Đây là chia sẻ của nhiều nhân vật trong chương trình Góc nhìn văn hóa số mới nhất.
Đàn ông, phụ nữ hay bất cứ ai đều phải đối mặt với những áp lực riêng, những khó khăn riêng. Nhưng với đàn ông, nhiều khi áp lực không chỉ tới từ công việc. Họ phải gánh vác trên vai nhiều gánh nặng, trong đó có cả những gánh nặng vô hình.
Trong quan niệm truyền thống của người Việt, người đàn ông là trụ cột gia đình. Từ khi họ sinh ra đã được dạy phải gánh vác trên vai trách nhiệm này. Đàn ông phải kiếm tiền về nuôi cha mẹ, vợ con, phải thành công trong sự nghiệp, phải có sức khỏe tốt để gánh vác các việc nặng nhọc trong gia đình, phải mạnh mẽ để che mưa che nắng cho phụ nữ. Những định kiến giới này khiến nhiều người đàn ông cảm thấy mệt mỏi, áp lực... nhưng thậm chí cũng không dám bộc lộ ra ngoài. Bởi từ khi còn nhỏ, họ đã được dạy đàn ông không được yếu đuối, không được khóc. Một câu hỏi được đặt ra là khi phụ nữ mệt mỏi, đàn ông là bờ vai cho họ dựa vào. Vậy khi đàn ông mệt mỏi, họ có thể tựa vào đâu?
"Nam giới cũng đang phải chịu nhiều thứ liên quan đến định kiến giới. Vào thời nguyên thủy, khi nam giới bắt đầu tham gia vào săn bắn, người phụ nữ ở nhà hái lượm, từ đó đã hình thành nên những vai trò khác nhau. Người ta quy cho nam giới những chuẩn mực nhất định mà họ phải tuân theo. Theo chiều dài lịch sử, ở một số nước cũng góp phẩn thay đổi những chuẩn mực đó, gỡ bỏ những gánh nặng cho nam giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam xu hướng này có xảy ra nhưng còn chậm", bà Lê Thị Lan Phương - Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, UN Women Việt Nam chia sẻ.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, có gần 25% số nam giới được phỏng vấn cho rằng họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% bị áp lực kinh tế, gần 70% bị áp lực về sự nghiệp.
Vì cho rằng đàn ông là trụ cột nên nếu họ không kiếm tiền nhiều hơn vợ, họ sẽ cảm thấy mình kém cỏi. Vì cho rằng đàn ông là phải mạnh mẽ nên nếu họ ốm yếu, không ít người sẽ nghĩ mình vô dụng. Vì cho rằng đàn ông phải bản lĩnh, nên khi gặp khó khăn, mất phương hướng, nhiều người sẽ tìm cách che giấu. Điều này nhiều khi khiến họ cảm thấy cô đơn ngay trong chính tổ ấm của mình. Việc duy trì những định kiến giới theo quan niệm cũ khiến vợ - chồng đôi khi khó chia sẻ, thấu hiểu nhau, gây ra những mâu thuẫn không đáng có.
"Áp lực làm trụ cột khiến rất nhiều người đàn ông bị ám ảnh. Những áp lực đó có thể kéo dài triền miên, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người đàn ông rất nhiều, khiến họ sinh ra cáu. Ở một số người, nó thành hành vi bạo lực", TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội – cho biết.
Xã hội Việt Nam đang trong giai đoạn giao thoa, giữa một bên là những quan niệm mới của xã hội hiện đại và một bên là những quan niệm cũ, truyền thống. Áp lực lên vai người đàn ông phản ánh sự tiếp biến về hệ giá trị trong mỗi gia đình, hệ giá trị con người, giá trị về giới. Từ vai trò thụ động trong gia đình, người phụ nữ ngày nay dần khẳng định được vị thế, cùng gánh vác về kinh tế. Một số người vợ thậm chí còn nắm giữ vai trò chủ lực về kinh tế trong gia đình. Điều này có thể là niềm vui vì được chia sẻ gánh nặng với người đàn ông này, nhưng lại là nỗi buồn và cảm giác thất bại với người đàn ông khác.
Đã tới lúc, xã hội cần gạt bỏ định kiến giới, để người đàn ông cũng như người phụ nữ không còn bị trói buộc bởi những quan niệm cũ, làm việc và hạnh phúc với những gì cá nhân mình có thể làm được, thay vì những gì mình phải làm theo kỳ vọng của người khác. Nhưng để thay đổi được những định kiến về giới trong tương lai một cách bền vững thì cần quan tâm tới việc giáo dục những đứa trẻ, bao gồm cả trẻ em trai và trẻ em gái.
"Những em bé trai khi khóc hoàn toàn có thể làm diều đó một cách thoải mái, thể hiện cảm xúc của mình thay vì trấn áp ngay từ nhỏ rằng con trai phải mạnh mẽ, không được khóc. Từ những việc nhỏ trong gia đình, chúng ta có thể giúp những người đàn ông khi lớn lên có thái độ bình đẳng, vượt qua áp lực về định kiến giới…", bà Lê Thị Lan Phương chia sẻ thêm.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định "Cần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh". Sự tiến bộ, hạnh phúc, văn minh sẽ có, khi mỗi thành viên trong gia đình có thể phát huy hết khả năng của mình. Tôn trọng, yêu thương nhau. Có thể chia sẻ cùng nhau mọi vấn đề trong cuộc sống. Chồng và vợ đều là chỗ dựa cho nhau khi thành công cũng như lúc khó khăn, thất bại. Khi vui cũng như lúc buồn. Khi nhận được sự sẻ chia đúng lúc, áp lực trên vai cả người đàn ông và người phụ nữ đều nhẹ đi đáng kể. Cả hai cùng chia sẻ trách nhiệm, tạo điều kiện cho nhau phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét