Ngày 11/01, kênh VOA Tiếng Việt đăng bài “Mạng xã hội chặn Tổng thống Trump, người Việt tranh cãi nảy lửa về tự do ngôn luận”. Bài viết đã đăng tải ý kiến của một số người Việt lâu nay tự coi là nhà hoạt động cho tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền về sự kiện mạng xã hội Twitter, Facebook chặn, khóa tài khoản của Tổng thống Trump. Theo bài viết thì hiện đang có 2 luồng ý kiến tranh luận trái ngược nhau về vấn đề này. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng việc mạng xã hội Twitter, Facebook làm như vậy “đã vi phạm đạo đức”, là “đi tiên phong bịt miệng ông Trump”, là “hành động tồi tệ, đàn áp tự do”, v.v. Còn luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng làm như vậy là “cần thiết và đúng lúc” vì lý do ông Trump đã sử dụng mạng xã hội “nhằm hô hào các giá trị độc tài phát xít đồng thời kích động bạo loạn” hay “ông Trump đã đưa ra những lời kêu gọi dẫn đến hậu quả xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng tại Hoa Kỳ”, v.v.
Chúng tôi thấy rằng, sự kiện này đã càng làm sáng tỏ về bản chất của cái gọi là nền “dân chủ Mỹ”, “dân chủ phương Tây” mà bấy lâu nay một số người, nhất là với những người tự cho mình là nhà hoạt động, đấu tranh cho tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền luôn dùng là thước đo, chuẩn mực để so sánh; luôn mơ tưởng, khao khát hướng tới. Bởi vì, họ đang lầm tưởng rằng: ở nơi ấy mọi người có thể được tha hồ phát ngôn cho “sướng mồm”, tự do nói, viết, đăng tải thế nào tùy thích. Sự thật là: với bất kỳ công dân nào, là ai, kể cả Tổng thống nhưng nếu có những phát ngôn trên mạng xã hội có tính kích động bạo lực, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia,… thì đều bị chặn, xóa tài khoản như thường.
“Trông người mà khẳng định bên ta”. Chính vì sớm nhận thấy, bên cạnh những lợi ích mà mạng xã hội mang lại thì đây chính là “mảnh đất” mà các thế lực thù địch, những phần tử bất mãn, tiêu cực, phản động,… triệt để lợi dụng để chống phá sự nghiệp cách mạng. Do đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho công dân theo Hiến pháp, pháp luật. Đồng thời, yêu cầu các nhà mạng phải hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát thông tin, kịp thời gỡ bỏ những tài khoản, thông tin xấu độc, có tính kích động bạo lực, tuyên truyền chống phá Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia,… là hoàn toàn đúng và phù hợp. Việc này không chỉ có ở Việt Nam mà với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới đều làm như vậy, kể cả với Mỹ - nơi lâu nay vẫn được giới hoạt động cho là “thiên đường” của tự do, dân chủ!
Vì thế, sau sự kiện này những người tự cho mình là nhà hoạt động, đấu tranh cho tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền hãy suy nghĩ, nhận thức lại để có thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn với quyền tự do ngôn luận của mình theo Hiến pháp, pháp luật. Có như vậy, thì dù sinh sống, làm việc gì, ở đâu cũng luôn cảm nhận được sự tự do./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét