Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

Phản bác quan điểm sai lầm về Hồ Chí Minh: Sự thật về học vấn và hành trình tìm đường cứu nước!

 Đã thành thông lệ, cứ đến dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên các trang mạng lại đua nhau viết bài nhằm bôi nhọ, hạ bệ thần tượng của dân tộc ta. Ngày 15/5/2024, trên trang Tiếng Dân News, Tưởng Năng Tiến có bài: “Nguyễn Tất Thành” với những quan điểm sai lệch. Bài viết này phản bác các luận điểm của Tưởng Năng Tiến về học vấn và mục đích ra nước ngoài của Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh.

1. Bài viết của Tưởng Năng Tiến cho rằng Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh là người ít học(!). Họ viết: “con đường học vấn của ổng (Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh – TG) không dài và dường như cũng không được suôn sẻ gì cho lắm”! Đúng là, Người học qua trường lớp không nhiều, nhưng bằng con đường tự học mà Người có được khối kiến thức khổng lồ. Người thông thạo nhiều ngoại ngữ và kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực như chính trị, lịch sử, xã hội, văn học, nghệ thuật… Kiến thức mà Người có được không chỉ học ở trường lớp mà phần lớn là bằng con đường tự học trong sách vở, học bạn bè, đồng nghiệp, tham gia nhiều tổ chức để vừa hoạt động vừa học tập. Việc học viết báo của Người là một ví dụ. Người kể, hồi ở Pháp, người bạn Pháp dạy người viết báo, bắt đầu từ viết ngắn, khi viết ngắn được rồi, người bạn Pháp lại yêu cầu cũng nội dung ấy phải viết dài, khi viết dài được người bạn Pháp lại yêu cầu cũng nội dung ấy nhưng phải viết ngắn. Bằng cách học như vậy mà sau này ngắn, dài Người đều viết được cả.
Điều ấy lại càng làm cho chúng ta tin yêu, kính phục Hồ Chí Minh. Bởi ngày nay, không ít người học hết trường nọ, lớp kia, học trong nước, học ngoài nước nhưng kiến thức của họ lại chẳng được bao nhiêu. Những người này dù có bằng thật nhưng kiến thức lại không tương xứng. Trong khi đó, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh dù bằng cấp không nhiều, nhưng kiến thức lại rộng lớn ở nhiều lĩnh vực, đó là sự hiểu biết của thánh nhân. Bởi, cổ nhân chia ra ba loại người. Loại người thứ nhất, là người không học mà biết gọi là thánh nhân; loại người thứ hai là người học mà biết gọi là quân tử; loại người thứ ba là người học mà không biết là tiểu nhân. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh học ít nhưng biết nhiều, người là thánh nhân. Điều ấy cho thấy Tưởng Năng Tiến chê bai Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh ít học lại chứng tỏ điều ngược lại, sự uyên bác của một thánh nhân, học một biết mười, biết hàng trăm.

2. Trong bài viết của mình, Tưởng Năng Tiến nhắc đến ý kiến người nọ người kia cho rằng, Nguyễn Tất Thành đi ra nước ngoài không phải tìm đường cứu nước mà là vì miếng cơm manh áo(!)
Để chứng minh cho điều trên, họ trích dẫn: “Năm 1960, tập sách Bác Hồ do nhiều tác giả viết in tại Hà Nội đã được Bác Hồ xem. Khi đọc, Bác nói với đồng chí thư ký: Bác không có ý định dừng lại Phan Thiết song đến đó thì tiền lộ phí đã cạn mới quyết định ở lại tìm việc làm để có tiền đi tiếp cuộc hành trình…
Đến Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành xin vào học một trường kỹ thuật do Pháp quản lý, dạy về hàng hải. Sau này, đồng chí Hà Huy Giáp kể lại, có lần Bác nói: “Bác đâu có ý định học thợ, nhưng trong lúc lang thang để tìm cách sang phương Tây, mà có nơi cho mình học, có cái ăn là mình vô thôi”.
Vin vào đó, họ viết tiếp: “Cũng với cách suy nghĩ tương tự (“có cái ăn là mình vô thôi”) năm 1911, Nguyễn Tất Thành nộp đơn xin “vô” Trường Thuộc Địa nhưng không lọt”. Theo họ, TS. Vũ Ngự Chiêu đã viết về sự kiện này như sau: “Trong biên khảo tam ngữ ‘Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành’ (Paris: 1983) tôi đã trình bày khá rõ: Người mà chúng ta biết như Hồ Chí Minh sau này đã rời nước không vì muốn tìm đường cứu nước, mà chỉ vì những tao ngộ bản thân (cha bị cách chức, tống giam, nên phải bỏ học nửa chừng v.v…). Từ cổng hậu đóng kín của trường Thuộc Địa, Hồ Chí Minh sẽ tìm thấy cánh cửa mở rộng của Đại học Phương Đông của Liên Xô – Nga 12 năm sau”.
Sự dẫn giải của họ như trên không thể kết luận rằng Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, đi ra nước ngoài chỉ vì miếng cơm, manh áo. Bởi trong sách những mẩu chuyện về Bác Hồ, đã viết, trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Người đã rủ một người bạn đi cùng, người bạn hỏi đi bằng cách nào, Người đã chìa đôi bàn tay ra và nói đây đi bằng cái này, bằng đôi bàn tay, bằng sức lao động của mình, bằng sự tự lực cánh sinh. Vì thế, trên hành trình ra nước ngoài và những năm tháng hoạt động ở nước ngoài, Người đã làm nhiều nghề để kiếm sống từ phụ bếp, thợ ảnh đến thợ sửa giầy. Bởi lẽ, người ta chẳng thể làm gì với cái dạ dầy bị lép kẹp. Có thực mới vực được đạo. Trước khi sáng tác văn học, nghệ thuật hay làm bất cứ thứ gì khác thì người ta phải sống đã.
Thế nên, để đến với thế giới văn minh, để tìm hiểu sự thật sau các chữ tự do, bình đẳng, bác ái là như thế nào và làm gì, làm như thế nào để có được điều ấy thì trước tiên phải sống. Mà muốn sống thì phải có cái ăn uống, cái mặc, nơi ở; do vậy, nó được đặt ra trước mắt đòi hỏi phải giải quyết ngay. Không vì thế mà cho rằng, Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài là vì cuộc sống cá nhân mình, hòng làm lu mờ mục đích cao cả của Người là tìm đường cứu nước, cứu dân.
Điều ấy, được chính Tưởng Năng Tiến thừa nhận. Khi ông viết: “Có người nêu câu hỏi: “Hồ Chí Minh ra đi cứu nước hay kiếm cơm?” và Tưởng Năng Tiến tự trả lời: “Theo tôi (Tưởng Năng Tiến) thì cả hai và không có cái nào sai cả. Có thực mới vực được đạo chứ. Hơn nữa, cứu cánh (vẫn) biện minh cho phương tiện cơ mà”.
Vậy nên, ý kiến của một số người cho rằng, Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh ra nước ngoài là vì miếng cơm manh áo là sự thiển cận có chủ ý, hòng làm lu mờ mục đích tối thượng của Người là tìm đường cứu nước, cứu dân. Vì thế, những ai phê phán, xuyên tạc về Hồ Chí Minh chẳng khác nào tự phỉ nhổ vào mặt mình./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét