Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

Không thể xuyên tạc, bóp méo lập trường độc lập, tự chủ của Việt Nam trong quan hệ quốc tế

 


Chuyến thăm Trung Quốc (từ ngày 30/10 đến 01/11/2022) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là lãnh đạo cao nhất nước ngoài đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau thành công Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lợi dụng sự kiện này, trên các trang “lề trái” không ít lời bàn tán, xuyên tạc mục đích, ý nghĩa chuyến thăm.

Họ nói rằng, Việt Nam là chư hầu nên phải sang Trung Quốc ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản nước này để nhận lệnh từ thiên triều. Đây là cách nói của những kẻ nhắm mắt nói bừa. Bởi hình ảnh về chuyến thăm đã bác bỏ sự xuyên tạc, bóp méo sự thật của những kẻ có thâm thù với chế độ ta.

Là “chư hầu” sao cờ của Việt Nam sánh ngang hàng, tung bay cùng cờ Trung Quốc? Là “chư hầu” sao Trung Quốc dành nghi thức lễ tân cao nhất (trong đó có bắn 21 phát đại bác mà 03 năm qua lại mới được thực hiện) dành cho nguyên thủ quốc gia để đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước ta? Là “chư hầu” sao khi tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình ngồi ngang hàng, bình đẳng, không có sự phân biệt chủ – tớ? Là “chư hầu” sao khi hội đàm giữa đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc cũng vậy, không có gì để phân biệt chủ – tớ? Là “chư hầu” sao sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2017), nước đầu tiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm đó chính là Việt Nam?

Họ cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Trung Quốc là sang nhận lệnh từ thiên triều(!) “Nhận lệnh từ thiên triều” thì làm sao giữa Việt Nam và Trung Quốc lại ra được “Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”? “Nhận lệnh từ thiên triều” thì làm sao hai bên đã ký được 13 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực? Việc ra Tuyên bố chung và ký các văn kiện hợp tác cho thấy, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia độc lập, bình đẳng trong quan hệ giữa hai nước cũng như trong quan hệ với cộng đồng quốc tế.

Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trao tặng Huân chương Hữu nghị  – phần thưởng cao quý nhất dành cho nhân sĩ nước ngoài của Trung Quốc. Trong buổi Lễ trao Huân chương Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nói: “Chúng tôi trao tặng Huân chương Hữu nghị này thể hiện tình cảm nồng thắm của Đảng, Nhà nước, Nhân dân Trung Quốc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam; thể hiện sự coi trọng và sự kính trọng của Trung Quốc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Bất chấp thực tế đó, một số nhà “dân chủ” tự xưng lại suy diễn, Huân chương Hữu nghị với vòng đeo là “vòng kim cô” để “chói” Việt Nam vào Trung Quốc (!). Đây là sự suy diễn lố bịch của những kẻ không có tư tưởng tự lập. Huân chương Hữu nghị của Trung Quốc không phải Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên được trao tặng, mà đã có một số chính khách nước khác được Trung Quốc trao tặng trước đó. Tất cả những người được trao tặng Huân chương này đều đón nhận với sự trân trọng, không ở đâu và ai suy diễn lố bịch như trên của một số nhà “dân chủ” tự xưng. Bởi việc trang trí Huân chương Hữu nghị mang ý nghĩa sâu sắc. Theo VOV mưu tả thì “Huân chương Hữu nghị” nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có hai màu chủ đạo là vàng và xanh lam; phần mặt của Huân chương có hình chim bồ câu, quả địa cầu, hai bàn tay bắt và hoa sen; phần dây Huân chương là sự kết hợp giữa các yếu tố như Kết Trung Quốc (loại hình nghệ thuật thắt dây của Trung Quốc), lá vạn niên thanh, hoa mẫu đơn, ngọc bích, lan thảo…, tượng trưng cho tình đoàn kết hữu hảo, hữu nghị trường tồn giữa nhân dân Trung Quốc và nhân dân các quốc gia, cũng như ước vọng về sự phát triển phồn vinh chung của các nước trên thế giới. Những người có đầu óc thiển cận không hiểu nổi nên chỉ có thể suy luận một cách xuẩn ngốc như những “nhà dân chủ” tự xưng mà thôi!

Họ còn nói Việt Nam tuyên bố không chọn phe, chỉ chọn chính nghĩa, lẽ phải, nhưng việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao nước ta sang thăm Trung Quốc và là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên sang thăm Trung Quốc ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công, chứng tỏ Việt Nam đã chọn phe (!) Nói thế là họ đã lờ đi đường lối đối ngoại của Đảng ta là đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của các tổ chức và cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập, tự do, vì sự tiến bộ xã hội. Trong quan hệ hợp tác ấy, Việt Nam phân biệt rõ ràng đối tác và đối tượng. Theo đó, những ai ủng hộ con đường độc lập dân tộc và CNXH của Việt Nam đều là đối tác của chúng ta; những ai cản trở con đường đó đều là đối tượng để đấu tranh. Và trong đối tượng có mặt cần hợp tác, trong đối tác có mặt phải đấu tranh. Như vậy, trong quan hệ đối ngoại là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh. Hợp tác với những mặt tương đồng, đấu tranh với những mặt còn khác biệt. Điều đó chứng tỏ rằng, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta có đi thăm Trung Quốc hay nước nào đó không có nghĩa là chọn đi theo nước đó, hoặc nguyên thủ quốc gia nào sang thăm Việt Nam là Việt Nam đi theo họ. Mà trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn thực hiện đường lối độc lập, tự chủ. Tất nhiên, trong quan hệ đối ngoại, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng lẫn nhau mà Việt Nam có các tầng mức quan hệ khác nhau. Đó cũng là lẽ bình thường như bao quốc gia khác. Với đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị và chỉ có quan hệ với các nước XHCN, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, trong đó, có 17 đối tác chiến lược (3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với tất cả nước lớn, trong đó có đủ 05 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Với chính sách quốc phòng “4 không”, Việt Nam đã thẳng thắn tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng: (1). Không tham gia liên minh quân sự; (2). Không liên kết với nước này để chống nước kia; (3). Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác và (4). Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Điều đó chứng tỏ quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam là không chọn phe, mà chỉ chọn chính nghĩa, chọn lẽ phải. Vậy nên, dù họ có cố tình gán gép theo kiểu “Gắp lửa bỏ tay người” cũng không thể xuyên tạc, bóp méo lập trường độc lập, tự chủ của Việt Nam trong quan hệ quốc tế./.

Nguyễn Văn

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét