Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

Moi sự xuyên tạc, chống phá Chủ tịch Hồ Chí Minh đều vô ích!

 


1. Lâu nay những kẻ vô công rỗi nghề, lực lượng thù địch, phản động thường nghĩ ra lắm trò xuyên tạc, hòng bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín, bóp méo hình tượng Hồ Chí Minh, chống phá cách mạng Việt Nam. Chắc chắn, bạn đọc là người có hiểu biết, có văn hóa thì dễ dàng nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của bọn chúng.

Điển hình là viết bài “Vấn nạn Hồ Chí Minh là một hay hai nhân vật khác nhau” của Nguyễn Văn Thái, trong đó loay hoay cắt nghĩa, tìm lý lẽ minh chứng Hồ Chí Minh đã chết năm 1932-1933, viện dẫn kết quả nghiên cứu của giáo sư Đài Loan Hồ Tuấn Hùng, rồi kết luận: Hồ Chí Minh chính là Hồ Tập Chương người Trung Quốc.

Bài viết “Đề nghị làm sáng tỏ vụ việc Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam hay Đài Loan” của Phạm Quế Dương bịa đặt rằng: “Năm 1957, cụ Hồ Chí Minh về thăm quê Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An mà không thắp hương mộ thân mẫu là cụ Hoàng Thị Loan. Năm 1945, khi bắt đầu làm Chủ tịch nước, bà chị là Nguyễn Thị Thanh ở quê ra thăm, cụ Hồ tránh mặt, không dám gặp, chỉ cử 2 cán bộ cao cấp tiếp”.

Bài viết “Hồ Chí Minh là ai?” của Nguyễn Gia Định, cố tình đưa ra lý lẽ chứng minh “Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc – Nguyễn Sinh Cung: ba không thể là một”. Còn Le Nguyen thì tỏ vẻ là người hiểu biết rõ về cuộc đời, thân thế sự nghiệp của Hồ Chí Minh để kể chuyện bịa đặt: “Lúc ông Cả Khiêm tức Nguyễn Sinh Khiêm (anh cả của Nguyễn Tất Thành) và bà Nguyễn thị Thanh (chị của Nguyễn Tất Thành) còn sống ở Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề về quê nhà để thăm hai anh, chị ruột. Thậm chí khi hai người nầy qua đời, Hồ Chí Minh cũng không về Nghệ An để phúng điếu. Ðối với gia đình xem như là người xa lạ và tuyệt tình. Thậm chí một hành vi nghĩa tử nghĩa tận đối với cái chết của anh và chị ruột, Hồ Chí Minh cũng không làm. Trong suốt thời gian làm chủ tịch, Hồ Chí Minh không bao giờ tổ chức được một buổi ăn sum họp gia đình hay kỵ giỗ cha mẹ, ông bà tổ tiên. Thái độ này của Hồ Chí Minh phản ánh một tâm lý hoàn toàn khác biệt với tâm lý  của Nguyễn Tất Thành”.

Sự thâm độc của Trần Mai Trung thể hiện rõ qua bài viết: “Những khúc quẹo cuộc đời”, vu khống: 1- “Nếu ông Sắc còn sống đến năm 1953 thì chắc bị ông Hồ chôn sống trong cuộc Cải cách ruộng đất vì làm Tri huyện và đánh chết người dân”; 2- bịa đặt: “Sau khi cha bị mất chức, Nguyễn Tất Thành đành nghỉ học, hi vọng làm quan như cha không thành. Ông Sắc nhờ ông Phan giúp đỡ Thành đến Pháp tìm tương lai”; 3- dựng chuyện: “Nguyễn Tất Thành đến Pháp để kiếm sống chứ không vì yêu nước; đến Liên Xô học tập hy vọng có việc làm kiếm lương hằng tháng, chứ không phải vì cách mạng Việt Nam”; 4- đặt điều: “Quốc tế cộng sản và Đảng CS Liên Xô đánh giá khả năng của Hồ Chí Minh “dưới trung bình, làm việc không chuyên nghiệp, không có tinh thần cách mạng”; quy kết kiểu phản động: “Hồ Chí Minh đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin, góp phần xây dựng thế giới đại đồng, vô tổ quốc. Đã là vô tổ quốc thì không thể gọi là yêu nước. Hồ và đảng CS sử dụng những kỹ thuật đấu tranh do QTCS huấn luyện, giành ngọn cờ dân tộc, độc quyền kháng chiến, giết hại hàng chục ngàn người Việt Nam yêu nước trong các đảng phái Quốc gia đang chống Pháp”!.

2. Những luận điệu nêu trên quả là suy luận mù của kẻ rỗi hơi, bất tài, bất nhân. Những tri thức về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, di sản của Hồ Chí Minh đã được các nhà khoa học Việt Nam và thế giới nghiên cứu, đánh giá rất rõ ràng, có căn cứ. Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; không chỉ đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và tạo dựng tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam mà còn đóng góp to lớn cho tiến bộ nhân loại.

“Từ ngày bị đế quốc xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra”[i], khi đất nước yêu cầu khẩn thiết về con đường cứu nước vừa giải phóng dân tộc đồng thời giải phóng giai cấp, Hồ Chí Minh là người đáp ứng được yêu cầu khẩn thiết ấy của dân tộc Việt Nam. Để làm được điều đó, Hồ Chí Minh Người đã phải đối diện với nhiều gian truân, vào tù ra tội, vượt qua bao sóng gió, vừa lao động kiếm sống vừa tìm hiểu thời cuộc, trải qua các bước khảo cứu đầy tính tư duy độc lập, sáng tạo: Không đi theo con đường của các vị tiền bối, tìm hiểu một số cuộc cách mạng tư sản, cuối cùng tìm được và quyết định đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Vì Người nhận thấy: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”, “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[ii].

Sau khi tìm được con đường cứu nước phù hợp, Hồ Chí Minh xúc tiến các điều kiện thành lập Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến thắng lợi. Qua thời gian chuẩn bị về lý luận, tổ chức và cán bộ, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Công sản Việt Nam vào tháng 2/1930 tại Cửu Long – Hương Cảng – Trung Quốc, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo, trong đó xác định những vấn đề cơ bản đường lối cách mạng Việt Nam. Lịch sử gọi đó là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng.

 

3. Trải qua 94 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng hoàn chỉnh chủ trương, đường lối phù hợp từng giai đoạn lịch sử, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại, tạo dựng cơ đồ đất nước Việt Nam hôm nay thật đáng tự hào. Những thắng lợi to lớn của đất nước là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Hồ Chí Minh là người có công khởi đầu, tìm đường, dẫn lối.

Là con người, ai cũng có mặt ưu và nhược, Hồ Chí Minh cũng vậy. Ngoài một số điều như hay hút thuốc, thì Hồ Chí Minh là người có rất nhiều ưu điểm để hậu thế học tập về cách làm việc, sinh hoạt, cuộc sống, đối nhân xử thế… Hồ Chí Minh đã tạ thế, nhưng tên tuổi luôn vang vọng, luôn sống trong tấm lòng những con ngươi yêu nước, thương nòi, yêu chuộng hòa bình, vì tiến bộ xã hội. Vì vậy, Việt Nam càng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh là con người thật, có công thật, để lại di sản thật, nên dù ai nói ngả nói nghiêng thì giá trị thật đó vẫn là sự thật. Những gì mà Hồ Chí Minh đã cống hiến cho dân tộc và nhân loại chính là căn cứ thực tế chắc chắn nhất, minh tường nhất đủ bẻ gãy những luận điều xuyên tạc, chống phá Hồ Chí Minh.

Moi sự xuyên tạc, chống phá Hồ Chí Minh đều vô ích!


[i] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb. CTQG, HN, 2011, tr.3.

[ii] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 2, tr.289 và Tập 12, tr.563.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét