Dưỡng Nguyên
45 năm đã trôi qua, kể từ ngày cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã diễn ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, ngay sau khi đất nước ta vừa bước qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đang dồn sức khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Điều đáng tiếc là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã diễn ra ngoài ý muốn của chúng ta vì sự hiếu chiến của quân bành trướng xâm lược. Đúng là “cây muốn lặng mà gió chẳng muốn dừng”, kẻ thù đã buộc chúng ta phải cầm súng chiến đấu. Sự kiện này đã, đang và sẽ mãi mãi nhắc nhở chúng ta không bao giờ được quên sự thật lịch sử, quên bài hát: “Tiếng sung đã vang tên bầu trời biên giới/Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới/Quân xâm lược bành trướng dã man/Đã giày xéo mảnh đất tiền phương/Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương”…
45 năm đã trôi qua, thế hệ con cháu Bác Hồ sinh vào thời điểm cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc diễn ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, đến nay đã tròn 45 tuổi. Chúng ta là người trong cuộc, có trách nhiệm tôn trọng khách quan, phải nói đúng sự thật về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc năm 1979 của thế hệ cha anh để các thế hệ con cháu biết rõ âm mưu, thủ đoạn và tội ác của quân bành trướng xâm lược; về cuộc chiến đấu kiên cường, bất khuất để bảo vệ từng tấc đất tiêng liêng của Tổ quốc, cùng với sự hy sinh, mất mát vô cùng to lớn của quân và dân ta để bảo vệ Tổ quốc trước tội ác của quân xâm lược bành trướng dã man.
Và ngày nay, thế hệ con cháu đang nối nghiệp cha anh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vẫn khát khao yêu chuộng hòa bình, hạnh phúc, mong muốn thế hệ con cháu mai sau, ngàn đời dân tộc Việt Nam không phải đối mặt với chiến tranh; không phải đổ máu, hy sinh; tập trung sức người, sức của, đồng lòng, chung sức phát triển kinh tế, xây dựng đất nước phồn vinh, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc.
Vì vậy, chúng ta chỉ “khép lại quá khứ” để “hướng đến tương lai”, chứ không quên quá khứ, không quên tội ác của quân xâm lược. Điều đó có nghĩa là, chúng ta không “đóng chặt quá khứ”, “không bao giờ quên nỗi đau thương của dân tộc”, “không bao giờ làm ngơ, trốn tránh sự thật khi hàng vạn anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến đẫm máu ở trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, tâm điểm là mặt trận Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh…; Các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc hiện đang yên nghỉ trong các nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh thuộc biên giới phía Bắc của Tổ quốc, và Tết này, Xuân này và nhiều mùa Xuân khác, họ vĩnh viễn không trở về quê hương, không được xum họp gia đình. Nỗi đau thương vì mất con, mất cha và người thân yêu hằn sâu trong trái tim, khối óc của những người mẹ, người vợ, người con, người cháu, chắt thân yêu…
Ai đó đã đã phát ngôn thiếu thiện chí, cho rằng Đảng, Nhà nước, Quân đội ta “đã quên quá khứ”, “đã thiếu trách nhiệm với hương hồn các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc” khi so sánh với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở mặt trận phía Nam, đang yên nghỉ tại các Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Đường Chín…, chỉ vì quy mô, mức đầu tư xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ ở phía Bắc chưa tương xứng, còn nhỏ bé, rồi châm chính, công kích, nói xấu Đảng, Nhà nước, Quân đội, đó là điều không thể chấp nhận. Những người này chỉ “nhìn cây là không thấy rừng”, chỉ “biết có một mà không biết có hai”. Từ đó, họ cáo buộc Đảng, Nhà nước, Quân đội ta “đã chấp nhận làm tay sai cho thiên triều phương Bắc”, “đổi máu, đổi đất, đổi biển lấy hòa bình”. Luận điệu này sặc mùi bịa đặt, vu khống, buộc tội nên nó hoàn toàn sai trái, cần phải vạch mặt, chỉ tên, lên án.
Với cách nhìn, cách nghĩ phiến diện, một chiều, họ không chỉ phát ngôn thiếu tính chất xây dựng, mà còn chà đạp lên hồn thiêng sông núi, tinh thần dân tộc; có tội với vong linh của các anh hùng, liệt sĩ, đồng chí, đồng bào. Chẳng nhẽ sự hy sinh tuổi xuân, xương máu của thế hệ cha anh là uổng công, vô ích; chẳng nhẽ sự hy sinh cao cả ấy lại để con cháu mình mãi mãi phải đối mặt với chiến tranh, sống trong hận thù, tủi nhục, lo lắng và lúc nào cũng phải để tâm đối phó với thù trong giặc ngoài; trong khi mưu cầu hạnh phúc và mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn đang thôi thúc chúng ta phải “nén đau thương”, “khép lại quá khứ”, ra sức kiến tạo, xây đắp nên Tổ quốc hòa bình, giang sơn hạnh phúc, có môi trường chính trị ổn định để xâ dựng “đất nước giầu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” (Nguyễn Phú Trọng).
Hãy nhìn xem cuộc xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine và Isarel – Hamas… thì thấy rõ chủ trương “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” của Đảng, Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, là vì nước, vì dân. Nếu không quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt chủ trương ấy, liệu quân và dân ta có an vui đón Tết, mừng Xuân như những ngày qua, có yên ổn để làm ăn, sinh sống. Thực tế đã khẳng định: Kết quả thực hiện đường lối đổi mới gần 40 năm qua do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đặc biệt là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã chứng minh đường lối đổi mới, quốc sách “ngoại giao cây tre Việt Nam” và chính sách quốc phòng “bốn không”, “bốn tránh” của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta hoàn toàn đúng đắn; đã phản ánh đúng Ý Đảng – Lòng Dân – Vận Nước. Điều đó khẳng định rõ rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên thệ vì nước vì dân; một lòng một dạ “phụng sự Tổ quốc”, “phục vụ nhân dân”, thì ngoài lợi ích của Nhân dân, Đảng ta không có mục tiêu, lợi ích nào khác.
Hoàn toàn không có chuyện “Đảng Cộng sản Việt Nam ngả Trung, thoát Nga, bài Mỹ”, “đổi đất, đổi biển, đảo để lấy thứ hòa bình viễn vông”; không có chuyện Việt Nam vì “áp lực thoát nghèo đã ngoan ngoãn quy phục phương Bắc” như một số người theo đuôi kẻ xấu đã tung tin, phát ngôn bừa bãi, thiếu thiện chí. Họ đã cố tình vay mượn sự kiện 45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc và cuộc chiến đấu chống quân bành trướng để xuyên tạc sự thật lịch sử, nói xấu Đảng, Nhà nước, Quân đội. Qua đó, xuyên tạc mối quan hệ giữa các nước có chung đường biên giới đất liền và Biển Đông.
Quá khứ là những điều đã xảy ra cho dù có lúc vướng vào những điều đáng tiếc nhưng nó đã đi qua rồi, chúng ta cần tôn trọng sự thật; không nên xới lại nỗi đau bằng thái độ khiêu khích, châm chích, gieo vào lòng người, nhất là gieo vào giới trẻ ngọn lửa hận thù dân tộc để họ hiểu sai về lịch sử, những cố gắng của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta trong hàn gắn vết thương chiến tranh, khơi thông dòng chảy lịch sử, nhân lên những giá trị tốt đẹp, vô cùng to lớn, có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Vu khống, bịa đặt, bôi đen lịch sử là thái độ thiếu khách quan, phản khoa học, cần phải phê phán, lên án và loại bỏ.
45 năm đã trôi qua, nhớ về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979, chúng ta kính cẩn thắp nén hương thơm bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đến các anh hùng, liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hy sinh vì nước, vì dân; đã anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đem lại cho chúng ta cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc ngày nay. Chúng ta càng tưởng nhớ công ơn trời biển của Bác Hồ, của các đồng chí lãnh tụ của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ lịch sử và các bậc tiền bối đã có công dựng nước, mở đường, xây đắp nên giang sơn gấm vóc tươi đẹp này.
Chúng ta phải ra sức phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Luôn đề cao cảnh giác cách mạng; tuyệt đối không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Trong các nhiệm vụ cấp bách về phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, nhất thiết phải thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, đường lối “ngoại giao cây tre” và chính sách quốc phòng “bốn không” của Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh làm thất lại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội, lan tỏa các giá trị phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Chúng ta không bao giờ “đóng chặt quá khứ”, quên lịch sử đau thương./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét