Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

"Họ" - tư cách nào để cáo buộc Việt Nam?

 Như thông lệ, cứ vào dịp chuẩn bị kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12), một số tổ chức lấy danh “nhân quyền” như Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) có trụ sở tại New York (Hoa Kỳ) lại ra tăng các luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. 

Luận điệu được họ đưa ra là tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong những năm qua chưa được cải thiện đáng kể; Việt Nam vẫn là một trong những nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, như: “chà đạp quyền con người”, “phân biệt đối xử với tôn giáo, tín ngưỡng”, vu cáo Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, chính quyền gia tăng đàn áp những người “hoạt động dân sự”, “bất đồng chính kiến”, giam giữ nhiều “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”, v.v. Dưới dạng những “thư ngỏ”, “thông cáo”, họ kêu gọi một số nước và các tổ chức quốc tế thúc ép Việt Nam trả tự do cho những “tiếng nói bất đồng” đang bị giam giữ và có những cải thiện về nhân quyền”. Thực chất đó là việc lợi dụng chiêu bài “nhân quyền” để thúc đẩy các quốc gia, tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ, hướng lái theo ý đồ của họ; là công cụ nhằm can thiệp, gây khó khăn cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia vào các hoạt động quốc tế, khu vực.

Nhân quyền là vấn đề còn những cách hiểu khác nhau, chính bởi vậy quan niệm về vấn đề này không có sự thống nhất giữa các quốc gia. Tuỳ theo góc độ tiếp cận, quan điểm chính trị, lợi ích giai cấp mà các quốc gia có những quan niệm khác nhau về quyền con người. Ở Việt Nam, nhân quyền được hiểu là những giá trị cơ bản mà con người giành được trong lịch sử đấu tranh cải tạo tự nhiên và xã hội nhằm khẳng định địa vị chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, pháp lý của mình. Đó là tổng thể các nhu cầu, năng lực, tự do, nhân phẩm của con người với tư cách cá nhân và cộng đồng xã hội được ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong hệ thống luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế.

Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không ngừng mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người. Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”. Đồng thời, nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Sự cố gắng và thành quả của Việt Nam trong việc đảm bảo và thực thi quyền con người đã được nhiều tổ chức quốc tế, chính giới các nước ghi nhận, đánh giá cao; đặc biệt là nỗ lực bảo đảm quyền con người trong đại dịch COVID-19, được cộng đồng các quốc gia ASEAN đánh giá cao. Đồng thời, tham gia đóng góp tích cực vào định hình các chuẩn mực quốc tế về bảo đảm quyền con người, đặc biệt quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, v.v. Và trong lúc cả nước đang gồng mình chống lại đại dịch COVID-19, việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 3.035 phạm nhân vào đúng dịp Quốc khánh 02/9/2021 đã thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc; phản ánh rõ sự ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Với những nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.Đó là sự thực không thể bác bỏ!

Mặc dù những tổ chức quốc tế nhân danh bảo vệ “nhân quyền” ra sức xuyên tạc, vu cáo Việt Nam, song nực cười ở chỗ: chính họ lại vi phạm các quy định của quốc tế về nhân quyền. Cụ thể, hoạt động của một số tổ chức về nhân quyền trên vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quốc tế không can thiệp các vấn đề thuộc thẩm quyền của quốc gia khác theo Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Tuyên bố những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc: “Không quốc gia nào hay nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất kỳ lý do gì vào công việc đối nội và đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào khác. Can thiệp vũ trang và tất cả các hình thức can thiệp hay đe dọa chống lại tư cách của quốc gia hay chống lại các đặc trưng chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia đó – đều là vi phạm luật pháp quốc tế”.

Và họ cố tình “quên” Điều 1 của Công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”; “Các quốc gia thành viên Công ước này, kể cả các quốc gia có trách nhiệm quản lý các lãnh thổ ủy trị và các lãnh thổ quản thác, phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”.

Chúng tôi xin nhắc để các tổ chức mượn danh “nhân quyền” biết rằng: ở bất kỳ quốc gia nào, quyền của mỗi công dân phải gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Tại Việt Nam cũng như ở bất kỳ quốc gia có chủ quyền, người nào vi phạm pháp luật phải bị xử lý theo quy định pháp luật. Hoàn toàn không có việc Việt Nam vi phạm nhân quyền thông qua các hoạt động tố tụng như khởi tố, bắt giữ, điều tra, truy tố, luận tội, xét xử trước tòa án. Ở Việt Nam không có khái niệm, danh xưng nào gọi những đối tượng vi phạm pháp luật là những nhà “bất đồng chính kiến” hay “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” như những luận điệu mà các tổ chức chống phá đưa ra.

Như vậy, bất chấp những quy định của luật pháp quốc tế và sự thực về bảo đảm quyền con người của Việt Nam, những tổ chức mang danh “nhân quyền” nói trên vẫn lấy cớ can thiệp, cáo buộc bằng cách làm sai lệch bản chất các vụ việc diễn ra trên thực tế để quy chụp, bôi lem tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Với việc vi phạm các quy định luật pháp quốc tế về nhân quyền, hoạt động có mục đích, động cơ xấu, chống phá, can thiệp vào nội bộ nước khác bằng thủ đoạn bóp méo, xuyên tạc sự thật về nhân quyền, rõ ràng những tổ chức này không có tư cách để nói về nhân quyền, đánh giá và cáo buộc “Việt Nam vi phạm nhân quyền”./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét