Trong khi cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam đã và đang được đông đảo cán bộ, nhân dân đồng tình, ủng hộ, thì đó đây xuất hiện những lời cảnh tỉnh lạc lõng, rằng “tăng cường chống tham nhũng có thể khiến người dân quan tâm hơn đến chính trị”(?!) Ô hay, hiện tượng ấy thể hiện sự chuyển biến đáng mừng chứ; vì trên thực chất, chống tham nhũng để bảo đảm chế độ chính trị ở Việt Nam đứng vững trước những con sâu mọt đang câu kết với nhau vì “lợi ích nhóm” để chế độ này tự sụp đổ từ bên trong. Một luận điểm kỳ khôi nữa là họ cho rằng “sự quan tâm của dân thường đối với chính trị là, trái với ý định của Đảng là muốn người dân thụ động về chính trị”(?) Rõ ràng, với luận điểm này, họ đã “lập lờ đánh lận con đen”, bởi lẽ, trình độ dân chúng ở Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến chính trị vì chế độ chính trị – nói rộng ra là chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và dẫn dắt, chỉ nhằm mục đích đem lại lợi ích cho số đông, do đó Đảng cầm quyền hợp sức cùng nhân dân kiên quyết chống lại bè nhóm lợi dụng chức quyền để vơ vét của cải, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Vậy thì sự quan tâm ấy của nhân dân đối với chính trị là biểu hiện đáng cổ suý, sao lại gọi là “nguy cơ đáng báo động”?!
Hãy xem cách lập luận nhập nhằng, đánh tráo sự thật trên trang Thediplomat.com (Mỹ) ngày 26/2 vừa qua chung quanh việc chống tham nhũng ở Việt Nam, một mặt họ công nhận “chống tham nhũng được người dân hoan nghênh và giúp tăng thêm niềm tin vào ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam”, nhưng mặt khác, họ lại lưu ý chúng ta cái gọi là “3 nguy cơ” khi đẩy mạnh chống tham nhũng:
Thứ nhất, tăng cường chiến dịch chống tham nhũng có thể khiến người dân quan tâm hơn đến chính trị. Trong cuốn sách: “Hai logic của sự cai trị chuyên quyền”, tác giả Johannes Gerschewski lập luận một cách thuyết phục rằng, tại Việt Nam đã hình thành một khế ước xã hội có đi có lại giữa chế độ và người dân. Trong khế ước này, sự hài lòng về kinh tế được đánh đổi lấy sự công nhận về mặt chính trị. Khi nhu cầu kinh tế được đáp ứng, người dân mặc nhiên “thụ động, thờ ơ và phớt lờ” chính trị. Trong khi đó, điều ngạc nhiên là Đảng lại cho phép thảo luận công khai về các vụ tham nhũng. Điều này bất ngờ thu hút sự quan tâm của dân thường đối với chính trị, trái với ý định của Đảng là muốn người dân thụ động về chính trị.
Một hậu quả nghiêm trọng nữa khi kích thích người dân quan tâm đến vấn đề tham nhũng là có thể khiến người dân chú ý đến các vấn đề khác mà chế độ muốn che đậy, đồng thời thúc đẩy người dân tò mò tìm hiểu về chính trị. Một khi sự hiếu kỳ về chính trị được khơi dậy, chính quyền sẽ khó có thể ngăn chặn hoặc đoán định được chiều hướng trong tương lai. Khi can dự sâu hơn trong việc phát hiện hoặc thảo luận về vấn đề tham nhũng, người dân có thể tăng nhận thức về các hoạt động của chính phủ và bắt đầu chất vấn các vấn đề khác trong cách quản trị, qua đó có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường cho chế độ. Khi tham nhũng trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi, điều này có thể thổi bùng sự bất mãn và thách thức thức tính chính danh của Đảng.
Thứ hai, chiến dịch chống tham nhũng có thể vô tình phơi bày trước người dân sự chia rẽ trong giới tinh hoa chính trị. Điều đáng ngạc nhiên là, những nỗ lực chống tham nhũng mới đây đã có bước chuyển biến chưa từng có khi nhằm trực tiếp vào các quan chức cấp cao nhất ở cấp trung ương. Việc người dân cho rằng “trung ương có sự chia rẽ” có thể gây nguy hiểm cho Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh bên ngoài đầy biến động, vì có khả năng làm gia tăng sự bất mãn của công chúng, chẳng hạn như sự suy thoái kinh tế và thiên tai.
Thứ ba, chiến dịch chống tham nhũng tập trung vào các vụ tham nhũng riêng lẻ mà không giải quyết vấn đề mang tính cấu trúc, dung dưỡng cho nạn tham nhũng trong hệ thống. Chiến dịch chống tham nhũng nhằm chuyển sự chú ý của người dân ra khỏi những vấn nạn mang tính hệ thống, củng cố quan điểm cho rằng các chính sách và sự lãnh đạo của chế độ về cơ bản là đúng đắn và rằng tham nhũng chỉ là hệ quả của sự “suy thoái về tư tưởng và đạo đức” của một số đảng viên. Tuy nhiên, đây có thể là con dao hai lưỡi. Khi không thừa nhận hoặc không can thiệp vào những căn nguyên chính gây ra nạn tham nhũng (như việc thiếu trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong hệ thống), điều đó có thể khiến người dân vỡ mộng theo thời gian. Cuối cùng dân chúng nhận ra rằng tham nhũng đã ăn sâu vào chế độ.
Đến đây, người đọc dễ nhận ra ý đồ sâu xa của tác giả bài báo là muốn dùng cái gọi là sự “phân tích khoa học và thực tiễn” mang “tính khách quan” nhằm mục đích làm phân tâm xã hội, buộc Việt Nam từ bỏ chủ trương kiên quyết và kiên trì chống tham nhũng. Điều ấy là ảo tưởng! ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét