Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

 

BA MỤC TIÊU CƠ BẢN CỦA VIỆC SỬA ĐỔI LUẬT CƯ TRÚ.

--------------------------------------------------------

3 mục tiêu cơ bản của việc sửa đổi Luật Cư trú đó là: Bảo đảm yêu cầu không để cản trở, ngăn trở quyền tự do cư trú của công dân; xác định vị trí pháp lý của công dân trên lãnh thổ Việt Nam; để các cơ quan nhà nước quản lý các hoạt động của công dân.

Sáng 21/10, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ X, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội thảo luận dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phối hợp với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

> 3 mục tiêu cơ bản trong sửa đổi Luật Cư trú.

Làm rõ thêm 1 số nội dung của dự án Luật, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh 3 mục tiêu cơ bản của việc sửa đổi Luật Cư trú đó là: Bảo đảm yêu cầu không để cản trở, ngăn trở quyền tự do cư trú của công dân; xác định vị trí pháp lý của công dân trên lãnh thổ Việt Nam, công dân dù ở đâu cũng phải có vị trí pháp lý trong giao dịch của cuộc sống; mục tiêu thứ 3 là việc đăng ký nơi thường trú tạm trú là để các cơ quan nhà nước quản lý các hoạt động của công dân. Việc đăng ký này không được làm phiền hà cho công dân, không tạo cơ hội cho các bộ nhũng nhiễu. “Cơ quan chức năng có quản lý nhưng không được nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân. Vấn đề này cả Ban soạn thảo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu thống nhất” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

> Bỏ hộ khẩu, sổ tạm trú ngay từ 1/7/2021.

Nội dung thứ 2 Bộ trưởng Tô Lâm đề cập, đó là thời gian chuyển tiếp sau khi dự án Luật có hiệu lực. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án về chuyển tiếp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sau khi Luật có hiệu lực. Đó là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có thời gian chuyển tiếp đến 31/12/2022. Phương án 2 là Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 01/7/2021. “Chúng tôi kiến nghị thực hiện phương án 2, bởi đối chiếu năng lực và thực tiễn thì chúng tôi có thể đảm bảo thực hiện ngay được. Bên cạnh đó, khi Luật có hiệu lực thì hành thì căn cước công dân là giấy tờ có giá trình pháp lý thì không cần thiết giữ lại loại giấy tờ khác (sổ hộ khẩu, sổ tạm trú). Nếu không dứt khoát sẽ rất phiền hà cho người dân và cả cơ quan quản lý.” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm trăn trở: “Bỏ sổ hộ khẩu là điều mong ước của người dân, đây thay đổi mang lại phấn khởi cho người dân nên chúng tôi quán triệt phải thực hiện bằng được theo đúng tiến độ. Trong phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất ủng hộ việc xoá bỏ sổ hộ khẩu, tránh gây phiền hà, những nhiễu cho người dân. Đúng là sổ hộ khẩu hiện nay có rất nhiều quy định “ăn theo”, chính vì vậy, phải thay đổi phương thức quản lý trong cả hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước”.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết thêm, hiên nay, dự án cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đã thu thập được 90% thông tin, chỉ còn công việc chỉnh lý, sửa đổi, phúc tra là có thể vận hành được. “Chúng tôi đã có lộ trình thực hiện. Đề nghị Quốc hội giới hạn thời gian để các cơ quan phải có lộ trình thực hiện, tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử. Đối với gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ và hàng chục thủ tục ở các cấp chính quyền địa phương đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, bảo đảm có thể thực hiện thông suốt, thống nhất ngay từ ngày 1/7/2021” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

> Không cần chủ hộ cho phép vẫn có thể chuyển hộ khẩu.

Vấn đề thứ 3 các đại biểu quan tâm đó là các khái niệm về thường trú, tạm trú, lưu trú, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các khái niệm trên đã được quy định rất cụ thể trong Luật. Cụ thể, mỗi người phải có nơi cư trú hợp pháp, đó là nơi thường trú. Ngoài nơi thường trú cố định thì có thể tạm trú, lưu trú ở nơi khác trong khoảng thời gian nhất định nào đó.

“Về quy định thường trú thì không quy định diện tích tối thiểu bởi vì trên thực tế, có gia đình chỉ có 1 căn hộ vài chục m2 đã sinh sống nhiều đời tại căn hộ đó thì bố mẹ, con cái, cháu chắt nếu vẫn ở đó thì vẫn được đăng ký thường trú. Quy định 8m2 mới được đăng ký thường trú chỉ áp dụng đối với người ở nhờ, ở thuê” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, việc bỏ hộ khẩu giấy còn tạo điều kiện cho những trường hợp ly thân, ly hôn nhưng không thể chuyển khẩu/không chịu chuyển khẩu ra khỏi nhà chồng cũ/vợ cũ vì chủ hộ không đồng ý. “Trên thực tế, có hàng nghìn người sau khi ly hôn không thể chuyển được hộ khẩu đi vì chồng/bố mẹ chồng – những người chủ hộ không cho chuyển. Sau khi Luật có hiệu lực thì cơ quan quản lý sẽ căn cứ trên quyết định của Toà án để chuyển hộ khẩu cho công dân đến nơi thường trú mới”- Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và nhấn mạnh Luật Cư trú sửa đổi là cải cách rất lớn. Nếu chúng ta quản lý công dân, quản lý cư trú tốt thì không phải tổng điều tra dân số vì đã được quản lý theo hệ thống, rất chính xác, góp phần giảm rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cư trú;...

•Ảnh: Bộ trưởng Tô Lâm giải trình trước Quốc hội./cand.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét