Ngày 01/3/2024 trang facebook Việt Tân-Hạnh Nhân với tựa đề Hứa thật nhiều: “Ngạo nghễ cả quá khứ và tương lai nhưng hiện tại thì quá ảm đạm. Chính những kẻ đề ra mục tiêu còn chẳng tin là làm được, thì lấy ai tin?…”. Những luận điệu nêu trên là phi khoa học, không có cơ sở về lý luận và thực tiễn, gây tâm lý hoài nghi, dao động, làm giảm sút niềm tin trong nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên cần phải bị bác bỏ.
Như chúng ta thấy, mục tiêu, lý tưởng, lợi ích của Đảng luôn thống nhất với mục tiêu, lý tưởng, lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam, xây dựng một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, thịnh vượng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Kinh tế nước ta tiếp tục là điểm sáng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%. Năm 2023 đạt hơn 5%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; lần đầu tiên GDP của nước ta đạt mức 430 tỷ đô la Mỹ (USD), đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài. Về đối ngoại, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Đặc biệt là, nước ta hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mở rộng quan hệ kinh tế – thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế qua nhìn nhận và đánh giá của các tổ chức, cá nhân, những học giả, nhà nhiên cứu có uy tín trên thế giới.
(1) Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ 10 năm trước, GDP bình quân đầu người Việt Nam là khoảng 2.190 USD và hiện đã tăng gần gấp đôi lên 4.100 USD. Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hầu hết người dân đều được hưởng lợi.
(2) Giám đốc quốc gia của Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam Herve Conan đánh giá rất tích cực về nền kinh tế Việt Nam: “Đất nước các bạn đã thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng bất chấp tình trạng lạm phát cao đang gây ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế trên thế giới. Trong đánh giá định kỳ nền kinh tế vĩ mô 3 năm một lần được tiến hành từ đầu năm 2023, Cơ quan Phát triển Pháp ghi nhận những thành công đáng khích lệ của Việt Nam trong việc duy trì ổn định chính trị – xã hội, triển khai chính sách kinh tế thận trọng nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Quy mô thị trường nội địa với 100 triệu dân cũng là lợi thế quan trọng. Sự năng động của sản xuất kinh tế quốc gia vẫn được duy trì bất chấp những năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”.
(3) Ông Yasuhiro Nojima, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản khẳng định, Việt Nam là một quốc gia đi đầu trong việc giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định và hài hòa hơn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên mọi miền đất nước được cải thiện và nâng lên. Sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng lớn, và nếu xét về tiềm năng, theo ông, có thể nói Việt Nam là nước tỏa sáng nhất trong các nước ASEAN.
(4) Theo số liệu của Liên minh châu Âu (EU), sau 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu ASEAN đối với EU, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN và thứ 40 của thế giới, với quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP 20 của thế giới.
(5) Mới đây nhất Phân tích của Công ty nghiên cứu tài sản toàn cầu New World Wealth dự báo, Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản lên tới 125% trong 10 năm tới. Đây là mức tăng trưởng tài sản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú. Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho biết, Việt Nam đã chứng kiến 3 thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 7% và nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình. Với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, đất nước đã định vị thành công trong chuỗi giá trị toàn cầu.
(6) Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) đánh giá, và dự báo, quy mô nền kinh tế Việt Nam dự kiến ở vị trí 33 trên bảng xếp hạng WELT, tăng 1 bậc so với báo cáo năm 2023, với quy mô GDP theo giá hiện hành đạt 462 tỷ USD. Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Đáng chú ý, báo cáo của CEBR đánh giá, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai. Việt Nam sẽ vươn lên vị trí 24 vào năm 2033, với quy mô kinh tế đạt 1.050 tỷ USD. Đến năm 2038, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 21, với quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỷ USD. Theo CEBR, với ưu thế dân số đông và trẻ hiện tại, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Hiện nay tình hình thế giới phức tạp và biến động khôn lường, lợi ích của đất nước phải là tối thượng thiêng liêng, với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Do đó, mọi đối sách của Đảng không chỉ kết tinh và thể hiện bản lĩnh chính trị, sự độc lập, tự chủ, uyển chuyển, linh hoạt, hiệu quả mà chủ động bảo vệ vị thế, lợi ích chiến lược không ngừng nâng tầm sức mạnh và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Phủ nhận hoàn toàn luận điệu xuyên tạc sai trái về cả quá khứ, hiện tại và tương lai đất nước ta. Chúng ta tin tưởng rằng Dân tộc Việt Nam nhất định tiếp tục thành công, vì một Việt Nam thịnh vượng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét