh mức án trong vụ án này với mức án trong vụ án kia với cùng tội danh rồi cho rằng người này được ưu ái, người kia quá khắc nghiệt, thậm chí bênh vực kẻ phạm tội. Từ sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà chúng cho đó là “sự thất bại nặng nề của công tác nhân sự của Đảng”.
Chúng triệt để lợi dụng các vụ án tham nhũng để bôi nhọ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Chúng biến sai phạm phải xử lý của cá nhân một số cán bộ thành bản chất của cả đội ngũ cán bộ, công chức, cố tình quy chụp và vơ đũa cả nắm “tất cả cán bộ, công chức lãnh đạo đều là sâu mọt, đều là những kẻ tham nhũng chỉ khác nhau là kẻ đã bị lộ và kẻ chưa bị lộ”.
Chúng còn lo thay cho Đảng ta rằng: “nếu cứ xử lý cán bộ tham nhũng thì không còn người làm việc trong các cơ quan công quyền” và xử lý cán bộ tham nhũng như hiện nay sẽ làm “thui chột sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người tâm huyết”.
Chúng ta đều biết rằng, trong nhiều năm qua nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, xử lý công khai, nghiêm minh, đúng pháp luật. Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta là đấu tranh phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ”. Đảng viên ở bất kỳ cương vị công tác nào, giữ chức vụ gì đang đương chức hay đã nghỉ hưu vi phạm đều bị xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới, không “rút kinh nghiệm” chung chung. Từ năm 2013 đến năm 2020 cả nước đã có hơn 1.900 vụ án tham nhũng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. 131.000 đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 30 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang). Năm 2021 đã có 25 cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật ( 04 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 02 nguyên Bộ trưởng, 05 Thứ trưởng, 10 sỹ quan cấp tướng và một số chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, thành phố).
Đảng và Nhà nước ta xử lý cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân đạo, nhân văn; có lý, có tình, sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Qua các phiên tòa xét xử mọi người dân đều thấy rõ các tình tiết giảm nhẹ như: người phạm tội tự thú; tự giác, thành khẩn khai báo; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, tự giác khắc phục hậu quả; phạm tội lần đầu; có thân nhân tốt; có thành tích trong quá trình công tác; là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng … đều được vận dụng xem xét trong từng vụ việc, từng con người cụ thể. Những người bị xử lý kỷ luật, bị rơi vào vòng lao lý đều thừa nhận hành vi phạm tội, thừa nhận tội lỗi của mình (không một ai bị đẩy vào vòng oan nghiệt), nhưng đều là quá muộn. Có người rơi nước mắt, cúi đầu xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân. Mục đích kỷ luật là để “trị bệnh cứu người”, cảnh tỉnh, răn đe đối với cán bộ, đảng viên ở các cơ quan công quyền “không dám tham nhũng”. Mục tiêu của phòng, chống tham nhũng là để ngăn chặn, xử lý cái xấu, khuyến khích và lan tỏa cái tốt, đó cũng chính là mục tiêu xây dựng con người, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Một điều nữa cũng cần phải nói là dù sắp tới đây còn có nhiều cán bộ, đảng viên tiếp tục bị pháp luật xử lý, nhưng cũng chỉ là một bộ phận do thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống, bị cám dỗ của quyền lực, địa vị, tiền tài … làm cho suy thoái, sa ngã, bị xử lý kỷ luật, bị tù tội. Họ chỉ là những cành cây hỏng phải cắt bỏ để cho cả thân cây xanh tốt.
Thứ tư, chúng ta đấu tranh phòng chống tham nhũng càng có kết quả chúng càng chống phá quyết liệt.
Khi công tác phòng, chống tham nhũng của ta chưa đạt được kết qủa như mong muốn thì chúng cho rằng: “Đảng và Nhà nước ta không chịu chống tham nhũng”. Biện pháp chống tham nhũng của Việt Nam là “nửa vời”, là “chỉ tắm từ vai”, “chỉ bắt được những con cá nhỏ”,“để chỉ đánh bóng tên tuổi” và “không thể chống tham nhũng thành công”… Hiện nay, khi công tác phòng, chống tham nhũng đạt được những kết quả quan trọng, rất được lòng dân thì chúng lại tức tối, sôi lên rằng “đã đến hồi các phe cánh quyết tử với nhau” hay là “củi đưa vào lò càng nhiều thì lãnh đạo cộng sản càng hả hê”; “việc phòng chống tham nhũng không được sự ủng hộ của người này, giới kia”… Chúng liệt kê những vụ việc trong thời gian qua, thống kê danh sách những người có chức có quyền bị xử lý kỷ luật, bị phạm tội rồi quy kết “sự mục ruỗng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam”.
Đảng ta đã xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài; gắn công tác phòng, chống tham nhũng với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt. Có thể nói chưa bao giờ lại có nhiều đảng viên, cán bộ cao cấp vướng vào vòng lao lý vì tham nhũng, cố ý làm trái pháp luật như những năm vừa qua. Phải xử lý cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước cho thấy sự nghiêm khắc, quyết liệt và quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời chúng ta cũng đau xót khi phải thi hành kỷ luật nhiều cán bộ của Đảng mà trước đây họ là những cán bộ, đảng viên tốt, có nhiều đóng góp cho đất nước. Trong các nguyên nhân dẫn đến có nhiều cán bộ bị pháp luật xử lý trong đó có cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nguyên nhân do thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng. Ngày 18 tháng 11 năm 2021 trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã phân tích: “ Nếu bản lĩnh chính trị anh tốt, không bị lôi kéo thì làm gì mà tham nhũng. Nếu đạo đức trong sáng, giữ gìn liêm sỉ thì làm gì mà tham nhũng. Cái đó là cái gốc”.
Chúng ta nhận thức rằng: Tham nhũng trên nhiều lĩnh còn nghiêm trọng, phức tạp, với nhiều biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội, vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Chống phá Đảng, Nhà nước ta, chống phá chúng ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là bản chất, là thuộc tính của các thế lực thù địch. Chúng sẽ quyết liệt chống phá chúng ta mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện và thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhưng sự chống phá của chúng dù thủ đoạn tinh vi, nham hiểm đến đâu cũng không thể chia rẽ nội bộ của Đảng, chia rẽ giữa Đảng với nhân dân.
Với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước, với kinh nghiệm và kết quả đạt được trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng: Tham nhũng nhất định được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét