CHUYỂN GIAO NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH, CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE KHI BAN HÀNH LUẬT BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ LÀ PHÙ HỢP VÀ CẦN THIẾT TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY.
KỲ 1: SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ CỦA VIỆC CHUYỂN GIAO
Việc chuyển giao nhiệm vụ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an là phù hợp với mục tiêu của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải quyết được những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đang đặt ra hiện nay đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng người lái xe về kỹ năng điều khiển, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông, phòng ngừa hạn chế tai nạn giao thông.
Bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội để bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người. Các thành tố chính để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gồm: người điều khiển phương tiện giao thông, phương tiện giao thông, người và phương tiện kết nối với hạ tầng giao thông. Trong đó, người điều khiển phương tiện giao thông vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông. Do đó để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe.
Hành vi của người tham gia giao thông là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành nội hàm khái niệm “bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ”. Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông ở Việt Nam xảy ra trên 334 nghìn vụ, làm chết 101 nghìn người, làm bị thương trên 336 nghìn người. Đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chủ yếu chiếm trên 90% số vụ, trong đó nhiều lái xe có kỹ năng điều khiển, kiến thức pháp luật an toàn giao thông và ý thức tự giác chấp hành pháp luật còn kém. Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp lái xe dương tính với ma túy, vi phạm nồng độ cồn, sử dụng giấy phép lái xe giả...đây là nguyên nhân gây ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, gây bức xúc dư luận, rất đáng báo động trong thời gian qua. Tình trạng coi thường pháp luật, chống người thi hành công vụ, gây tai nạn giao thông bỏ chạy, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, ma túy... diễn biến rất phức tạp.
Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là các nội dung quan trọng, xuyên suốt, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe khi tham gia giao thông, quyết định đến trật tự an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Quá trình xây dựng các điều khoản về quản lý hành vi của người tham gia giao thông liên quan đến các khâu từ đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe quy định trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa Công ước Viên về Giao thông đường bộ năm 1968 và tham khảo luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, trước khi ban hành Luật Giao thông đường bộ năm 2001, tại các văn bản quy phạm pháp luật các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (trong đó có công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe) được tách bạch với việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, lực lượng Công an có nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cụ thể: Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1962; Nghị định số 348 ngày 03/12/1955 ban hành luật đi đường bộ; Quyết định liên bộ số 176 ngày 09/12/1989 ban hành điều lệ trật tự an toàn giao thông vận tải đường bộ; Nghị định 36 ngày 29/5/1995 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.
Như vậy, việc quy định vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ góp phần đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhằm khắc phục những hạn chế bất cập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra với mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền con người, phòng ngừa, hạn chế thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông; lập lại kỷ cương, nề nếp xây dựng nền giao thông thông minh, tôn trọng pháp luật; quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán từ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe. Do đó, việc chuyển giao nhiệm vụ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an là phù hợp với mục tiêu của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải quyết được những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đang đặt ra hiện nay đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng người lái xe về kỹ năng điều khiển, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông, phòng ngừa hạn chế tai nạn giao thông.
Còn tiếp (Kỳ 2: Đánh giá tác động và sự hợp lý của việc chuyển giao)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét