Ngày 14/12/2020, Bộ Nội vụ công bố Chiến lược quốc gia thu hút, sử dụng nhân tài để lấy ý kiến nhân dân. Ngay sau đó, ngày 17/01/2021, Facebook Việt Tân có bài: Cộng sản Việt Nam không có thiện chí sử dụng nhân tài, trong đó viện dẫn một số lý do, như: sinh viên ra trường không có việc làm phải chạy Grab, bổ nhiệm người thân vào các vị trí tốt để cả họ làm quan, một số người giỏi không về phục vụ đất nước, v.v.
Thực tế đó chúng ta hoàn toàn không phủ nhận vì nó là hiện thực xã hội, xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào, còn kết luận của Việt Tân là không đúng. Vì, trước hết, cần hiểu rằng, nhân tài là người: năng lực trí tuệ và phẩm chất đạo đức cao; có óc sáng tạo; biết giải quyết công việc, xử lý vấn đề mới đặt ra hơn hẳn người khác; họ là người nổi trội trong số đông, có tầm ảnh hưởng lớn trong một vùng, có thể làm thay đổi bộ mặt của một quốc gia.
Ở Việt Nam, Bác Hồ - một nhân tài hiếm có, là điều cả thế giới công nhận. Nhưng Bác cũng là người có năng lực trọng dụng và sử dụng nhân tài hiếm có trong lịch sử thế giới. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam có hơn 95% dân số mù chữ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lấy gì để học hành phấn đấu, lấy đâu ra nhiều người có học cao, hiểu rộng; tầng lớp tinh hoa, cơ bản phục vụ chính quyền thực dân. Vậy mà, bằng ý chí và khát phục giải phóng dân tộc, khôi phục đất nước, vì độc lập, tự do, Bác đã chiêu mộ được người tài trên khắp mọi miền đất nước, cả trong nước và ngoài nước. Đó là, Võ Nguyên Giáp được Bác giao cho một đội quân 34 người cùng sứ mệnh lịnh sử đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập. Tướng Giáp nguyên là giáo viên trung học, chưa từng được đào tạo về chính trị, quân sự, ngoại giao,… nhưng ông có sự sáng tạo thần kỳ trong mọi lĩnh vực, nhất là trong tổ chức, phát triển Quân đội và chỉ huy, chỉ đạo chiến tranh. Giáo sư Trần Đại Nghĩa đang là kỹ sư trưởng trong Ngành Hàng không nước Pháp, hưởng lương trên 20 cây vàng mỗi tháng đã theo tiếng gọi của Bác về phục vụ quê hương. Làm việc trong rừng sâu, không máy móc, không điện, chỉ với những lò rèn thô sơ nhưng ông đã dùng óc sáng tạo tuyệt vời để vượt qua khó khăn, thiếu thốn, sản sinh ra nhiều thế hệ vũ khí phục vụ kháng chiến. Các thế hệ trong chiến tranh chống Mỹ đã sáng tạo bắn rơi B52, phá bom từ trường, vô hiệu hóa hàng rào điện tử,… bằng trang bị, khí tài thô sơ và còn rất nhiều tấm gương người tài khác nữa. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã tư duy đột phá, bỏ qua ý thức hệ về tập trung quan liêu bao cấp, chuyển đất nước sang nền kinh tế thị trường đưa đất nước có vị thế như ngày hôm nay. Như vậy, lịch sử đã khẳng định, nước ta không thiếu người tài và việc sử dụng nhân tài cũng rất độc đáo.
Ngày nay, thị trường siêu cạnh tranh, hợp tác và đấu tranh đan xen; các nước tiến vào một sân chơi chung; người tài có thể di chuyển và làm việc trên khắp thế giới, v.v. Do đó, mỗi người dân cần có những phẩm chất nhất định để trở thành công dân toàn cầu; những ai không theo kịp với bối cảnh sẽ bị xã hội phân loại, bằng cấp chỉ góp một phần rất nhỏ trong năng lực làm việc của con người; lợi ích nhóm trở thành trào lưu mới trên thế giới. Nhận thức rõ điều đó, trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước luôn đề cập đến việc trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước, nhất là Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đồng thời, ban hành một số quy định về cơ cấu nhân sự trong cấp ủy, chính quyền các cấp để chống “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền. Đặc biệt, trong nhiều kỳ họp bàn về nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung ương khóa XII luôn lưu ý toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung trí tuệ, tìm người đủ đức, đủ tài phục vụ Tổ quốc và nhân dân.
Chiến lược quốc gia thu hút, sử dụng nhân tài là sự cụ thể hóa đường lối của Đảng, là tư duy đột phá mới; mong muốn trọng dụng người tài là quyết tâm của hệ thống chính trị trên cơ sở kế thừa truyền thống cách mạng, đưa Việt Nam cất cánh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét