Tam Tri
Có một số người cho rằng chỉ cần nêu tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng cho Đảng và nhân dân ta là đủ, không cần phải nêu chủ nghĩa Mác – Lênin. Loại ý kiến này không mới, mà ngay từ khi “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 do Đại hội VII của Đảng chỉ ra “chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân ta” thì đã có ý kiến nêu ra như thế. Đây không phải là ý kiến của người xấu bụng mà là ý kiến của một số cán bộ đảng viên, trong đó có cả một số cán bộ làm công tác lý luận, tư tưởng. Đặt trong bối cảnh những năm đầu của thập kỉ 90 thế kỉ XX khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan vỡ, phong trào cộng sản và công nhân thế giới vừa bước vào thời kỳ thoái trào, thì ý kiến bài bác chủ nghĩa Mác – Lênin là thể hiện sự dao động về con đường của cách mạng nước ta. Và, ngay từ khi ấy Đảng ta đã kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, có bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh cùng chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng, dựa trên sự phân tích đúng đắn, khoa học và lịch sử sự tan vỡ của Liên Xô, làm công tác tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân ta rằng hễ bao giờ và ở đâu làm sai chủ nghĩa Mác – Lênin, cả giáo điều và xét lại thì gặp khó khăn, thậm chí đổ vỡ. Ngay từ khi ấy, kịp thời rút kinh nghiệm từ cải tổ của Liên Xô, Đảng ta đã nêu ra rằng “đổi mới phải có nguyên tắc”, mà một trong các nguyên tắc đó là kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng thời nhấn mạnh phải có nhận thức đúng đắn chủ nghĩa Mác – Lênin và vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, tránh giáo điều rập khuôn máy móc đồng thời tránh “xét lại chủ nghĩa”. Đảng cũng yêu cầu công tác lí luận phải chỉ ra những vấn đề gì chủ nghĩa Mác – Lênin nêu ra vẫn có giá trị vĩnh cửu, vấn đề gì các nhà kinh điển nêu ra đúng với thế kỉ XIX nhưng nay không còn phù hợp với điều kiện hiện đại. Đảng cũng yêu cầu nhận thức đúng đắn, chân thực, khoa học chủ nghĩa Mác – Lênin, tránh bệnh hời hợt.
Khác với những người chân chất cách mạng nhưng do hiểu biết không sâu, không đầy đủ khi nêu ý kiến “chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh, không cần nêu chủ nghĩa Mác – Lênin”, một số kẻ “xấu bụng” đã lợi dụng ý kiến đó và muốn đưa nhận thức của nhân dân ta theo một hướng khác, thậm chí về bản chất là chống lại con đường cách mạng của Hồ Chí Minh. Những kẻ “xấu bụng” này đã lợi dụng sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là người yêu nước, có tinh thần dân tộc, chứ Hồ Chí Minh không nói đấu tranh giai cấp, không nói chủ nghĩa xã hội, không nói con đường xã hội chủ nghĩa. Những kẻ “xấu bụng” này cố tình quên rằng chính chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng, là cốt lỗi của tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc, nhiệt thành cứu nước của Hồ Chí Minh khác với các bậc cha anh. Tại Đại hội của Đảng xã hội Pháp năm 1921, chính Nguyễn Ái Quốc đã giơ tay biểu quyết đứng về Quốc tế III do Lênin lập ra và trở thành hàng ngũ những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Khi đọc luận cương của Lênin về giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã thốt lên rằng đây là cái cẩm nang của chúng ta. Tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, tinh thần giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh khác với cha anh, khác với nhiều phong trào, nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp là ở chỗ gắn kết với cách mạng vô sản – cuộc cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự soi đường của chủ nghĩa Mác – Lênin, dẫn đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nêu cao chủ nghĩa Mác – Lênin cũng là nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng cách mạng hiện đại, đã dẫn đường cho cách mạng Viêt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác non một thế kỉ qua. Phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin là hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, điều đó sai với thực tiễn – thực tiễn cách mạng thắng lợi do sự dẫn dắt của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cũng không thể bịa đặt rằng Hồ Chí Minh không nói chủ nghĩa xã hội, mà chính Hồ Chí Minh đã viết trong Chính cương ngay từ khi thành lập Đảng, Hồ Chí Minh nói nhiều trong dịp kỉ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, nói nhiều tại Đại hội III của Đảng khi Hồ Chí Minh chủ trì, nói rất nhiều trong khi tiếp xúc với nhân dân.
Cương lĩnh 1991 của Đảng và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), đều khẳng định “chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân ta” là hoàn toàn đúng đắn và chính xác. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có việc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét