Cùng với việc
tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức về nhân quyền
thống nhất tới các cấp cơ sở, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước,
Bộ Công an đã đưa hàng trăm công an chính quy về các xã, đặc biệt là các xã
vùng sâu, vùng xa, biên giới trên cả nước để nắm địa bàn, đảm bảo an ninh trật
tự; hỗ trợ người dân làm nhà, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững “phên dậu”
- thành trì bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Giúp dân bản
“bồi đắp” tri thức, “thông sáng” tâm hồn
Một ngày cuối
tháng Tám, nắng vàng như rót mật, chúng tôi tìm đến xã Huổi Luông (huyện Phong
Thổ, tỉnh Lai Châu) - xã biên giới giáp với Trung Quốc. Nơi đây có 21 bản với
trên 1.440 hộ gia đình, hơn 7.600 nhân khẩu; gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống;
trong đó dân tộc Hà Nhì, Dao, Mông chiếm đa số.
Từ khi có lực
lượng công an chính quy về xã, các chiến sĩ đã tăng cường vận động, tuyên truyền
đến người dân nơi đây từ bỏ một số tập tục lạc hậu, đoàn kết xây dựng đời sống
văn hóa, phát triển kinh tế, chung tay bảo vệ vững chắc biên cương.
Đón chúng tôi
với nụ cười rạng rỡ, đại tá Đoàn Tá Chinh cho biết trước khi về công tác tại Công
an xã Huổi Luông, anh là giảng viên của Trường Học viện Cảnh sát Nhân dân. Theo
lệnh điều động vào tháng 7/2021, Chinh cùng gần 400 đồng nghiệp đang công tác tại
các đơn vị trực thuộc Bộ Công an đã được điều động về xã biên giới trọng điểm,
phức tạp về an ninh, trật tự thuộc tỉnh Lai Châu.
“Khi được điều
động về các địa phương vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các xã hẻo lánh, ‘điểm
nóng’ về an ninh trật tự ở các xã biên giới, anh em chiến sĩ chúng tôi luôn cố
gắng, quyết tâm, nỗ lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước cũng như
ngành công an giao phó,” đại tá Chinh nhấn mạnh.
Với xã Huổi
Luông (địa bàn với 4 dân tộc chính là Hà Nhì, Dao, Mông và người Kinh), đại tá
Chinh cho biết khi mới về cơ sở, quá trình tiếp xúc, làm việc, học hỏi, động
viên người dân các đồng bào dân tộc thiểu số cũng có những rào cản nhất định,
do chưa được học tiếng dân tộc. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, anh luôn nỗ
lực học tiếng để có thể tiếp xúc, gặp gỡ làm việc với bà con được thuận tiện
hơn cũng như truyền đạt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp
luật của Nhà nước, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đến trực
tiếp với người dân; qua đó để người dân tin tưởng, nhận thức đúng đắn và chấp
hành đúng pháp luật.
Đơn cử như việc
triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện
tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.”
Nhiệm vụ đặt ra là thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lợi
ích của đề án, cấp phát làm căn cước công dân, giấy đăng ký tài khoản định danh
điện tử để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên,
trong quá trình triển khai, các chiến sĩ công an gặp rất nhiều khó khăn liên
quan đến việc chỉnh sửa, làm “sạch” thông tin, dữ liệu dân cư của người dân. Lý
do là trước đây, nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện được
đi học nên việc nói tiếng phổ thông còn rất hạn chế, dẫn tới khai sinh theo nhiều
tên gọi khác nhau (có người vì buồn cũng đổi tên). Chưa kể, mỗi lần khai sinh lại
theo một năm sinh khác nhau. Vì thế, việc làm “sạch” dữ liệu dân cư là rất quan
trọng.
Hay như việc
nhận thức, tiếp cận chính sách, pháp luật của người dân tộc thiểu số tại các
vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh
cũng còn rất hạn chế. Do vậy, việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của
bà con về các chính sách phát triển kinh tế-xã hội cũng như kỹ năng sử dụng điện
thoại là rất cần thiết để người dân có thể tự phòng ngừa, cảnh giác, không bị
các đối tượng xấu trên mạng lợi dụng chiếm đoạt tài sản; tránh bị lôi kéo vào
con đường phạm tội như buôn lậu, sập bẫy của các đối tượng mua bán người...
“Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an cũng như Ban
lãnh đạo Công an tỉnh Lai Châu, lãnh đạo Công an huyện Phong Thổ, tập thể cán bộ,
chiến sĩ Công an xã Huổi Luông đã luôn chủ động làm tốt công tác gặp gỡ, tuyên
truyền, có những hôm thay nhau làm cả ngày lẫn đêm, với quyết tâm nâng cao nhận
thức cho người dân, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn,” đại tá Chinh nói.
Không chỉ làm
tròn công tác chuyên môn, trách nhiệm với địa bàn, các chiến sĩ Công an xã Huổi
Luông còn tăng cường động viên các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh
khó khăn cho con đi học trở lại. Để tiếp sức cho các em đến trường, các chiến
sĩ công an xã và chính quyền xã đã tổ chức quyên góp, hỗ trợ về kinh phí. Nhờ
đó, con đường đến trường của các em ngày một rộng mở.
Ngoài ra,
Công an xã Huổi Luông còn nghiên cứu, lắp đặt “Giá sách nhân dân" bởi theo
các chiến sĩ nơi đây thì “hồ nước nhờ có dòng chảy liên tục mà trong xanh; con
người cũng vậy, nhờ có sự bồi đắp của tri thức mà trí tuệ, tâm hồn được thông
sáng.”
Làm nhà ở
cho người nghèo - “Vẹn tròn” với nhân dân
Không chỉ
tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, “bồi
đắp” tri thức, “thông sáng” tâm hồn cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số
vùng sâu, vùng xa biên giới, các chiến sĩ công an còn “hóa thân” thành những
người thợ xây, thợ cơ khí chuyên nghiệp, tham gia vào công cuộc hỗ trợ người
dân làm nhà, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững “phên dậu”
- thành trì bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Đơn cử như tại
tỉnh Lai Châu - tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc có 20 dân tộc cùng sinh
sống, trong đó có 3 dân tộc đặc biệt khó khăn và dường như chỉ sống ở trên địa
bàn tỉnh này (đó là các dân tộc Cống, Mạc, La Hủ). Những năm trước, đời sống của
người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là người dân huyện biên giới Mường Tè, với
gần 3.680 hộ nghèo, chiếm khoảng 36% dân số toàn huyện.
Trong cái
khó, cái nghèo đó, rất nhiều hộ gia đình chưa có nhà ở hoặc ở nhà tạm bợ bằng
tranh, tre, nứa lá, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào cũng như không đảm bảo an
toàn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, gió lốc. Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, diện
mạo của huyện huyện Mường Tè đã có những chuyển biến khởi sắc.
Đặc biệt, được
sự quan tâm của Đảng ủy cơ quan công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, sự hỗ
trợ của Thành ủy, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lai Châu
đã triển khai đề án hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại Mường Tè (gọi tắt là
đề án 245) với mong muốn giúp các hộ gia đình nghèo được sống an toàn trong
ngôi nhà mới để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững,
bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Yêu cầu đặt
ra là nhà phải đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng (gồm nền cứng, khung tường cứng và mái
cứng) với thiết kế nhà cao 2,9m cùng hệ thống điện, hệ thống gom nước mưa… đảm
bảo chắc chắn, an toàn và phù hợp với điều kiện khắc nghiệt tại Mường Tè. Đối
tượng được hỗ trợ theo đề án là các gia đình khó khăn về nhà ở thuộc diện gia
đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo được cơ quan có thẩm
quyền công nhận nhưng chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở.
Trong quá
trình triển khai, do địa hình đi lại khó khăn nên vật liệu vận chuyển từ xã vào
các bản xây nhà chủ yếu là bằng sức người, thậm chí có những bản phải đi bộ hơn
20km. Thế nhưng, bằng đôi vai, đôi chân của các chiến sĩ và các công chức, viên
chức, đoàn thanh niên, bám theo những khe suối, triền núi, hơn 1.000 ngôi nhà
đã được xây dựng kịp thời, giúp bà con an toàn hơn trước mỗi mùa mưa bão.
Khẳng định việc
triển khai đề án 245 trên là chủ trương rất kịp thời, Ủy viên Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị quan
trọng, mang ý nghĩa nhân văn, sâu sắc. Do đó, tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, ủy
ban nhân dân tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, giao cho công an tỉnh xây dựng
đề án và chủ trì với các cấp ủy, chính quyền của huyện Mường Tè cũng như các lực
lượng quân đội, biên phòng để tiến hành các biện pháp triển khai thực hiện đồng
thời rà soát đúng người, đúng đối tượng để hỗ trợ.
“Với sự vào
cuộc kịp thời của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, sự đồng tình, ủng
hộ của nhân dân, đề án 245 đã hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ đề ra, qua đó
giúp nhân dân có ngôi nhà an toàn hơn để yên tâm phát triển kinh tế-xã hội,”
ông Giàng Páo Mỷ nói.
Ghi nhận của
phóng viên VietnamPlus tại huyện Mường Tè vào những ngày cuối tháng 8/2022 cho
thấy diện mạo của các xã thuộc huyện vùng cao biên giới này đang ngày càng đổi
thay. Những ngôi nhà mới, khang trang với cờ tổ quốc, ảnh Bác Hồ được đặt ở các
vị trí trang trọng nhất, thể hiện sự biết ơn của bà con trước sự quan tâm của Đảng,
Nhà nước; giúp đồng bào ổn định chỗ ở, ổn định cuộc sống.
Chia sẻ với
chúng tôi, ông Sùng A Lâu ở bản Cao Chải, xã Tà Tổng cho biết nhờ có đề án 245,
gia đình đã được sống trong ngôi nhà rộng rãi, khang trang hơn. “Từ khi có ngôi
nhà mới này, gia đình tôi vui sướng lắm. Giờ đây, chúng tôi có thể yên tâm phát
triển kinh tế, để quê hương ngày một khởi sắc,” ông Lâu phấn khởi nói.
Xây dựng
xã bản kiểu mẫu, vùng cao vươn mình đổi mới
Được sự quan
tâm của Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền các cấp địa phương, đặc biệt là lực
lượng công an chính quy được Bộ Công an phân công, điều động về xã, hỗ trợ bà
con, nhiều làng bản vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Lai Châu đang ngày
vươn mình đổi mới, trở thành “hình mẫu” cho rất nhiều bản phát triển kinh tế,
vươn lên thoát nghèo.
Điển hình cho
sự đổi mới trên là bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải (1 trong 8 bản của xã Hồ
Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) - nơi được biết đến là bản homestay “hút”
khách, nằm cheo leo trên đỉnh núi cao 1.500m so với mực nước biển. Tại đây chủ
yếu là dân tộc người Dao sinh sống. Từ khi có lực lượng công an chính quy về
xã, các cán bộ chiến sĩ đã tăng cường vận động, tuyên truyền người dân nơi đây
chung tay xây dựng xã miền núi kiểu mẫu, không ma túy.
Theo đó, để tạo
nên một cộng đồng đoàn kết, cùng phát triển, dưới sự tham mưu của công an xã,
hướng dẫn, sắp xếp của Đảng bộ, Ủy ban Nhân dân xã Hồ Thầu, các hộ dân trong bản
đã phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trồng những cây ăn trái mang đặc trưng của
vùng Tây Bắc. Từ đó, những rừng đào, lê, mận được trồng bạt ngàn xung quanh bản,
vừa để giữ đất vừa phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm, mua sắm sản vật
địa phương, tạo sinh kế cho người dân.
Mặt khác, các
gia đình có điều kiện làm homestay sẽ mua nguồn thực phẩm (những món ngon, đặc
sản), đồ lưu niệm từ những hộ dân khác trong bản để phục vụ khách du lịch, cũng
như tạo điều kiện cho các hộ này có thêm thu nhập.
Cùng với phát
triển kinh tế, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an xã Hồ Thầu cũng đã chủ động tham
mưu ủy ban nhân dân xã xây dựng và triển khai thực hiện phân công cụ thể cho
các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch lồng ghép công tác chuyên môn với
tuyên truyền, phòng chống hiệu quả các loại tội phạm.
Chia sẻ với
chúng tôi, Thiếu tá Giàng Văn Hảo, Trưởng Công an xã Hồ Thầu cho biết: “Thời
gian qua, chúng tôi đã triển khai kế hoạch xây dựng xã Hồ Thầu là xã miền núi
không có tệ nạn ma túy. Hàng đêm, lực lượng công an xã và công an viên theo kế
hoạch được phân công sẽ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự.”
Cùng với đó,
lực lượng Công an xã Hồ Thầu cũng tăng cường vận động người dân không xuất cảnh
trái phép sang Trung Quốc; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, phát triển mô hình toàn dân bảo vệ an
ninh Tổ quốc; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm; phối hợp chặt chẽ với công
an xã trong việc đảm bảo đảm an ninh trật tự bản, khu dân cư; củng cố, duy trì,
phát triển các tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân...
Một trong những
mô hình hay, hiệu quả và tiêu biểu của Công an xã Hồ Thầu chính là việc tham
mưu ủy ban nhân dân xã thành lập và ra mắt mô hình “Camera an ninh.” Dù có nhiều
khó khăn về kinh tế, song hiện nay xã Hồ Thầu đã lắp đặt 21 camera an ninh tại
các vị trí trọng điểm của các bản. Những “mắt thần” hoạt động bất kể ngày đêm,
trong mọi điều kiện thời tiết, hỗ trợ hiệu quả lực lượng Công an xã Hồ Thầu bảo
đảm đảm an ninh trật tự, bình yên trên địa bàn.
Trong câu
chuyện với phóng viên, anh Phàn A Pao (người dân ở bản Sì Thâu Chải) hồ hởi cho
biết hai năm về trước, một số tập tục lạc hậu vẫn còn ăn sâu vào đời sống của
người dân nơi đây. Do đó, các đối tượng tội phạm đã lợi dụng sự kém hiểu biết của
một số người dân để thực hiện phạm tội, gây mất an ninh trật tự, nghiện hút ma
túy vì thế mà trở nên phức tạp.
“Từ khi có
các đồng chí công an chính quy về xã tuyên truyền, vận động, giúp đỡ, bà con
trong bản đã từ bỏ tập tục lạc hậu, không còn tin kẻ xấu. Xe máy của người dân
trong bản để ở ven đường cả đêm lẫn ngày cũng không lo bị mất. Giờ thì chúng
tôi yên tâm lắm!” anh Pao phấn khởi nói./.