Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2023

Tại sao không?

Mạng Internet - Minh họa


Dư luận đang xôn xao về một số đề xuất mới của Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Một trong những đề xuất đó là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet có trách nhiệm từ chối hoặc ngừng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu từ Bộ đối với người dùng vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Bình luận về việc này, đài VOA tiếng Việt viết rằng: “Đây là một sự leo thang kiểm duyệt đối với môi trường mạng vốn đã hà khắc ở Việt Nam”. Một số trang tiếng Việt của báo chí phương Tây và tài khoản cá nhân cũng có những bình luận xuyên tạc, đại loại như:  “Một quyết định vô lý”, “Chính sách này nếu được thông qua sẽ là một lùi lớn về nhân quyền, tự do ngôn luận của Việt Nam”, “Việt Nam đang quyết triệt tiêu những tiếng nói phản biện trong xã hội”, “Ngắt mạng để bảo vệ chế độ độc tài”….

Đề xuất nói trên của Bộ Thông tin và Truyền thông mới nghe có vẻ như hơi “rắn quá mức cần thiết”, nhưng thực ra đó là một chuyện hết sức bình thường. Nó cũng chẳng khác gì việc một số hành khách đi máy bay có hành vi vi phạm bị các hãng hàng không cấm bay, hoặc tương tự như những khách hàng cố tình vi phạm bị các công ty dịch vụ điện, nước… từ chối cung cấp dịch vụ.

Chẳng lẽ một nhà nước có chủ quyền lại phải nhân nhượng mãi đối với những cá nhân, tổ chức cố tình đăng tin, bài xuyên tạc về tình hình trong nước, nói xấu chế độ, nói xấu lãnh đạo, tổ chức, cá nhân, làm ảnh hưởng chung đến cả xã hội. Chẳng lẽ một cộng đồng mạng gần 80 triệu người ở Việt Nam lại phải khoanh tay đứng nhìn một số tổ chức, cá nhân mặc sức hoành hành trên không gian mạng mà không có cách nào ngăn chặn hiệu quả.

Trên thực tế, thời gian qua các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn đang áp dụng khá nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý những thông tin xấu độc trên MXH, tuy nhiên cho đến nay tình trạng vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Trên không gian mạng tràn ngập tin giả, tin rác, thông tin chưa được kiểm chứng, những hình ảnh bị cắt ghép, chỉnh sửa. Những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật và những vụ việc phức tạp nảy sinh trong nước, đặc biệt liên quan đến tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đấu tranh chống tham nhũng, Biển Đông…bị các thế lực chống phá triệt để lợi dụng để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc tình hình trong nước, đường lối đối ngoại của Việt Nam, xuyên tạc lịch sử dân tộc, kích động dư luận trong nước, tạo ra những cản trở đối với sự phát triển của đất nước.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, những đề xuất mới mà cơ quan này vừa trình Chính phủ, trong đó có việc ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với một số cá nhân, tổ chức, là nhằm xử lý nhanh và hiệu quả hơn nữa đối với vi phạm trên môi trường mạng và đó là yêu cầu cấp thiết.

Rất nhiều nước khác trên thế giới cũng phải đưa ra những biện pháp mạnh tay để quản lý không gian mạng một cách hiệu quả. Theo Luật tăng cường an toàn trực tuyến của Singapore, các cơ quan chức năng có quyền yêu cầu cho các nền tảng MXH phải xóa bỏ những nội dung xấu độc. Nếu các MXH  này từ chối gỡ bỏ thì nước này sẽ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet chặn quyền truy cập của người dùng ở Singapore đối với các mạng này. Ngoài ra, họ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 1 triệu đô la Singapore, khoảng 715 nghìn USD.

Rõ ràng là, những đề xuất mới mà Bộ Thông tin  và Truyền thông vừa đưa ra là cần thiết và đúng lúc. Dự thảo sẽ được công bố và lấy ý kiến, nhưng có cơ sở để tin rằng những đề xuất mới này sẽ nhận được sụ ủng hộ rộng rãi của người dân trong nước. Nói như một cư dân mạng thì “Xử lý những đối tượng vi phạm trên mạng, những người kiếm tiền bằng cách gian lận, bằng nội dung bẩn, độc hại… là việc làm không chỉ cần thiết, mà cần phải mạnh tay. Người dân chúng tôi không chỉ ủng hộ mà còn thúc giục các cơ quan chức năng phải làm nhanh, làm triệt để và không được “đánh trống bỏ dùi”./.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét