Duyên Hải
Trên Trang baotiengdan.com, ngày 30/5/2022, Đỗ Duy Ngọc có bài viết “Ngày này năm trước 30-5-2021” với những lời lẽ trách móc, oán than về những gì đã trải qua cách đây một năm tại Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích để phủ nhận các thành quả, nhằm bôi nhọ những hình ảnh đẹp, những kết quả đạt được trong công cuộc phòng, chống dịch covid-19 của nước ta trong thời gian qua. Chúng ta phải thấy rằng, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo một cách đồng bộ, toàn diện và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch covid-19. Thực tế cho thấy, sau 4 lần dịch covid-19 xuất hiện ở nước ta, cho đến nay số người nhiễm và chết không nhiều so với các nước khác trên thế giới.
Kể từ mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được tiêm cho cán bộ tuyến đầu chống dịch tại Hải Dương sáng ngày 8/3/2021, đến hôm nay, Việt Nam đã tiêm gần 198,3 triệu liều vaccine và trở thành 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới…Điều đáng nói, tại thời điểm đó, nguồn cung vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu còn rất hạn chế. Để có thể có vaccine sớm nhất, tiêm diện rộng cho người dân, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đã rất tích cực thúc đẩy đàm phán, trao đổi để có thể nhập khẩu vaccine từ các nguồn khác nhau, cùng việc khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước.
Tại lễ phát động chiến dịch “Hành trình an toàn – Bảo vệ bản thân, gia đình và người thân” do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), WHO và Bộ Y tế phối hợp tổ chức ngày 7/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam, góp phần hiệu quả trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược vaccine ‘đi sau – về trước’ với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.
Đỗ Duy Ngọc viết: “Cho đến giờ, một năm đã qua đi. Trách nhiệm thuộc về ai, lầm lỗi này do đâu cũng không cần thiết phanh phui ra nữa. Nhưng chúng ta khó có thể quên. Người dân Sài Gòn không thể quên những ngày tháng đó và chúng ta xót xa cho những người phải chết oan. Chúng ta cảm thương những mất mát của hàng vạn gia đình đã mất người thân. Chúng ta đắng lòng khi chứng kiến những đứa trẻ mồ côi sau cơn đại dịch.”
Đúng là Việt Nam đã phải nếm trải quá nhiều đau thương, mất mát sau bốn đợt dịch với hơn 1.000.000 người nhiễm COVID và hơn 23.400 người mãi mãi chẳng thể quay về tổ ấm của mình. Nhiều người mất chẳng kịp trăn trối điều gì với người thân, đến khi trở về chỉ còn là tro cốt. Nhưng rồi, bằng tình thương, sự sẻ chia, người dân TPHCM nói riêng – nơi tâm dịch chịu nhiều tổn thất nhất – và cả nước nói chung đã và đang siết chặt tay nhau bước qua đại dịch.
Tuy vậy, những gì chúng ta đã nỗ lực, cố gắng đến ngày hôm nay đều không thể phủ nhận, đặc biệt, những người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch đều được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, của nhân dân để cùng nhau vượt qua khó khăn với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bao nhiêu hình ảnh đẹp, từ bác sỹ, y tá, các chú bộ đội, các công chức, viên chức nhà nước đã lăn xả, đồng hành cùng người dân phòng, chống dịch. Người dân thì đồng lòng, đồng sức thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong của Đảng, Nhà nước và giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần tương thân tương ái…
Chúng ta cơ bản đã vượt qua các khó khăn để giành chiến thắng trước đại dịch nguy hiểm này. Có thể nói rằng, đây là chiến thắng oanh liệt. Chúng ta đã bảo vệ được sức khỏe và tính mạng của nhân dân, đồng thời bảo đảm phát triển kinh tế xã hội. Rõ ràng, Việt Nam chưa phải là nước có nền kinh tế mạnh, chưa phải là nước có trang thiết bị y tế hiện đại, nhưng Việt Nam đã và đang trở thành điểm sáng toàn cầu trong phòng, chống COVID-19.Có thể thấy, thành tựu bước đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID -19 của Việt Nam rất đáng tự hào. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã có nhiều chiêu trò xuyên tạc, phủ nhận thành quả chống COVID-19 của Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét