Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Thiết lập 'sợi chỉ đỏ' nhận thức nhân quyền tới các cấp cơ sở - Bài tiếp

 


Dù Việt Nam đã làm tốt công tác tôn giáo, bảo đảm quyền con người, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song những tác động tiêu cực xuất phát từ các luận điệu xuyên tạc, “bóp méo” nhân quyền cùng với thông tin sai trái như “luồng gió độc” vẫn đang càn quét trên mạng Internet.

Gần đây là vấn đề “mua bán người” đang được các thế lực thù địch, thiếu thiện chí ở trong và ngoài nước vu cáo, lợi dụng để xuyên tạc, hạ uy tín của Việt Nam; tạo cớ cho các hoạt động gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

Thực tế trên đòi hỏi Việt Nam cần phải thiết lập được “sợi chỉ đỏ” nhận thức về nhân quyền thống nhất tới các cấp cơ sở đồng thời tăng cường cơ chế phối hợp quyết liệt, hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc nhận diện, giải thích, làm rõ, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch bảo vệ hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Không chủ quan trước các luận điện “bóp méo” nhân quyền

Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ cho biết nhân quyền ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trong đời sống chính trị thế giới, là một trong ba trụ cột hoạt động của Liên hợp quốc cùng với hòa bình, an ninh và phát triển. Đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn xác định bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là chủ trương xuyên suốt, thể hiện trong hàng loạt các văn bản của Đảng, Chính phủ và hiến định trong Hiến pháp 2013.

Vừa qua, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm quyền con người khi khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.”

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Kỷ, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí ở trong và ngoài nước vẫn thường xuyên lợi dụng vấn đề nhân quyền để kích động các hoạt động chống phá đất nước. Trong số đó, vấn đề dân tộc thiểu số, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận, Internet và gần đây là vấn đề mua bán người đang được triệt để lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo, hạ uy tín của Việt Nam.

Thực tế trên đã tạo cớ cho các hoạt động gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của ta. Minh chứng là Mỹ và một số nước phương Tây thường xuyên sử dụng các báo cáo thường niên để xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền Việt Nam, nhất là báo cáo về nhân quyền, tự do tôn giáo và mua bán người.

Đáng chú ý, ngày 20/7/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2022 (sau 3 năm liên tiếp từ 2019-2021), xếp Việt Nam vào “nhóm 2 cần theo dõi,” lần đầu tiên Việt Nam bị hạ bậc xuống “nhóm 3” - các quốc gia trong danh sách này sẽ phải chịu một số chế tài từ chính quyền Mỹ.

Động thái trên cùng việc một số cơ chế nhân quyền Liên Hợp quốc nêu quan ngại liên quan đến người lao động Việt Nam ở nước ngoài sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Không chỉ bị tác động tiêu cực bởi các luận điệu, thông tin độc hại từ bên ngoài, ở trong nước - lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhất là các hoạt động lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do Internet,… các thế lực thù địch vẫn thường xuyên xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng, thái độ thù địch, bôi nhọ hình ảnh, uy tín đất nước ta.

Hoạt động thành lập “nhà nước Mông” xảy ra tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, xảy ra trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng bởi các loại tà đạo như “Giê Sùa” và “Bà Cô Dợ” có nguồn gốc từ người Mông ở Mỹ là minh chứng.

Cho đến nay, theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Tống Thanh Hải, công tác nhân quyền trên địa bàn đã được tỉnh quan tâm, thực hiện hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống và quyền con người. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định; không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước.

Tuy vậy, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Lai Châu vẫn không khỏi trăn trở khi nhận thức về vấn đề nhân quyền và công tác nhân quyền của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đầy đủ; chưa được tiếp cận sâu, rộng với các kiến thức nền về công tác nhân quyền.

Nâng cao nhận thức, không để ai bị bỏ lại phía sau

Để trang bị thông tin, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội và đặc biệt là lãnh đạo, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, tham mưu, thực hiện công tác nhân quyền tại các cấp cơ sở, ngày 23/8 vừa qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Lai Châu tổ chức hội nghị về công tác nhân quyền quy mô lớn nhất từ trước tới nay thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 14 điểm cầu, với số lượng hơn 3.100 cán bộ trên toàn tỉnh tham gia.

Ngoài ra, sự kiện trên còn thu hút sự tham gia của các trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín với kỳ vọng sẽ thiết lập nên “sợi chỉ đỏ” nhận thức về nhân quyền thống nhất tới các cấp cơ sở và người dân.

Trong thông điệp gửi đến các cán bộ tham dự hội nghị tập huấn trên, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cũng nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh tổ chức một hội nghị tập huấn về lĩnh vực nhân quyền quan trọng với quy mô lớn, qua đó xác định: “Công tác nhân quyền là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị; cần sự vào cuộc của các cấp, ngành từ cấp tỉnh đến cấp cở sở, trong đó lực lượng nào gần dân, sát dân và liên quan đến quyền và lợi ích của người dân nhất thì đó là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền.”

Khẳng định việc trang bị thông tin, kiến thức cho cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền ở các địa phương là hết sức cần thiết, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ cho rằng hội nghị là diễn đàn để chia sẻ; giải đáp những vấn đề còn khó khăn vướng mắc, mở ra các định hướng cho công tác nhân quyền tại địa bàn Lai Châu.

Bên cạnh đó, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, việc tổ chức hội nghị tập huấn công tác nhân quyền không chỉ cập nhật, nâng cao và thống nhất nhận thức cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của tỉnh về tình hình, công tác nhân quyền trong giai đoạn mới; nâng cao kỹ năng xử lý tình huống cho cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền tại địa phương, mà còn góp phần đấu tranh hiệu quả với hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân chủ và nhân quyền để gây rối, chống phá Việt Nam.

Thông tin thêm về việc bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Ủy ban Dân tộc) Trần Chi Mai nhấn mạnh: Bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số là trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân; trong đó Nhà nước giữ vai trò quan trọng, tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng về bảo đảm và thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình mới.

Với trách nhiệm đó, bà Mai cho rằng bảo đảm và thúc đẩy quyền cho người dân tộc thiểu số phải gắn với phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giới; nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, từ đó góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội để đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Loại bỏ thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng

Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nhân quyền thống nhất tới các cấp cơ sở, công tác quản lý nhà nước về thông tin trên mạng, quyết liệt đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc trên môi trường mạng Internet cũng được Việt Nam xác định là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo vệ hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Chia sẻ tại buổi tập huấn về công tác nhân quyền cho cán bộ trên toàn tỉnh Lai Châu mới đây, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Đinh Tiến Dũng cho biết theo thống kê từ Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng mạng xã hội nhất - với số lượng người dùng lên tới khoảng 73,6 triệu người vào năm 2020. Tới năm 2021, khoảng 95% người dùng Internet Việt Nam sử dụng Facebook, đưa nền tảng này trở thành kênh truyền thông xã hội hàng đầu, tiếp đến là Zalo (với 35 triệu người dùng).

Tuy nhiên, do tính đặc thù là “không gian mở” nên việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội là không dễ, các nguồn thông tin đúng, sai khó bề kiểm chứng; tốc độ phát tán rộng rãi, nhanh chóng thông qua rất nhiều hình thức khác nhau. Thực tế, khi thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm cá nhân hay tổ chức, hình ảnh nhạy cảm, phản cảm sẽ gây tác động tiêu cực đến nhiều người.

Ngày nay, mạng xã hội đã trở thành môi trường tiềm năng, không gian lý tưởng cho các thế lực thù địch và đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Trong số đó, dân chủ, tôn giáo và nhân quyền luôn là vấn đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch thường lợi dụng “bóp méo” sự thật, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì thế, giữ cho không gian mạng lành mạnh, ‘không ô nhiễm’ là nhiệm vụ của cả người dùng và cơ quan quản lý.

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Dũng cho biết thời gian qua, cơ quan này đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống ngăn chặn thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu giải pháp tiếp nhận phản ánh của cá nhân, tổ chức về các thông tin sai sự thật, xấu, độc trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực tới người dân; đấu tranh với Google, Facebook loại bỏ thông tin xấu độc; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp phát tán thông tin không đúng sự thật trên Internet...

Nói thêm về kinh nghiệm nhận diện tin giả, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại cho rằng việc xác định thông tin đầu vào có vai trò hết sức quan trọng trong công tác giải thích, làm rõ đồng thời nắm bắt thông tin sẽ giúp cơ quan quản lý kịp thời chủ động phân tích và xây dựng các biện pháp truyền thông phù hợp, qua đó giúp người dân hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước.

Ghi nhận của phóng viên tại tỉnh Lai Châu, đặc biệt là xã Tà Tổng cho thấy hội nghị tập huấn về công tác nhân quyền diễn ra ngày 23/8 vừa qua đã mang đến rất nhiều nội dung, thông tin quan trọng, qua đó “lấp đầy” các khoảng trống nhận thức cho cán bộ cấp cơ sở.

Bí thư Đảng bộ xã Tà Tổng Lỳ Phù Cà thẳng thắn nhìn nhận hội nghị diễn ra đúng thời điểm mà cấp ủy chính quyền, cũng như một số cán bộ công chức, viên chức và đồng bào, nhân dân trên địa bàn chưa hiểu hết về vấn đề nhân quyền; nhất là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các đồng bào sinh hoạt tôn giáo.

“Với vai trò là người đúng đầu cấp ủy, chính quyền, chúng tôi đã nhận thức đúng đắn và tiếp thu đầy đủ các nội dung mà đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý thông tin tại hội nghị. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch, chương trình, phân công nhiệm vụ để tới đây sẽ tổ chức hội nghị quán triệt sâu rộng tới các chi bộ, cơ quan, đơn vị. Qua đó, các cán bộ sẽ có trách nhiệm tuyên truyền, nối dài ‘sợ chỉ đỏ’ nhận thức tới từng người dân để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, tươi đẹp hơn,” Bí thư Lỳ Phù Cà nhấn mạnh./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét