Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

Ngưng xuyên tạc về giáo dục hiện nay!

 


Thành ngữ Việt Nam có câu “Tuần chay nào cũng có nước mắt” để chỉ thói xấu của những kẻ thường lấy cớ thương cảm, chia sẻ để xía vào câu chuyện của người khác. Trân Văn- một kẻ vong nô, phản quốc là một kẻ như thế. Hoặc nói một cách ví von thì gã như một loại “Cú nhìn, sói chực” chuyên nghề rình rập. Thật vậy, trong nhiều năm qua hầu như bất cứ một sự kiện hay một sự việc gì diễn ra ở Việt Nam thì y đều nhảy vào, xuyên tạc, bịa đặt rồi ra vẻ phân tích, bình luận, suy diễn theo ý kiến chủ quan của mình. Nhưng có chung một mục đích: Chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không từ một thủ đoạn nào.

Gần đây, trên mạng xã hội Trân Văn có bài viết “Xây dựng CNXH, xã hội hóa và ơn Đảng” để xuyên tạc, bịa đặt về việc thu học phí và xã hội hóa giáo dục. Hãy xem những thông tin ấy Trân Văn đã bẻ lái để quy chụp, xuyên tạc và bôi đen trắng trợn như thế nào.

Một là, về học phí thì Trân Văn viết rằng “Học phí ở tất cả các cấp thuộc hệ thống giáo dục phổ thông (nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đã tăng, đang tăng và sẽ còn tiếp tục tăng chưa biết đến khi nào thì ngừng, thậm chí tăng vài lần, có nơi như TP.HCM, học phí THCS tăng gấp năm lần”. Cần được nói ngay, ở đây Trân Văn đã hai lần nói sai.

Lần sai thứ nhất, đây mới là “dự kiến mức học phí năm học 2022-2023” do Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành đang xin ý kiến nhân dân và các ban ngành. Việc này chỉ được thực hiện khi được HĐND của tỉnh/ thành đó thông qua chứ không hề như sự xuyên tạc, bịa đặt, nói lấy được của Trân Văn: “Đã tăng, đang tăng và còn sẽ tiếp tục tăng, chưa biết đến khi nào thì ngừng”.

Lần sai thứ hai, tại Khoản 2 Điều 61 Hiến pháp 2013 quy định “ Bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, nhà nước không thu học phí…”. Như vậy học sinh tiểu học đã được miễn học phí từ rất lâu không như Trân Văn lu loa, học phí tất cả các cấp học đều đã tăng. Cần chú ý, việc quy định mức học phí là do các tỉnh/ thành phố chịu trách nhiệm. Chính phủ chỉ quy định mức trần cho thu, và khuyến khích tăng chế độ miễn, giảm của các tỉnh/ thành. Chính vì thế, có những tỉnh, thành miễn phí cho mọi cấp học như thành phố Hải Phòng. Theo ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng thông tin trên các phương tiện truyền thông thì: Nghị quyết về hỗ trợ 100% học phí là để “mọi người đều được hưởng thành quả phát triển”, để không ai bị bỏ lại phía sau, để không học sinh nào phải bỏ học, dù gia đình khó khăn đến mấy.

Dự thảo quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều vì chúng ta vừa phải vượt qua cơn đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu “xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp; phải rất thận trọng cân nhắc việc tăng học phí, vì phải đảm bảo cuộc sống người dân đang khó khăn, đang phục hồi do dịch Covid-19, phải đánh giá đầy đủ tác động của tăng học phí, giá sách giáo khoa tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kịp thời và báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2022”.

Hai là, Trân Văn viết: “Ở Việt Nam, “dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã dùng… “xã hội hóa” chuyển nghĩa vụ của họ trong những lĩnh vực vốn là phúc lợi công cộng thành trách nhiệm công dân, chất gánh nặng giáo dục, y tế lên vai và lưng của dân chúng”. Quả thực, những thông tin này thể hiện rõ thái độ xếch mé, quy chụp khá tinh vi nhằm công kích Đảng, bôi nhọ chủ trương, chính sách của nhà nước Việt Nam.

Không thể hiểu “xã hội hóa” một cách thô thiển và méo mó như vậy ông Trân Văn nhé. Trên thế giới, đặc biệt là các nước Tây Âu, Đông Á, vấn đề xã hội hóa giáo dục đã được quan tâm từ rất sớm. Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương giáo dục được thực hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ ở những quốc gia nghèo, kém phát triển mà ngay cả ở rất nhiều quốc gia phát triển, công tác xã hội hóa giáo dục càng được thực hiện rộng rãi và có hiệu quả. Tuy nhiên, qua các giai đoạn và tùy từng quốc gia, dân tộc, thuật ngữ xã hội hóa giáo dục có nhiều cách hiểu với những nội hàm ít nhiều, liên quan đến các khía cạnh như: Phi tập trung hóa; giáo dục suốt đời; xã hội học tập; giáo dục cộng đồng … với những đặc điểm cơ bản chung trong thực hiện xã hội hóa giáo dục: Giáo dục luôn là việc làm cần thiết của Chính phủ, chính quyền, ngay cả khi tư nhân được Chính phủ ủy quyền, ủy nhiệm phục vụ cho cộng đồng, nhân dân. Xã hội hóa giáo dục là nhằm bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của toàn xã hội nhằm hướng tới sự phát triển chung của giáo dục. Xã hội hóa giáo dục phải là lợi ích chung của cộng đồng.

Ở Việt Nam, xã hội hóa giáo dục chính thức được đưa ra và thực hiện từ Nghị quyết số 90/NQ-CP, ngày 21/8/1997. Nghị quyết nhấn mạnh: “Mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực, tài lực trong xã hội. Phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn, là chính sách lâu dài, là phương châm thực hiện chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước”.

Có thể thấy, xã hội hóa giáo dục ở nước ta hiện nay được dùng để chỉ quá trình chuyển giao các công việc giáo dục vốn do Nhà nước nắm giữ và thực hiện sang các khu vực khác, với những nguồn lực và hình thức khác ngoài Nhà nước. Hay nói cách khác, xã hội hóa giáo dục bao hàm cả quá trình tư nhân hóa, cổ phần hóa, chuyển giao những cơ sở giáo dục công lập cho dân lập và tư nhân, rộng hơn là chuyển giao một phần công việc do Nhà nước đang làm sang cho tổ chức, cá nhân thực hiện dưới sự quản lý của Nhà nước. Cũng cần nhận thức rõ ràng, xã hội hóa giáo dục không thể đồng nhất với tư nhân hóa giáo dục. Vì tư nhân hóa giáo dục có nghĩa là chuyển cho tư nhân đảm nhiệm cung cấp dịch vụ giáo dục, tức là biến giáo dục thành hàng hóa tư nhân, trong khi đó giáo dục bản chất của nó là một dịch vụ công. Do đó nhà nước phải chăm lo, đảm bảo chất lượng và cung cấp dịch vụ này cho người dân và xã hội. Đây là bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm và chức năng xã hội của nhà nước.

Như vậy, xã hội hóa giáo dục là quá trình chuyển giao những nội dung, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực giáo dục mà nhà nước không nhất thiết phải làm, phải thực hiện, sang cho người dân và các tổ chức xã hội ngoài Nhà nước thực hiện, trên cơ sở các quy định, quy chuẩn theo yêu cầu của Nhà nước nhằm tập hơp nguồn lực xã hội để cùng thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng xã hội học tập.

Bước vào thế kỷ XXI, ở nước ta, việc xã hội hóa giáo dục là để đảm bảo cho người dân học tập suốt đời, có nghĩa là bảo đảm nhu cầu hoàn thiện của từng thành viên trong cộng đồng với sự phát triển kinh tế và sự bình đẳng về giáo dục. Có thể nói, đây là một chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước phù hợp với sự phát triển của xã hội nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho mỗi cá nhân hoàn thiện mình, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân, gia đình, xã hội, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” không như cách nhìn méo mó, lệch lạc của Trân Văn nhằm xuyên tạc, đả kích việc xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Mọi người cần tỉnh táo trước những thông tin xuyên tạc, quy chụp của kẻ chuyên chống phá có tên Trân Văn này nhé.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét