Lịch sử thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là minh chứng rõ nhất cho đường lối đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã lựa chọn chủ nghĩa Mác- Lênin – chủ nghĩa cộng sản là kim chỉ nam cho con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, không hiểu do thiếu hiểu biết về lịch sử hay ấu trĩ về nhận thức mà mới đây Việt Tân phủ nhận sạch trơn Chủ nghĩa Cộng sản đối với tiến trình lịch sử phát triển của Việt Nam, chúng cho rằng “Giá mà không có cộng sản thì nước ta đã cất cánh từ lâu rồi. Chưa chắc Singapore, Đại Hàn, Thái Lan… có cửa để cạnh tranh”. Status này của Việt Tân nhằm họa thêm cho nhận định của một kẻ vô danh về khoa học lịch sử và chính trị có tên Hoàng Thị Tùng Lâm: “Giá như không có chủ nghĩa cộng sản du nhập vào Việt Nam thì nước ta đã không bị chiến tranh ý thức hệ và sự thống trị của nó tàn phá thảm khốc. Thời bình dân vẫn còn vô vàn khổ cực, khổ từ chuyện học hành của trẻ em đến chuyện đất đai của người lớn…”.
Những phát biểu kiểu này chỉ lặp lại một lối mòn tư duy đã ăn sâu vào não giới chống cộng cờ vàng, khi cho rằng mọi vấn đề mà đất nước đã và đang gặp phải từ năm 1945 đến nay đều “tại cộng sản”. Đó là một cách nhìn thiếu công bằng, méo mó và thiển cận, khi cố phủ nhận cả nguyên nhân sâu xa lẫn giá trị lịch sử của phong trào cộng sản tại Việt Nam.
Quay lại lịch sử đất nước trước năm 1930, đất nước ta chìm đắm dưới ách thống trị, áp bức hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân Pháp và hàng trăm năm của chế độ phong kiến thối nát. Biết bao cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Nhân dân ta đã liên tiếp nổ ra nhưng kết cục đều thất bại do thiếu một đường lối chính trị đúng đắn soi đường. Phong trào đấu tranh dưới ngọn cờ của các sĩ phu yêu nước lãnh đạo cùng với các cuộc khởi nghĩa nông dân lấy hệ tư tưởng phong kiến làm nền tảng đã tỏ ra lỗi thời, bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử. Các phong trào đấu tranh dưới ngọn cờ của giai cấp tư sản dân tộc cũng không thể mang lại độc lập, tự do cho dân tộc… Chỉ khi Bác Hồ, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam trong hành động cách mạng của giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác, kiên trì mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam mới giành được những thắng lợi vẻ vang, khiến cho thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ hùng mạnh đều phải ngả mũ, cúi đầu.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (2/9/1945) mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam – độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, không có tuyên ngôn độc lập từ phía Việt Minh, Pháp sẽ không cần dựng lên chính thể Quốc gia Việt Nam, và vì thế cũng sẽ không tạo cửa tiến thân cho Ngô Đình Diệm. Miền Nam Việt Nam cũng sẽ không nhận được lượng viện trợ khổng lồ từ phương Tây để rồi có một chút phồn hoa ngắn ngủi. Trong bối cảnh đó, liệu Việt Nam có giành được độc lập và thống nhất không, hay sẽ như nhiều dân tộc ở Trung Đông và Châu Phi mà cho đến nay vẫn bị chia cắt vì di sản từ thời thuộc địa, để rồi liên tục rơi vào chiến tranh tôn giáo và sắc tộc? Nên nhớ vào năm 1945, thực dân Pháp mới là thế lực bóc lột người dân Việt Nam, trật tự phong kiến mới là thứ tước đi quyền và hy vọng của những người nghèo trong xã hội, và phong trào cộng sản đã mạnh lên vì được lòng dân trong hoàn cảnh đó.
Và các nhà chống cộng có liêm sỉ không, khi không hề nhắc đến trách nhiệm của họ – những người làm tay sai cho Pháp và Mỹ để đổi lấy đặc quyền đặc lợi trên đại đa số người dân Việt Nam, cho đến khi thua trận vì mất lòng dân? Có thể thấy, khi phát biểu những lời phủ định vai trò của chủ nghĩa cộng sản đối với Việt Nam, đảng Việt Tân không dám nhìn thẳng vào sự thật, mà chỉ phát biểu dựa trên lòng hận thù của chúng, đồng thời càng phô bày thêm tình trạng lệ thuộc của của vào phương Tây. Sau gần nửa thế kỷ, có vẻ họ vẫn chưa rút ra được bài học.
Ngược lại với những gì Việt Tân xuyên tạc, sau 94 năm thành lập Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định con đường chủ nghĩa Mác-Lênin và Chủ nghĩa Cộng sản vẫn khẳng định vị trí của mình trong những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong suốt những năm qua. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 35 trong top 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới với quy mô kinh tế 435 tỉ USD. Về giáo dục, chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%… Những thành tựu và kết quả đạt được trong đời sống kinh tế, chính trị của Việt Nam, việc người dân Việt Nam đang được sống trong hòa bình, độc lập… là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy vai trò lịch sử của chủ nghĩa cộng sản trong đường lối mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét