Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Hồ Chí Minh với Tết Bính Tuất (1946)

 
                                                    "Năm mới Bính Tuất

                                                           Phụ nữ, đồng bào

                                                                Phải gắng làm sao…

Gây "Đời sống mới"
                                                                                                (Gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất-1946) 


              Mặc dù công việc lãnh đạo đất nước nặng nề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên việc đón Tết cổ truyền của dân tộc, đặc biệt đón Tết Bính Tuất là Tết đầu tiên sau khi nước nhà giành được độc lập.

 Ngày 20/1/1946 (tức ngày 18 tháng Chạp năm Ất Dậu), Hồ Chí Minh  đã viết Thư gửi đồng bào nhân dịp Tết cổ truyền sắp đến trong đó có đoạn: “Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui xuân mừng tết với những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận, những gia quyến các chiến sĩ, những đồng bào nghèo nàn. Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui về Tết, Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”. Cũng trong dịp này, Hồ Chí Minh còn có thư gửi một số giới. Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng có đoạn: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Trong Thư gửi phụ nữ Việt Nam có đoạn: “Năm mới Bính Tuất/Phụ nữ đồng bào/Phải gắng làm sao/Gây “Đời sống mới”. Trong Thư gửi báo Quốc gia có đoạn:”Tết này mới thực Tết dân ta /Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia /Độc lập đầy vơi ba chén rượu /Tự do vàng đỏ một rừng hoa /Mọi nhà vui đón xuân Dân chủ/Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hoà”. Sáng mồng Một Tết, Hồ Chí Minh khai bút bằng Thư gửi đồng bào và chiến sĩ  như sau: “Hôm nay là ngày mồng Một Tết năm Bính Tuất. Ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi thay mặt Chính phủ chúc đồng bào năm mới muôn sự tốt lành. Tôi riêng chúc các gia quyến của các chiến sỹ thân yêu năm mới vui vẻ. Năm mới, đồng bào ta sẽ phấn đấu cho một đời sống mới, ai cũng góp sức vào cuộc kháng chiến lâu dài để làm cho nước ta được hoàn toàn tự do, độc lập”. Cuối thư còn có câu thơ tặng đồng bào: “Trong năm Bính Tuất mới/Muôn việc đều tiến tới /Kiến quốc chóng thành công/Kháng chiến mau thắng lợi.” và câu thơ tặng các chiến sĩ: “Bao giờ kháng chiến thành công/Chúng ta cùng uống một chung rượu đào/Tết này ta tạm xa nhau/Chắc rằng ta sẽ Tết sau vui vầy”. Nội dung các bức thư chúc  tết nói trên của Hồ Chí Minh là những lời chúc tràn đầy niềm vui khi đất nước đã giành được độc lập, tự do cũng như lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ quyết tâm bảo vệ nền độc lập và thống nhất của  Tổ quốc cùng với những lời văn, câu thơ phù hợp với các đối tượng nhận thư.

Không chỉ có thư chúc tết, Hồ Chí Minh còn trực tiếp đến một số gia đình tiêu biểu thuộc các tầng lớp trong xã hội không chỉ để chúc tết mà còn để tìm hiểu hoàn cảnh sinh sống của các tầng lớp nói trên. Chiều ngày 1 – 2 – 1946 (tức 30 tết) Hồ Chí Minh cùng lái xe, hai bảo vệ và thư ký là ông Vũ Kỳ đi chúc tết. Khi biết ông Vũ Kỳ lo lắng về số người đi cùng ít và khó bảo đảm an toàn, nhất là khi các thế lực chống phá chính quyền mới hoạt động rất quyết liệt, Hồ Chí Minh nói với ông Vũ Kỳ: “Dân ta rất tốt. Chú phải tin vào dân”. Trong cuốn sách ” Bác Hồ sống mãi với chúng ta”, ông Vũ Kỳ có kể lại việc này và coi lời nhắc nhở của Hồ Chí Minh là bài học quý báu đối với ông. Lúc đầu, đoàn đến thăm một hộ nghèo ở trong ngõ phố Hàng Đũa (nay là phố Lương Sử). Khi đoàn vào nhà thấy chủ nhà đang ốm nằm trên chõng tre, không có chăn nên đắp chiếu với ngọn đèn dầu leo lét. Hồ Chí Minh nói với đoàn về cảnh ngộ của chủ nhà: “30 Tết mà chẳng có Tết” và dặn đoàn hôm sau mang thuốc, quà, thiếp chúc tết đến chủ nhà này. Sau đó, Hồ Chí Minh đến chúc tết gia đình ông Từ Lâm (bán sách cũ ở Cửa Nam); một gia đình buôn bán ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông); một gia đình công chức ở phố Hàng Lọng (nay là phố Lê Duẩn) và thăm Cố vấn Bảo Đại. Chiều 30 tết, sau khi nhận được bài thơ thêu trên vóc hồng của thi sĩ Ngân Giang (lúc đó là Chủ tịch Hội Phụ nữ thành Hoàng Diệu-Hà Nội ) gửi tặng, Hồ Chủ tịch đã gửi tặng lại thi sĩ Ngân Giang câu thơ lục bát: “Gửi lời cảm tạ Ngân Giang / Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”.

Theo lời kể của ông Vũ Kỳ: “Vừa về đến nhà (số 8 Lê Thái Tổ) lúc 21g30, Bác và tôi cải trang đi đón giao thừa ở đền Ngọc Sơn. Chập tối, các đường phố vắng vẻ là thế, mà lúc này, người người nối đuôi nhau trên các nẻo đường đổ về hồ Hoàn Kiếm đón giao thừa. Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn chật ních người…Bác như đang hoà vào không khí vui xuân với người dân Hà Nội”. Năm ấy, người dân Hà Nội không thể ngờ rằng, một vị Chủ tịch Chính phủ của một nước mới giành được độc lập, không quản hiểm nguy, lại bận trăm công nghìn việc đã cùng người dân chung vui đón giao thừa với lòng tin tuyệt đối vào người dân Hà Nội.

Sáng mồng một Tết, Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết Sở Cảnh sát Trung ương ở phố Hàng Trống, đến Nhà hát Thành phố chúc Tết đồng bào và đọc lời Chúc mừng năm mới. Buổi trưa, Hồ Chí Minh cùng anh em Vệ quốc đoàn đón Tết ở Bắc Bộ phủ. Buổi chiều, Hồ Chí Minh đến thăm thương, bệnh binh Pháp tại Bệnh viện Đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện Quân đội 108) và Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức), đến Ấu trĩ viên (nay là Cung Thiếu nhi) chia kẹo và ăn Tết cùng các cháu nhi đồng.             

Không chỉ đón Tết Bính Tuất mà khi mới trở về nước năm 1941 sống và hoạt động ở Pác Bó (Cao Bằng), Hồ Chí Minh vẫn giữ truyền thống đó. Nhiều bà con trong các  dân tộc ở Cao Bằng kể lại rằng, vào dịp tết, Hồ Chí Minh đã tự tay vẽ một bức tranh Phật treo trên vách đá cho bà con có chỗ lễ, mừng tuổi mỗi người đến chúc tết một xu gói trong giấy hồng điều theo phong tục truyền thống của dân tộc. Từ Tết Bính Tuất đến các ngày tết sau này, Hồ Chí Minh vẫn duy trì việc viết thư hoặc làm thơ chúc tết, đi chúc tết đồng bào và chiến sĩ, khuyến khích việc trồng cây, bảo vệ môi trường trong dịp tết. Việc Hồ Chí Minh vui đón tết cùng đồng bào và chiến sĩ trong Tết độc lập đầu tiên cũng như trong các tết sau này cho thấy Hồ Chí Minh không chỉ  đồng cảm với  dân, chung vui với niềm vui của dân, chia sẻ với nỗi khổ của dân mà còn trân trọng những truyền thống tốt đẹp  dân, những giá trị văn hoá quý báu của dân tộc.

Có một số người cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa quốc tế nên coi nhẹ dân tộc. Một số người khác lại cho rằng Hồ Chí Minh theo chủ nghĩa dân tộc. Mới đây trong tập 3 của bộ phim tài liệu 10 tập tên là “Mùa Đông 1991” do Thông Tấn Xã Việt Nam phát hành tháng 12/2021 nhân 30 năm sự kiện Liên Xô sụp đổ, cho biết, trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã kiên trì quan điểm giai cấp vô sản phải liên minh với các dân tộc thuộc địa mới có thể đưa cách mạng đến thắng lợi. Quan điểm này là thiểu số trong Quốc tế Cộng sản vào những năm 30 của thế kỷ trước và bị cho là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc. Song toàn bộ cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh nói chung cũng như hoạt động của Hồ Chí Minh trong những ngày tết nói riêng cho thấy Hồ Chí Minh là hiện thân của sự thống nhất giữa chủ nghĩa quốc tế trong sáng và chủ nghĩa dân tộc chân chính, hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa quốc tế hư vô và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Đã qua hơn 70 cái xuân xanh , giá trị của tinh thần dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn luôn tồn tại trường tồn, ngày càng phát triển và sáng tạo trong thời đại hiện nay./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét