Cần khẳng định rõ: không có chuyện Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân ta né tránh, lãng quên cuộc chiến tranh Bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 02/1979 hào hùng của dân tộc, không quan tâm đến công tác chính sách đối với những Người có công trong Cuộc chiến tranh này. Minh chứng là, vào tháng 02 hằng năm, nhân kỷ niệm Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương, đến địa phương đều đăng tải nhiều bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh, cựu chiến binh, nhà nghiên cứu,... nhằm tái hiện lịch sử và tuyên truyền, nêu bật tinh thần chiến đấu anh dũng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Người có công trong Cuộc chiến tranh này,... đồng thời,khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ với Trung Quốc.
Năm 2014, trong Hội nghị bàn về Quy chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và Chính phủ, khi một số đại biểu đề cập tới cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã trả lời: “Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày 17/2/1979”. Trước đó, ngày 09/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, quy định chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Tiếp đó, ngày 03/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 23/2012/NĐ-CP, quy định về chế độ hưu trí, trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí đối với đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong Quân đội, Công an, Cơ yếu đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, v.v.
Cùng với đó, để tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, nhiều địa phương, nhất là các địa phương ở các tỉnh biên giới phía Bắc đã phối hợp với các ban, ngành Trung ương, đoàn thể địa phương xây đài tưởng niệm, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; lấy tên một số liệt sĩ để đặt tên đường phố, trường học, v.v. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 hào hùng của dân tộc ta còn được phản ánh sinh động trong nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc,... như: tiểu thuyết “Đêm tháng Hai” của nhà văn Chu Lai và tiểu thuyết “Mình và họ” của nhà văn Nguyễn Bình Phương, tác phẩm “Xác phàm” của nhà văn Nguyễn Đình Tú, bộ phim “Đất mẹ” của đạo diễn Hải Ninh và “Thị xã trong tầm tay” của đạo diễn Đặng Nhật Minh,... các bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Lời tạm biệt lúc lên đường” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” của nhạc sĩ Hồng Đăng, “Những đôi mắt mang hình viên đạn” của nhạc sĩ Trần Tiến và “Hát về anh” của nhạc sĩ Thế Hiển,... các tác phẩm này đều được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong và ngoài nước.
Thực tế trên là minh chứng khẳng định: Đảng, Nhà nước, Quân đội, Nhân dân ta không hề né tránh, hay lãng quên cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 hào hùng của dân tộc, và cũng không có chuyện Đảng, Nhà nước, Quân đội, Nhân dân ta không quan tâm đến công tác chính sách đối với những Người có công trong Cuộc chiến tranh này. Vì thế, chúng ta cần cảnh giác với âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị khi chúng lợi dụng Cuộc chiến tranh này để tán phát những bài viết, tài liệu để tuyên truyền những luận điệu sai trái, thù địch nhằm xuyên tạc, kích động sự chống phá Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Và,cái gọi là: “Tuyên bố 45 năm cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược Trung Quốc (17 tháng 2 năm 1979)” của Mạc Văn Trang cũng chẳng lừa bịp được ai, phải bị lên án và đấu tranh, bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét