Ngày hôm qua (19/7), trang facebook Việt Tân đăng
status xuyên tạc phát biểu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong Đại hội XVIII của
Đảng xã hội Pháp tại Thành phố Tours (Pháp) năm 1920: “Chúng tôi không
có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp cũng
không có”. Từ đó, họ quy chụp lố bịch rằng: “Dưới chế độ cộng sản
hiện nay, các quyền này vẫn còn là giấc mơ xa vời đối với dân tộc Việt Nam!”.
Cần khẳng định ngay rằng, đây là
trò “ đánh lận con đen” khi Việt Tân so sánh tình trạng kiểm
soát, ngăn trở tự do báo chí ở Việt Nam dưới chế độ thực dân Pháp cai trị
xứ Đông Dương (trước năm 1945) với thực tiễn hết sức sinh động trong bảo đảm
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay. Bởi, dưới chế độ Pháp
thuộc, chính quyền Đông Dương áp dụng các biện pháp kiểm soát, ngăn trở tự do
báo chí, thực thi chánh sách “bóp nghẹt” tự do báo chí và xuất
bản. Tất cả những tờ báo in bằng quốc ngữ Việt Nam, bằng Hán ngữ hay bằng bất
cứ một thứ ngôn ngữ nào khác ngoài Pháp ngữ, phải có sự cho phép trước của quan
toàn quyền, sau khi toàn quyền hội ý với Ban Thường trực Thượng Hội đồng Đông
Dương. Toàn quyền Đông Dương có quyền cho phép hay không cho phép, gây khó dễ
hay cấm chỉ các báo Việt ngữ và có quyền đưa ra truy tố những tờ báo chống
Pháp. Các phương tiện thông tin còn quá nhiều hạn chế, hầu như dân chúng đều
không thể biết kịp thời tình hình thế giới và trong nước xảy ra trước đó một
vài ngày. Trong nước, chỉ có các tổ chức cách mạng và các tòa báo có trang bị máy
thu thanh săn tin thế giới, còn thường dân chỉ rất ít người khá giả mới có, lại
phải nghe lén lút, vì nếu chính quyền phát hiện nghe đài nước ngoài thì tịch
thu máy, phạt vạ. Người Việt đọc sách báo, nghe đài thường là lớp khá giả,
trung lưu, có học, công chức, dân thành thị, còn phần lớn dân chúng (gần 90%)
sống ở nông thôn, gần như không được xem sách, báo, nghe đài, nếu có biết tin
tức gì, thì đó chỉ là nghe đồn, truyền miệng trong dân cư với nhau.
Trái ngược với đó, dưới chế độ xã hội
chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và
bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25, Hiến pháp
(năm 2013) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ: “Công
dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập
hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đảng
và Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để quyền tự do báo chí,
tự do ngôn luận của công dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “Xây dựng nền báo
chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tại Chương II, Luật
Báo chí (năm 2016) cũng quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên
báo chí của công dân; trong đó, Điều 13 quy định: “Nhà nước tạo điều
kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận
trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”. Đồng thời, cũng
quy định: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được
Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn
luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp
của tổ chức và công dân”.
Số liệu thống kê đến cuối năm 2022 cho
thấy, Việt Nam có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 327 tạp chí
lý luận chính trị, khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài
phát thanh, truyền hình. Số người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí là
41.000 người, với 19.356 người đã được cấp thẻ nhà báo. Cùng với các cơ quan
báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại
Việt Nam, như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo; Hãng thông tấn Asia, Nhật báo kinh
tế Aju (Hàn Quốc) và Rossiya Segodnya (Nga), v.v. Với lực lượng làm báo hùng
hậu như trên, đời sống báo chí ở Việt Nam diễn ra hết sức sôi động, phản ánh
mọi mặt của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, cũng giống như các quốc gia
khác trên thế giới, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam là quyền tự
do có giới hạn. Việc giới hạn quyền tự do đó được quy định theo “nguyên tắc gây
hại”, “nguyên tắc xúc phạm”, hoặc xung đột với các quyền khác. Những quy định
hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong luật pháp Việt Nam đối với
một số trường hợp là hoàn toàn tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền
con người mà Việt Nam đã tham gia, cam kết. Mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng
quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và
lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân đều bị nghiêm cấm và có chế tài xử lý
nghiêm khắc.
Có thể khẳng định, quyền tự do báo chí
và tự do ngôn luận của người dân Việt Nam luôn được bảo đảm. Vì lẽ đó, trò
“đánh lận con đen” của Việt Tân nhằm quy chụp, xuyên tạc trắng trợn về tình
hình bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam là “lố bịch”,
chẳng lừa được ai!./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét